Chỉ có ‘thiên tài’ mới làm đường cao tốc bị ngập

Vị trí ngập cao tốc sau khi nước rút. Để ý sẽ thấy thấy khu vực này trũng nhưng cống thoát nước nằm ở vị trí rất thấp, bình thường cũng khó có thể thoát nước kịp – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhiều người phải thốt lên như thế khi chứng kiến một đoạn đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa bị ngập nặng vào sáng sớm ngày 29 Tháng Bảy, 2023.

Anh Lê Bình Minh viết trên Facebook khi phải dừng xe tại đoạn cao tốc thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nơi dòng xe ngừng nối đuôi nhau chờ nước rút:

“Chắc trên thế giới chỉ có cao tốc Việt Nam làm mới bị ngập như thế này. Thật ra tôi không ngạc nhiên lắm. Ở Việt Nam chuyện gì cũng có thể xảy ra được, kể cả chuyện làm cho cao tốc ngập nặng!”

Trên một đoạn video clip được chia sẻ trên mạng, người ta thấy tại khu vực ngập, nước tràn qua ngập cả hai bên giải phân cách cao tốc. Nhiều xe bị chết máy sau khi cố vượt qua đoạn ngập dài khỏng 100 mét, vị trí ngập sâu nhất lên đến 1 mét. Một chiếc xe tải bị dòng nước đánh trôi, sạt xuống lề đường, nằm chết một chỗ, tài xế phải ra ngoài cầu cứu.

Cống nằm ở vị trí thấp, không kịp thoát nước – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ban quản lý dự án Thăng Long đánh giá nguyên nhân sơ bộ xảy ra tình trạng ngập do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu tràn ra phạm vi đường cao tốc gây ngập một đoạn đường.

Theo ghi nhận của giới truyền thông, tại vị trí ngập có một cống xuyên qua tuyến chính. Cống nằm ở vị trí thấp, không kịp thoát nước. Địa hình tại đây trũng, có một con suối nhỏ. Nước ngập làm hư đường gom dân sinh cạnh tuyến cao tốc. Ngoài ra, hệ thống rãnh dọc hai bên cũng gom nước về đây.

Đến 10:00 cùng ngày, nước đã rút hết, xe cộ lưu thông bình thường trở lại, tuy nhiên vẫn chưa hết chuyện. Nhiều người đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người có xe bị hư hỏng, thậm chí cho những người vì phải dừng lại chờ nước rút mà công việc của họ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại tài chính và tinh thần của họ?

Một chiếc xe hơi đang được cứu hộ trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sáng ngày 29 Tháng Bảy, vì cao tốc bị ngập – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc phải chịu trách nhiệm, nhưng trước hết phải đánh giá xem thiết kế thoát nước ở đây có gì sai sót không. Nếu thiết kế hệ thống thoát nước không đáp ứng được lượng mưa tại địa phương thì đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây do chưa giao cho đơn vị nào quản lý vận hành nên chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường cho bên bị thiệt hại do ngập nước.

Sau đó, chủ đầu tư cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến ngập lụt và trách nhiệm của các bên liên quan.

Một tài khoản trên Facebook tên Mac Doanh viết: “Tôi tin rằng sẽ chẳng đơn vị nào bồi thường cả, đừng có mơ! Tất cả chỉ tại ‘ông trời’, khi nào đòi tiền được ‘ông trời’ thì trả, không thì thôi. Hãy nhìn Sài Gòn, cứ mỗi lần mưa là một lần ngập, xe chết máy, xe hư phải sửa biết bao nhiêu chiếc, mà có ai chịu trách nhiệm bồi thường đâu?”

Một chiếc xe tải đã trôi xuống lề đường – Ảnh cắt từ clip

Còn tài khoản Văn Dung viết: “Tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ ‘vặt lông’ đơn vị thiết kế trước, sau đó là bên thi công. Sẽ tốn không ít tiền để ‘trám’ cái lỗ trách nhiệm, rồi cuối cùng tiền sẽ từ túi người này chảy qua túi người khác, và không có ai chịu trách nhiệm cả”.

Theo các chuyên gia cầu đường, cao tốc bị ngập là “chuyện xưa nay hiếm!”, nếu không nói là chưa bao giờ xảy ra. Nếu thế thì đúng là câu “thiên tài cùng với thiên tai một vần” đầu tiên phải trao cho đơn vị thiết kế, rồi trao luôn cho cả bên ký duyệt thiết kế này nữa.

“Với kiểu thiết kế vô trách nhiệm, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vẫn có thể tái diễn cảnh ngập lụt như thế này”, một kỹ sư cầu đường cho biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: