- Như dự đoán của giới quan sát, nhà cầm quyền CSVN đã khởi sự chiến dịch tuyên chiến với nhân quyền – qua hồ sơ “Chỉ thị 24” mà tổ chức Project 88 công bố – bằng chuyện cho công an mọi nơi đẩy mạnh chiến dịch sách nhiễu đến từng nhà, từng người, trong đó đặc biệt là đối với các gia đình tù nhân lương tâm.
Một trong những ví dụ này, là sự việc của Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, một tù nhân lương tâm đã từng có các hoạt động vì môi trường cũng như các vấn đề về học đường, y tế, dân oan… Mới đây, bà Châu đã bị nhà cầm quyền gọi lên để xử phạt hành chính với mức phạt 7.5 triệu đồng vì đã đăng tải một bức ảnh phản ứng về bản án của ông Ánh trên trang Facebook cá nhân. Bức ảnh có từ năm 2019, nhưng là nguyên nhân của đợt sách nhiễu, cho thấy nhà cầm quyền đang tìm đủ mọi cách để khủng bố.
Không chỉ bà Châu, trong cùng giai đoạn này, nhiều người khác đang cũng bị “mời” họ lên làm việc với lý do mơ hồ là “trao đổi về các vấn đề liên quan đến an ninh mạng”. Những người khác như bà Lê Thị Hà (vợ của giảng viên âm nhạc, TNLT Đặng Đăng Phước), bà Nguyễn Thị Tình (vợ của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh), bà Trịnh Thị Nhung (vợ ông Bùi Văn Thuận), bà Nguyễn Thị Huệ (mẹ ông Huỳnh Đức Thanh Bình), Bà Lê Thị Thập (vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh)… cũng bị gọi lên làm việc, cho thấy một hình thức khủng bố đang hành động có hệ thống.
Công an buộc thân nhân các gia đình những người bất đồng chính kiến phải gỡ bài viết, xóa bình luận trên mạng xã hội, cũng như không được chia sẻ bài đăng từ các trang mạng có tiếng nói bất đồng chính kiến khác. Tệ hơn, công an sau khi thẩm vấn trấn áp, còn hăm dọa không cho tiết lộ nội dung cuộc làm việc khủng bố.
Ghi nhận từ đợt khủng bố này, chính quyền đã dùng gia đình như một phương tiện để gây áp lực lên những người bất đồng chính kiến. Bằng cách này, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không chỉ gửi một “thông điệp” rằng không có ai ngoại lệ trong “cuộc chiến” chống lại những tiếng nói phản biện mà còn tạo ra một môi trường sợ hãi, nơi mọi người phải cân nhắc hậu quả không chỉ với bản thân mà còn với người thân của họ.
Mục đích của đợt khủng bố này không chỉ nhằm gây ra áp lực tinh thần đối với các gia đình mà còn kiếm cớ phạt tiền, gây khó khăn về kinh tế. Bà Châu cho biết là công an đe dọa, nếu bà không đóng tiền phạt đúng thời gian, thì sẽ bị tính thêm tiền lãi suất.
Một vấn đề khác của chiến dịch khủng bố xã hội, là công an muốn cắt đứt sự liên hệ, qua lại của các gia đình tù nhân lương tâm với nhau, cũng như với các tổ chức quốc tế đang quan tâm về nhân quyền. Những người bị công an bắt rút lại việc ký tên hưởng ứng yêu cầu đưa bà Nguyễn Thúy Hạnh về chữa trị, nói họ nhận ra ý đồ muốn cô lập những người yếu thế và ngăn chận sự đoàn kết trong xã hội Việt Nam.
Hành động của chính quyền CSVN, được nhìn thấy như một phiên bản hà khắc của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, trong việc “một người làm, cả nhà chịu tội”, vốn bị quốc tế lên án từ nhiều năm nay.
Cuộc chiến cho quyền tự do ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam, vẫn còn là một trận chiến gian nan, và cần sự can thiệp từ tổ chức quốc tế cũng như áp lực từ cộng đồng thế giới. Bây giờ, không chỉ những người đang chịu án và bị đày đọa trong tù phải khổ sở, mà chính gia đình họ bên ngoài cũng không còn có được cuộc sống bình thường của một công dân.