Chính quyền Bình Định đổ cho người chăn vịt làm… sạt lở bờ sông 

Đàn vịt người dân nuôi nằm gần công trình đập dâng Cây Ké, cách xa nơi khai thác cát – Ảnh: Lao Động

Chuyện lạ đời này diễn ra ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) thuộc tỉnh Bình Định. 

Kể từ ngày công ty Thành Danh được cấp phép khai thác cát trên sông La Tinh (địa phận xã Cát Tài, huyện Phù Cát), người dân bực bội vì tiếng ồn của những chiếc xe ben ngày đêm ra vô chở cát. Người dân còn lo ngại hoạt động khai thác, nạo vét cát tại khu vực trên nếu quá đà sẽ làm sạt lở bờ sông, dẫn đến mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Lao Động dẫn lời người dân ở thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) cho hay, đây là năm thứ ba công ty Thành Danh hoạt động lấy cát trên sông La Tinh. Ông Đ., một người dân sống tại thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) bày tỏ: “Việc khai thác cát của công ty này sẽ gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đất sản xuất, nhà cửa của chúng tôi mỗi khi có mưa lũ. Họ khai thác cát nhưng không thấy treo bảng thông tin mỏ cấp phép về vị trí, diện tích khai thác nên người dân chúng tôi cũng không biết được họ có lấy cát ở ngoài nơi được cấp phép hay không”.

Do xe tải hoạt động chở cát vượt quá chiều cao thành thùng “phá” đường, gây ô nhiễm môi trường, người dân địa phương đã làm đơn kiến nghị gửi Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh.

Sau đó, Đoàn kiểm tra Ủy ban xã Cát Tài (huyện Phù Cát) và Ủy ban xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra việc khai thác cát của công ty Thành Danh và cho rằng tình trạng sạt lở bờ sông La Tinh là do người dân thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài) nuôi vịt (?)

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, thực tế người dân nuôi vịt cách công trình đập dâng Cây Ké khoảng vài chục mét và cách khu vực mỏ cát của công ty Thành Danh cả trăm mét men theo bờ đê sông La Tinh. Ngay giữa Tháng Hai 2023, tại nơi khai thác cát không có bảng thông tin mỏ cát cấp phép theo quy định và không có các yêu cầu đã ghi trong giấy phép, còn hai bên bờ sông La Tinh đang xảy ra tình trạng sạt lở.

Khu vực được cấp phép khai thác cát không có bảng thông tin mỏ cát – Ảnh: Nông Nghiệp

Công ty Thành Danh được Ủy ban tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng trong phạm vi 0.45 ha trên sông La Tinh, thuộc địa phận xã Cát Tài từ ngày 13 Tháng Mười Một 2019 đến nay. Đáng lưu ý là trong biên bản kiểm tra việc khai thác cát của Thành Danh, thành phần tham gia đoàn kiểm tra hoàn toàn không có đại diện người dân ở thôn Kiên Phú (xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ), là nơi bị ảnh hưởng trực tiếp khi bờ sông bị sạt lở. 

Lao Động đặt câu hỏi: Công ty khai thác cát, dùng xe cơ giới, máy xúc hoạt động liên tục dưới lòng sông từ năm 2019 đến nay lại không gây ra sạt lở, mà người dân nuôi vịt từ bao đời nay lại gây ra sạt lở? Thử làm khảo sát cả Việt Nam xem những dòng sông bị sạt lở là do nguyên nhân nào, khai thác cát gây ra sạt lở chiếm tỷ lệ  bao nhiêu phần trăm, có nơi đâu nuôi vịt gây ra sạt lở không? 

Và đặt rõ vấn đề nằm ở đâu: Cán bộ hai xã trên đã không công tâm, khách quan, khoa học khi đưa ra kết luận vịt làm sạt lở bờ sông. Chưa kể, có dấu hiệu bao che cho doanh nghiệp khai thác cát. Đoàn cán bộ đi kiểm tra và đưa ra kết luận đổ oan cho người dân nuôi vịt phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng cần làm rõ có hay không việc bảo kê cho hoạt động khai thác cát trên sông La Tinh vượt quy định của giấy phép. Doanh nghiệp khai thác cát trên sông, không ai kiểm soát được có đúng vị trí, thời gian theo giấy phép hay không. Đoàn kiểm tra kết luận vội vàng, có dấu hiệu bảo vệ doanh nghiệp khai thác cát, lại đổ cho người nuôi vịt gây sạt lở. 

Trước kết quả nông dân nuôi vịt bị đổ oan, Lao Động đã đề nghị tỉnh tổ chức một đoàn kiểm tra có chuyên môn cao đến nghiên cứu để đưa ra kết luận khách quan, có cơ sở khoa học về nguyên nhân gây sạt lở bờ sông La Tinh. Nếu như tiếp tục có doanh nghiệp khai thác thì đê, kè dọc hai bên sông sẽ bị tàn phá. 

Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường Bình Định đã đi kiểm tra thực địa khu vực khai thác, nạo vét của Thành Danh trên sông La Tinh. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty Thành Danh dừng hoạt động khai thác, nạo vét cát, tháo dỡ đường công vụ hoàn thành trong ngày 25 Tháng Hai 2023 và phục hồi môi trường theo quy định.

Hôm 5 Tháng Ba 2023, Lao Động dẫn lời lãnh ông Hồ Đắc Chương – Phó giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, khẳng định: Kết luận sạt lở bờ sông La Tinh do người dân nuôi vịt là tầm bậy, không đúng. Ông Chương cho biết, nguyên nhân sạt lở bờ sông thường do lũ lụt, lạm dụng trong khai thác cát trong lòng sông… gây ra. Theo ông Chương, hiện nay lòng sông La Tinh đã hạ thấp, nếu như tiếp tục có doanh nghiệp khai thác thì đê, kè dọc hai bên sông sẽ bị tàn phá. Sở cho rằng không nên cho phép doanh nghiệp nào khai thác cát tại vị trí trên, nếu muốn khai thác thì phải đợi từ 5 – 7 năm, khi nguồn cát được bồi đắp theo dòng chảy thì mới tiếp tục cho phép khai thác.

Vậy là, việc sạt lở bờ sông La Tinh là do hoạt động khai thác cát, không phải do vịt!

Nông Nghiệp ngày 24 Tháng Hai 2023 cho biết thêm: Giấy phép khai thác khoáng sản gia hạn số 157 ngày 2 Tháng Mười Hai 2022 yêu cầu công ty Thành Danh phải thực hiện cắm lại các mốc ranh giới mỏ; lắp đặt camera, trạm cân và bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin giấy phép khai thác, dự án khai thác cát lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích, sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác. Thế nhưng, ngoài việc lắp đặt camera thì công ty Thành Danh không thực hiện bất kỳ nội dung nào theo yêu cầu trong giấy phép để người dân và quan chức giám sát hoạt động khai thác cát.

Việc nhà cầm quyền địa phương cấp giấy phép cho các công ty khai thác cát trên dòng sông gây sạt lở bờ sông đã được truyền thông trong nước lên tiếng từ nhiều năm trước. Tuổi Trẻ ngày 26 Tháng Mười 2016 đã khẳng định “Khai thác cát quá mức là nguyên nhân sạt lở bờ sông” khi nói về tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng ở  các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Gần khu vực khai thác cát của Công ty TNHH đầu tư xây dựng Thành Danh, nhiều đoạn dọc bờ sông La Tinh bị sạt lở – Ảnh: Lao Động

Nhà Đầu Tư ngày 26 Tháng Mười Hai 2022 dẫn lời Phó tổng cục trường, Tổng cục phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức báo động với 621 điểm sạt lở, tổng chiều dài trên 610 km (379 miles), trong đó có 147 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài gần 200 km (124 miles). Các công trình nghiện cứu cho thấy việc khai thác cát quá mức, vượt quy hoạch đang là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún, sạt lở tại khu vực này. 

Bài viết về sạt lở bờ sông khi khai thác cát tại Quảng Trị ngày 9 Tháng Mười Hai 2022 cũng trên Lao Động đã cho biết việc khai thác cát sạn trên sông Thạch Hãn đã gây sạt lở hai bên bờ sông, đỉnh điểm là vụ sạt lở đêm 16 Tháng Mười 2022 – đoạn qua thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), khiến 3 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, hai hàng quán khác bị hư hại, một người thiệt mạng.

Điều đáng nói là tình trạng sạt lở ở bờ sông Thạch Hãn do khai thác cát đã được nhiều báo cảnh báo từ năm 2018. Theo VOV Miền Trung ngày 23 Tháng Bảy 2018, có khoảng 2,300 gia đình tại 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị sống trong vùng sạt lở. Trong đó, gần 600 gia đình đang sống trong khu vực nguy hiểm, mép sông chỉ còn cách nhà khoảng 20 m (787 inches). Thế nhưng, nhà cầm quyền địa phương vẫn cấp phép cho những công ty khai thác cát, vì quyền lợi (thuế cho ngân sách địa phương và…quà biếu các quan chức) mà đẩy cuộc sống người dân vào tình thế nguy hiểm.

Và, trơ tráo đến mức như quan chức hai xã Cát Tài (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) vì lợi ích nhóm mà bênh công ty Thành Danh, đổ tội cho người dân nuôi vịt làm sạt lở bờ sông thì đúng là hết chỗ nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: