Chỉ số bình yên của Việt Nam hơn Hàn Quốc, Mông Cổ, Lào và Hoa Kỳ?

Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) hay danh sách các quốc gia bình yên trên toàn cầu (Global Peace Index) do IEP công bố hằng năm được xếp hạng theo năm màu – Ảnh chụp màn hình

Trong danh sách các quốc gia bình yên nhất thế giới (Global Peace Index), Việt Nam được xếp hạng thứ 41, tăng bốn bậc so với năm ngoái, đứng trên Hàn Quốc (43), Mông Cổ (44) và Lào (46). Riêng Hoa Kỳ thì độ bình yên cách Việt Nam quá xa, bị xếp tận thứ 131!

Chuyện như đùa này được Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc công bố đầu Tháng Bảy 2023 và được truyền thông trong nước hân hoan đưa tin hôm 5 Tháng Bảy.

Đài CNBC cho biết nghiên cứu của IEP năm 2023 đã đo lường mức độ yên bình của một quốc gia bằng cách xem xét ba lĩnh vực: Xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra; An toàn và an ninh xã hội; Quân sự hóa.

Cách xếp hạng của IEP tính theo màu: xanh biển (very high – rất bình yên), xanh da trời (high – bình yên), vàng (medium – trung bình), cam (low – kém bình yên), đỏ (very low – rất kém).

Căn cứ theo màu sắc này, có 14 quốc gia “very high”, đứng đầu là Iceland, thứ hai là Đan Mạch và thứ ba là Ireland. Trong Top 14, có 10 quốc gia thuộc châu Âu; hai quốc gia châu Á là Singapore (6) và Nhật Bản (9); một quốc gia thuộc châu Úc và châu Đại dương là New Zealand (4); một quốc gia thuộc châu Mỹ là Canada.

Có 64 quốc gia bình yên nhất toàn cầu được đánh dấu màu xanh biển và xanh da trời, trong đó có Việt Nam – Ảnh chụp màn hình

Tiếp theo 14 quốc gia “very high” là 50 quốc gia “high”, trong đó lục địa châu Á có Bhutan (17), Malaysia (19), Đài Loan (33), Việt Nam (41), Hàn Quốc (43), Mông Cổ (44), Lào (46), Timor-Leste (49), Indonesia (53).

Các quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Cambodia, Philippines, Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc nằm trong danh sách medium (màu vàng). Còn Hoa Kỳ tệ hơn, rơi vào danh sách quốc gia low (màu cam), cùng với Mexico, Brazil, Triều Tiên, Myanmar, Israel và Palestin.

Theo đánh giá của IEP, thế giới hiện nay kém bình yên hơn so với năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2023, mức độ bình yên giảm 5% trên toàn cầu. Trong cùng khoảng thời gian đó, 95 quốc gia đã trở nên kém bình yên hơn, trong khi chỉ số bình yên của 66 quốc gia có sự cải thiện.

Hoa Kỳ được xếp hạng 131, màu cam, tức mức độ kém bình yên, lại là quốc gia có nhiều người Việt tỵ nạn nhất – Ảnh chụp màn hình

Quay trở lại thứ hạng bình yên (high) của Việt Nam, đây không phải là sự an ủi cho dân Việt Nam, mà quả là một sự giễu cợt!

Vì chỉ cần đọc tin tức trên mạng, có ngày nào ở Việt Nam mà không có người giết người? Điều ghê gớm nhất là người Việt hiện tại không phải thù hằn lâu ngày mới giết nhau, mà là không quen biết cũng giết nhau; thậm chí yêu thương nhau (người yêu, người tình), thân nhau (bạn thân), sống cùng nhau hằng ngày (anh em, cha mẹ, con cái, vợ chồng)… cũng giết nhau!

Chẳng phải giờ đây ra đường, người Việt luôn phải dặn nhau nhớ đừng “nhìn đểu”, đừng “cãi cọ” khi va quẹt, đừng dừng lại can ngăn khi thấy ai đó đánh lộn hoặc cứu giúp khi gặp ai đó bị tai nạn?

Bình yên ư? Ra đường người Việt nào giờ cũng ngụy trang đồ đạc, tư trang… để che mắt kẻ cắp, kẻ trộm, kẻ cướp… vì cướp giật ngày nào chả có?

Bình yên ư? Ngày nào chả có tai nạn giao thông, thêm trời mưa, ngập nước – cây đổ, cột điện đổ, taluy đổ… là ai biết điều gì sẽ chực chờ rơi vào đầu người đi đường?

Bình yên ư? Sao người Việt sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước mà vẫn tìm đường thoát thân khỏi đất nước? Từ người bần cùng đến người giàu có? Mỗi người đều âm thầm chọn con đường đi cho mình, miễn là thoát khỏi đất nước, trở thành… Việt kiều?

Có lẽ IEP khi xếp hạng đã không thể biết được hết những điều này, họ chỉ nhìn thấy một đất nước không có biểu tình, không có bạo loạn, không có bất ổn chính trị.

Nhìn trên bình diện chung, vâng, Việt Nam là một đất nước bình yên, vì tất cả những tiếng nói phản biện đã bị nhốt trong tù, còn những người chưa bị bắt thì bằng cách này hay cách khác đã bị vô hiệu hóa, họ câm lặng vì sợ hãi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: