‘Chỉ có đầu bò mới nghĩ được cách chống lụt bằng mỡ bò’

Người dân Đà Nẵng kê đồ đạc, tài sản lên cao trước khi rời khỏi nhà đi chạy lũ – Ảnh: Thanh Niên

Một cư dân Đà Nẵng bất bình la lên như thế trước giải pháp chống ngập do ông Nguyễn Văn Tiến – phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai – nêu ra trong cuộc họp ứng phó thiên tai sáng ngày 18 Tháng Mười tại Đà Nẵng.

Trong buổi họp, ông Tiến cho biết, ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua ở Đà Nẵng do hai nguyên nhân có thể thấy ngay: Đó là nước ở khu công nghiệp tràn sang, thứ hai là nước ở toàn bộ sân bay tràn xuống đô thị…

Ông Nguyễn Văn Tiến – phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai – đưa ra giải pháp chống nước lũ vào nhà bằng mỡ bò – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Tiến phân tích, người dân để cho nước ngập tài sản, gây thiệt hại là do chủ quan, không ai kê đồ lên cao, triển khai chống ngập. Và ông đề nghị phải tuyên truyền thêm kỹ thuật ứng phó với ngập lụt đô thị.

Kỹ thuật ứng phó với ngập lụt của ông Tiến như thế này: “Ví dụ, chống ngập lụt ở các gia đình tại Đà Nẵng vừa qua là ‘hết sức đơn giản’. Khi thấy nước tràn từ ngoài cửa vào, chỉ cần dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò sẽ ngăn cho nước không vào nhà. Còn nước tràn lên từ hố nước thải, chỉ cần một cái bô hoặc xô chít mỡ bò xung quanh rồi đặt vào khu vực đó thì nước sẽ không tràn qua được” – ông Tiến nói chắc chắn như thế, y như từ xưa đến nay, dân Đà Nẵng chỉ biết bó gối nhìn nước dâng, không ai biết chống lụt như thế nào.

Cách phân tích và “chỉ dạy” của ông Tiến ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân cả nước, chứ không chỉ dân Đà Nẵng, đối tượng ông muốn “dạy chống lụt”.

Một người viết trên mạng xã hội: “Chỉ có đầu bò mới nghĩ được cách chống lụt bằng mỡ bò!”.

Hàng chục vị trí ngập lụt ở Đà Nẵng là cả khu dân cư chứ không chỉ nước ngoài đường tràn vào nhà, rồi chỉ cần dùng mỡ bò để chặn nước! – Ảnh: Lao Động

Ngay cả báo chí cũng phản đối cách “dạy đời” của ông Tiến. Trên báo Lao Động viết:

Thứ nhất, nguyên nhân ngập lụt đô thị Đà Nẵng không phải do nước từ sân bay hay khu công nghiệp nào gây ra cả. Sân bay và các khu công nghiệp đã ra đời, tồn tại cùng với lịch sử hình thành của Đà Nẵng, nhưng chưa bao giờ nhấn chìm thành phố này như 2 trận mưa lớn, gây ngập Tháng Mười năm 2022, và lần này. Ngay các văn bản chỉ đạo phòng chống thiên tai, các báo cáo của chính quyền cũng không nêu nguyên nhân ngập lụt như ông Tiến kết luận.

Thứ hai, ngập lụt ở Đà Nẵng nói riêng và các đô thị nói chung không khác nhau. Hệ thống cống rãnh không bảo đảm, thủy triều dâng, hàn cửa biển. Hệ thống sông ngòi, ao hồ điều tiết ngập tràn hoặc không đủ để tiêu úng. Mưa lớn, các đường phố biến thành sông, gây ngập lút cả khu dân cư.

Vì vậy, không có bơm thủy lực nào có thể đủ hút nước chống ngập. Cũng không thể dùng bạt chèn cửa hay trét đất sét, mỡ bò để chống nước tràn vào nhà như cách chỉ dẫn của ông Tiến. (Hết trích)

Ông Nguyễn Nhì (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) rất bất bình trước nhận định cho rằng người dân “không chống ngập như cảnh báo” theo lời ông Nguyễn Văn Tiến – Ảnh: Thanh Niên

Tại vùng “rốn lũ” khu dân cư đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), với cánh tay trái bị bó bột, ông Nguyễn Nhì bất bình nói: “Người dân tất tả dọn đồ đạc, bảo vệ tài sản đến kiệt sức mà ông ấy lại nói sai như vậy. Riêng tôi, khiêng đồ đạc kê lên cao bị trượt té đến gãy cánh tay mà nói là người dân không ai thực hiện kê đồ lên cao, không triển khai chống ngập… Nói vậy là sai”.

Theo ông Nhì, thực tế là người dân tại phường Hòa Khánh Nam đã rất chủ động, tất tả dọn dẹp đồ đạc, sử dụng các thiết bị để kê cao và bảo vệ tài sản.

“Khi nghe dự báo thời tiết, nắm được lượng mưa lớn tại khu vực, người dân chúng tôi đã khẩn trương dọn dẹp, kê cao đồ đạc… kê cao nhất có thể. Rút kinh nghiệm từ đợt lũ lịch sử năm ngoái 2022, người dân ở đây rất sợ và không có ai dám chủ quan”, ông Nhì nói.

Chị Hạnh cho biết: “Cái máy quạt nước được kê trên bàn nhưng nước dâng cao 2 m đã xô ngã bàn, máy quạt cũng trôi lềnh bềnh trong nhà gây hư hỏng” – Ảnh: Thanh Niên

Chị Văn Thị Mỹ Hạnh (trú phường Hòa Khánh Nam) cho biết điều ông Tiến nói rất phi thực tế. Bởi theo chị, nước lũ dâng cao và rất “hung dữ” chứ không đơn giản như ông Tiến nhận định.

“Nước vào nhà 50 cm, chúng tôi chạy đôn chạy đáo để kê cao đồ đạc, khoảng 15 phút sau nước dâng lên gần 2 m và chảy xiết. Thử hỏi bạt vít với đất sét, mỡ bò… sẽ ngăn nước kiểu gì?”, chị Hạnh thắc mắc.

Theo ông Nhì, nỗi đau và những thiệt hại tài sản, tính mạng con người vào năm 2022 vẫn còn đó. “Mong rằng đừng gây thêm tổn thương cho người dân. Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phải phát ngôn cho chuẩn, đúng với thực tế. Còn không, phải xin lỗi người dân chúng tôi”.

Người dân khu dân cư đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đã chồng giường lên để ngủ và bảo vệ tài sản trong đợt ngập lụt vừa qua – Ảnh: Thanh Niên

Sau đó, sáng ngày 19 Tháng Mười, trao đổi với báo chí về phản ứng của người dân trước giải pháp dùng mỡ bò ngăn nước lụt, ông Tiến giải thích chắc có thể do ông nói chưa đúng và hết ý nghĩa của việc chống ngập ở Đà Nẵng nên gây hiểu nhầm. Ông nói:

“Tôi không có động cơ mục đích gì, do không có thời gian nên chưa nói đầy đủ, phân tích cặn kẽ. Tôi khẳng định rằng chính quyền địa phương từ cấp cơ sở, thành phố đến nhân dân và cộng đồng đã thực hiện rất tốt và chủ động ứng phó. Qua đây, tôi chân thành xin lỗi những ý mà tôi có thể nói chưa đúng hoặc chưa hết ý nghĩa”.

Điều này có nghĩa ông Tiến vẫn giữ quan điểm của ông là có thể chống lụt bằng… mỡ bò!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: