Cách mạng màu: Khi Cộng Sản sợ chính lịch sử của mình

(Hình minh họa: Kayla Ng)

Cách mạng màu đang là một vấn đề nóng với nhà cầm quyền Cộng Sản gần đây, khi cuộc biểu tình nổi dậy chống lại ông Maduro ở Venezuela, thậm chí nó đã lan tới Bangladesh và gần đây nhất là Campuchia, đất nước có mối quan hệ thân thiết với các chính phủ Cộng Sản như Việt Nam và Trung Quốc. Các kênh truyền thông Việt Nam gần đây đã phải xuyên tạc liên tục về ý nghĩa thực sự của cách mạng màu, vì nỗi sợ lại lây lan tới Việt Nam.

Mối lo sợ của chính quyền Cộng Sản với cách mạng màu

Cách mạng màu, một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong những năm đầu thế kỷ 21, đã trở thành biểu tượng cho làn sóng chuyển mình dân chủ lan tỏa khắp Đông Âu và Trung Đông. Không phải là những cuộc bạo động đẫm máu, cách mạng màu thường được đặc trưng bởi các cuộc biểu tình bất tuân dân sự ôn hòa, và chiến dịch vận động chính trị phi bạo lực, thường được thúc đẩy bởi các cáo buộc gian lận bầu cử hoặc tham nhũng chính trị. Điểm chung của các cuộc cách mạng này là việc sử dụng biểu tượng màu sắc đặc trưng, từ đó hình thành nên tên gọi “cách mạng màu.”

Có thể thấy, cách mạng màu là một cách thức lên tiếng mới của người dân để phản đối một chính sách bất công, tham nhũng hay lớn hơn là một chế độ áp bức, độc tài. Bởi lẽ, lịch sử đã chứng minh rằng, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu thay đổi càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là khi một chế độ bước vào giai đoạn thoái trào. Chính trong bối cảnh đó, cách mạng màu nổi lên như một phương thức hướng tới mục tiêu thay đổi, một con đường tìm kiếm sự tiến bộ, đồng thời tránh được những hệ lụy đau thương của đổ máu, chiến tranh và bạo lực.

Chính vì lẽ đó, cách mạng màu thường diễn ra ở các nước có yếu tố xã hội chủ nghĩa như Liên Xô cũ, hoặc các quốc gia độc tài như khu vực Bắc Phi và Trung Đông với phong trào Mùa Xuân Arab. Điển hình gần đây nhất là cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử nhằm lật đổ nhà độc tài Maduro đang diễn ra tại Venezuela. Điều đáng chú ý là, trên truyền thông Việt Nam, thông tin về cuộc biểu tình ở Venezuela gần như bị kiểm duyệt hoàn toàn, người dân trong nước không được tiếp cận bất kỳ thông tin nào liên quan.

Không chỉ lan rộng khắp thế giới, làn sóng cách mạng màu còn ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận Việt Nam như Thái Lan, Bangladesh và gần đây nhất là Campuchia, một quốc gia với sự lãnh đạo độc tài của Tổng Thống Hunsen suốt hàng thập kỷ và có mối quan hệ thân thiết với các nước Cộng Sản như Trung Quốc và Việt Nam.

Bản thân Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này. Chính quyền đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng với làn sóng biểu tình phản đối Formosa, luật An Ninh Mạng và luật Đặc Khu năm 2018. Những cuộc biểu tình này, với sự tham gia của hàng nghìn người dân tại khắp các tỉnh thành, từ Bắc chí Nam, như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn, đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của tư tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ.

Vì những lý do này nên chính quyền cộng sản Việt Nam rất lo sợ trước sức ảnh hưởng của cách mạng màu, và đã có những động thái nhằm ngăn chặn và bóp méo thông tin về phong trào này.

Nỗ lực xuyên tạc bóp méo

Trên các kênh truyền thông như YouTube, Facebook, chính quyền liên tiếp đưa ra những luận điệu xuyên tạc, ngụy biện về ý nghĩa và bản chất của cách mạng màu. Điển hình là sự việc Truyền Hình Quốc Phòng vu cáo trắng trợn trường Đại Học Fulbright Việt Nam chỉ vì lễ tốt nghiệp của trường không có quốc kỳ Việt Nam. Bên cạnh việc bóp méo thông tin, chính quyền còn sử dụng chiến thuật đánh lạc hướng dư luận bằng cách tạo ra các sự kiện khác, như việc phong sát nghệ sĩ từng quay clip có liên quan đến cờ vàng củaVNCH.

Đồng thời, bất kỳ sự manh nha hay xu hướng tập hợp cộng đồng nào, dù có yếu tố chính trị hay không, đều bị công an đàn áp và giám sát chặt chẽ. Thậm chí, các cuộc đàn áp tôn giáo cũng diễn ra khá phổ biến, từ Công giáo đến trường hợp của sư Thích Minh Tuệ, khi hình ảnh tu sĩ khất thực gợi nhớ về Phật giáo miền Nam trước đây. Tất cả những hành động này đều xuất phát từ quan điểm thiếu căn cứ, cho rằng cách mạng màu là một mối đe dọa, một sự bất ổn và chống phá.

Đầu tiên, truyền thông và chính phủ Việt Nam thường xuyên tuyên truyền rằng “cách mạng màu gây bất ổn xã hội, kích động bạo loạn, hòa bình không muốn lại muốn chiến tranh.” Đây là một luận điệu quen thuộc thường thấy ở các nước CS.

Thực tế, cách mạng màu là phong trào đấu tranh phi bạo lực, một phương thức để người dân lên tiếng phản đối hoặc yêu cầu thay đổi chính sách bất công, chế độ độc tài đàn áp. Bạo lực, nếu có, thường xuất phát từ sự đàn áp của chính quyền cầm quyền.

Điển hình như “Cách Mạng Dù Vàng” ở Hong Kong năm 2014, do các phong trào sinh viên khởi xướng với những gương mặt tiêu biểu như Hoàng Chí Phong và Chu Vĩnh Khang. Họ sử dụng ô vàng làm biểu tượng để phản đối sự can thiệp của Trung Quốc vào quyền tự trị của Hồng Kông, đòi hỏi quyền bầu cử tự do và dân chủ. Còn tại Thái Lan, phong trào biểu tình “Ba Ngón Tay” – biểu tượng lấy cảm hứng từ bộ phim “The Hunger Games” – diễn ra vào năm 2020 – 2021 cũng cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của cách mạng màu đến nhận thức về dân chủ của giới trẻ.

Tương tự, cuộc biểu tình ở Việt Nam năm 2018, mặc dù người dân đi biểu tình không hề có phát ngôn chống đối chính quyền và biểu đạt trong ôn hòa và luôn dặn dò nhau tránh xung đột bạo động, vẫn bị công an và an ninh Việt Nam đàn áp và quy chụp chống phá, thậm chí còn đánh đập và bắt khai nhận đã nhận tiền từ “thế lực thù địch” để đi biểu tình. Mặc dụ họ chỉ xuống đường để phản đối luật đặc khu và luật an ninh mạng vì lo ngại về việc Trung Quốc thuê đất 99 năm cũng như nguy cơ xâm phạm quyền tự do và dữ liệu cá nhân.

(Hình: Facebook)

Bên cạnh những cáo buộc vô lý về bạo lực và chiến tranh, cách mạng màu còn bị gán cho tội danh gây chia rẽ nội bộ quốc gia.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, bản chất của cách mạng màu không phải là nguyên nhân gây chia rẽ. Nó chỉ bùng nổ khi tồn tại một chế độ đàn áp, độc tài, tham nhũng hoặc gian lận.

Minh chứng rõ ràng nhất là vụ đàn áp người dân tộc Ê Đê của công an Việt Nam tại DakLak. Sự việc này bắt nguồn từ những vấn đề phân biệt đối xử sắc tộc, tranh chấp đất đai và đàn áp tôn giáo đối với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Ê Đê, bởi lực lượng nắm quyền và an ninh gốc Nghệ An, Hà Tĩnh. Dù đây là một cuộc phản kháng có vũ trang chứ không phải cách mạng màu nhưng là ví dụ điển hình cho sự bất công và thiếu công bằng trong quản trị, việc không đảm bảo quyền lợi cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở DakLak mới là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và xung đột.

Nhằm củng cố thêm cho luận điệu chống lại cách mạng màu, một số kênh truyền thông trực thuộc chính phủ CSVN như Quân Đội, Công An Nhân Dân đã đăng tải hàng loạt bài viết cho rằng cách mạng màu không hiệu quả, không giải quyết được bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia, và dẫn chứng Cách Mạng Hoa Hồng ở Georgia, hay Cách Mạng Cam ở Ukraine. Tuy nhiên, đây được cho là các luận điệu xuyên tạc khác tới từ “thế lực chuyên quyền chống phá dân chủ nhân dân” của CSVN.

Ngay như chính bản thân CSVN cũng đã trải qua biết bao sự thay đổi đầy tang thương và uất hận, từ thời kỳ bao cấp, cách mạng văn hóa, cải cách ruộng đất, và cuối cùng phải từ bỏ mô hình kinh tế bao cấp tập trung của chủ nghĩa Mác Xít vô sản để đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng theo xã hội chủ nghĩa kiểu nửa nạc nửa mỡ.

Thì sự thay đổi của các nước Đông Âu dân chủ cũng cần cả một quá trình đấu tranh gian nan nhưng đầy ý nghĩa, đưa xã hội tiến gần hơn đến tự do và dân chủ thực sự, chứ không phải là sự đòi hỏi thay đổi ngay lập tức như luận điệu của CS An Ninh Việt Nam.

Và cuối cùng, chính quyền Việt Nam thường xuyên đổ lỗi cho cách mạng màu là do các thế lực thù địch bên ngoài kích động nhằm chống phá nhà nước. Nhưng  CSVN hiện đang phủ nhận các cuộc cách mạng mà họ đã dùng nó để có được quyền lực hôm nay. Lịch sử của CSVN là những cuộc thay đổi, nhưng hôm nay họ lại trở mặt phủ nhận quyền làm điều tương tự của các phong trào dân chủ khác.

Thậm chí, nếu xét theo logic của chính quyền, các cuộc biểu tình ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với sự tác động của Việt Minh cũng có thể được coi là một cuộc cách mạng màu, “cách mạng màu đỏ” của chế độ cộng sản. Vậy tại sao cuộc cách mạng này lại được tung hô là “đi tìm đường cứu nước,” “sáng suốt,” trong khi các cuộc cách mạng đấu tranh dân chủ, nhân quyền, môi trường khác lại bị gán cho tội danh “chống phá”?

Rõ ràng, việc quy kết cách mạng màu là do thế lực thù địch là một luận điệu tiêu chuẩn kép, thô thiển và ngụy biện của chính quyền Việt Nam. Họ đang cố gắng sử dụng chiêu bài này để biện minh cho việc đàn áp người dân, bảo vệ quyền lực và duy trì sự kiểm soát của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: