Câu chuyện laptop của cô giáo và sự vô năng của Cộng Sản

Trường Tiểu Học Chương Dương. (Hình: Mỹ Dung/Tuổi Trẻ)

Câu chuyện một giáo viên tại trường Tiểu Học Chương Dương, quận 1, TPHCM bị đình chỉ công tác vì ngỏ ý xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop đang gây xôn xao dư luận.

Dù lý do đưa ra là “để xác minh, làm rõ,” nhưng hành động này đã khơi dậy những tranh cãi về ranh giới mong manh giữa sự tự nguyện đóng góp và lạm thu trong môi trường giáo dục.

Sự việc bắt nguồn từ chiếc laptop bị mất của cô H, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 đã bị mất laptop cá nhân. Với mong muốn tiếp tục công việc, cô đã ngỏ ý muốn phụ huynh lớp hỗ trợ một phần kinh phí (khoảng 5 – 6 triệu đồng), cô sẽ bỏ thêm 5 triệu đồng để mua laptop mới.

Tuy nhiên, do có ba phụ huynh không đồng ý với việc quyên góp tiền mua laptop mới, cô H. đã tỏ ra “giận dỗi” và không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi khoản tiền 6 triệu đồng mua laptop vẫn xuất hiện trong bảng chi phí mà cô H. gửi Ban đại diện phụ huynh. Phụ huynh tức tối phản ánh với báo chí về việc cô H. cho học sinh xem tivi, Youtube quá nhiều trong giờ học, tự làm bài tập mà không giảng bài kỹ, khiến nhiều em không theo kịp.

Ngày 30 Tháng Chín, cô giáo H. trong cuộc gặp gỡ báo chí đã thừa nhận mình sai, “khi không hiểu thông tư về xã hội hóa.” Lời trần tình này càng khiến người ta phải suy ngẫm về thực trạng “xã hội hóa” giáo dục hiện nay.

Xã hội hóa giáo dục, vốn là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực xã hội cho sự nghiệp “trồng người,” nay lại trở thành cái cớ để lạm thu, gây áp lực lên phụ huynh và làm méo mó ý nghĩa cao đẹp ban đầu.

Phải chăng, khái niệm “xã hội hóa” đang bị lợi dụng, biến tướng thành công cụ để hợp thức hóa những khoản thu không chính đáng? Liệu có bao nhiêu khoản thu “tự nguyện” thực chất là ép buộc dưới nhiều hình thức tinh vi? Câu chuyện chiếc laptop và nước mắt cô giáo tại trường Tiểu học Chương Dương chỉ là một lát cắt nhỏ phản ánh thực trạng đáng buồn này.

Xã hội hóa & lạm thu

Quyết định kỷ luật cô giáo H. đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội và trong dư luận. Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc, cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn triệt để tình trạng giáo viên lạm dụng vị trí của mình để “vòi vĩnh,” gây áp lực lên phụ huynh. Việc cô giáo lấy lý do “không hiểu rõ thông tư về xã hội hóa” càng khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ nhà giáo.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, sự việc này cũng phơi bày một thực trạng đáng buồn: nhiều giáo viên phải tự bỏ tiền túi để trang bị các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác giảng dạy, bởi nguồn lực nhà nước eo hẹp, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu.

Chính trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 30 Tháng Chín, cô giáo H. bật khóc nức nở, chia sẻ về những áp lực tinh thần, sức khỏe mà bản thân phải chịu đựng trong những ngày qua. Cô thừa nhận mình sai khi chưa hiểu rõ quy định về xã hội hóa giáo dục, đồng thời mong muốn sự việc sớm được giải quyết để ổn định cuộc sống và công việc.

Theo Luật Giáo Dục 2019, xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân. Xã hội hóa giáo dục gồm hai thành phần chính, đó là xây dựng một xã hội học tập trong đó mọi người học tập thường xuyên, học tập suốt đời, và vận động toàn xã hội tham gia đóng góp cho giáo dục.

Tuy nhiên, trên thực tế, ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu trong trường học đang ngày càng trở nên mong manh. Nhiều trường học đã lợi dụng danh nghĩa “xã hội hóa” để thu thêm các khoản tiền bất hợp lý, gây gánh nặng cho phụ huynh. Hội Cha mẹ học sinh, thay vì là cầu nối giữa nhà trường và gia đình, đôi khi lại trở thành công cụ để nhà trường “mượn tay” thực hiện việc lạm thu.

Câu chuyện của cô giáo H. và chiếc laptop là một ví dụ điển hình cho thấy sự biến tướng của xã hội hóa giáo dục. Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm thu đang diễn ra phổ biến trong nhiều trường học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân và sự phát triển lành mạnh của giáo dục nước nhà.

Chúng ta cần hướng sự quan tâm nhiều hơn và phê phán vào những vấn đề mang tính hệ thống, như nạn lạm thu trong trường học. Chỉ khi tấn công vào “gốc rễ” của vấn đề, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng được một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và phát triển.

Phản ứng quá mức?

Năm 2017, thứ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo Nguyễn Hữu Độ từng ký ban hành công văn yêu cầu chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Chuyện kỷ luật một cô giáo không làm thay đổi được vấn nạn “xin” tiền phụ huynh một cách công khai, hay quyên góp theo kiểu “tự nguyện bắt buộc” tại hầu hết các trường học trong cả nước vào đầu năm học, mà cần phải có một quyết định từ bộ trưởng Bộ Giáo Dục.

Chuyện lạm thu, tận thu trong trường là vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng không được giải quyết, dẫn đến chuyện một cô giáo công khai quyên góp tiền của phụ huynh để mua một vật dụng mà cô cho là chỉ để phục vụ cho việc giảng dạy. Liên quan việc này, Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM lên tiếng cho rằng sẽ xử lý nghiêm hành vi sai trái của giáo viên này.

Việc xã hội lên án hành vi sai trái của cô giáo là hoàn toàn chính đáng, bởi nó thể hiện sự phản đối trước những biểu hiện lệch chuẩn, đòi hỏi môi trường giáo dục phải luôn trong sạch, lành mạnh. Nhưng nhiều người cho rằng, mức kỷ luật 15 ngày dành cho cô giáo H. là quá nặng nề so với lỗi lầm mà cô ấy gây ra. Xét cho cùng, cô H. đã nhận thức được sai phạm của mình, sẵn sàng khắc phục hậu quả và cũng đã phải chịu những tổn thất lớn về tinh thần, uy tín trong cả môi trường nhà trường lẫn ngoài xã hội.

Tuy nhiên, điều đáng bận tâm hơn cả là phản ứng quá khích của một bộ phận dư luận và truyền thông. Việc đăng tải hình ảnh đời tư của cô giáo lên mạng xã hội, quay video “bêu riếu,” “ném đá” không thương tiếc… là những hành động vừa thiếu tính nhân văn, vừa tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm đến quyền riêng tư, danh dự của cá nhân.

Những hình ảnh này khiến chúng ta không khỏi giật mình liên tưởng đến những cuộc đấu tố khốc liệt trong giai đoạn cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam vào những năm 1950. Liệu đây là hệ quả của một nền giáo dục thiếu tính nhân văn, đã và đang “sản sinh” ra những thế hệ trẻ thiếu sự đồng cảm, bao dung? Hay đây chính là sự bộc phát “quá lố” của những người dân đã quá mệt mỏi, ức chế trước một chế độ tham nhũng, sách nhiễu, nơi mà công lý, lẽ phải thường bị bóp méo, che giấu?

Dù là với lý do nào, thì phản ứng của dư luận trong sự việc cô giáo xin tiền mua laptop cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh. Nó cho thấy những “vết sẹo” của quá khứ vẫn còn đâu đó trong lòng xã hội, và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng một nền văn hóa đối thoại lành mạnh, nơi mà sự phê phán luôn đi kèm với sự thấu hiểu và bao dung.

Sự vô năng của chính quyền và sự thờ ơ trước cường quyền.

Điều nực cười là, chiều 27 Tháng Chín, ông Lê Công Minh, hiệu trưởng trường Tiểu học Chương Dương, cho báo chí biết,  cô H. đã sai hoàn toàn, nhưng ông chưa biết giải quyết sự việc thế nào. Rồi ông cho tổ chức một buổi hòa giải giữa cô H. và phụ huynh của lớp, để cô xin lỗi phụ huynh. Phụ huynh nào thấy bất an thì cho con chuyển lớp.

Thông tin mới nhất mà báo chí cho biết, chiều 28 Tháng Chín, bà Mai Thị Hồng Hoa – phó chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân quận 1 làm việc với trường, yêu cầu tạm dừng đứng lớp với cô giáo H. Đồng thời hoàn trả tiền đóng góp mua laptop từ phụ huynh.

Một sự việc, tuy rất đáng xấu hổ, nhưng cũng chỉ bé tẻo teo, vậy mà, một hiệu trưởng lại lúng túng không biết xử lý. Rồi uỷ ban quận cũng nhảy vào chỉ đạo khẩn. Những điều này cho thấy sự vô năng của hệ thống công quyền ở Việt Nam.

Đáng buồn thay, trong khi một giáo viên “xin” vài triệu đồng mua laptop bị dư luận và truyền thông “ném đá” không thương tiếc, thì những kẻ có quyền lực lớn hơn, thực hiện những hành vi “trấn lột” quy mô hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn đến đất nước và người dân, lại nhận được sự im lặng đáng sợ. Họ hành động có tổ chức, tinh vi, gây ra những thiệt hại không chỉ về vật chất, mà còn phá hoại niềm tin, làm xói mòn nền tảng đạo đức xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cả một thế hệ. Thế nhưng, “dư luận” lại chỉ “nhỏ giọt” thông tin, thậm chí là im bặt, như thể bị bịt miệng bởi một thế lực nào đó.

Điển hình như việc ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, tự ý mang 500 máy tính và 10,000 tấn gạo tặng cho Cuba trong chuyến công du Bắc Mỹ vừa qua. Hành động này, dù được bao biện bằng lý do “tình hữu nghị,” “hỗ trợ nhân đạo,” nhưng thực chất là sử dụng tài sản của người dân Việt Nam một cách thiếu minh bạch và không chính đáng. Người dân Cuba đang khó khăn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự lựa chọn sai lầm của chính chế độ cầm quyền, chứ không phải thiên tai, dịch bệnh. Vậy mà trước hành động “phóng tay” này của ông Tô Lâm, bao nhiêu người dám lên tiếng phản đối? Bao nhiêu cơ quan báo chí dám đào sâu phân tích, đặt câu hỏi về tính hợp lý, hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước?

Sự tương phản giữa làn sóng phẫn nộ dành cho cô giáo “xin” vài triệu đồng và sự im lặng đáng sợ trước hành động “cho không” hàng chục nghìn tấn gạo, hàng trăm chiếc máy tính của ông Tô Lâm cho thấy một sự méo mó, lệch lạc nghiêm trọng trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của xã hội. Phải chăng, chúng ta đang sống trong một môi trường mà “con sâu làm rầu nồi canh” bị lên án gắt gao, trong khi “con voi chui lọt lỗ kim” lại được phớt lờ?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: