Đi chợ ở Sài Gòn giờ không cần vào nhà lồng, vì chợ đã có ở khắp mọi nơi, trong những ngôi nhà mặt đường hay con hẻm. Vì thế tất cả các chợ có nhà lồng đều ế ẩm, các quầy sạp bên trong đều bị bỏ trống.
Chưa kể “chợ” còn có trên những chiếc xe đẩy bộ, xe đạp hoặc chiếc xe gắn máy có gắn thùng xe phía sau… rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm. Nếu người buôn bán đi xe đạp hoặc đẩy bộ thường chỉ bán đồ dùng như một tiệm “tạp hóa mini” thì những người đi xe gắn máy có gắn thùng xe phía sau thường bán trái cây hoặc thực phẩm.
Có thùng xe chỉ chất đầy 1-2 loại trái cây, nhưng cũng có thùng xe chứa hầm bà lằng các thứ, từ rau củ, trái cây đến thịt heo, cá… hệt như một cái chợ thu nhỏ.
Trên quốc lộ 22, đoạn gần chợ đầu mối Tân Xuân, Hóc Môn, đã xuất hiện hàng loạt cửa hàng bán thịt heo mảnh, rau củ quả, trái cây… với giá sỉ ở các nhà mặt tiền hai bên đường. Điều này chưa từng có trước đại dịch (2019). Hiện tại, các tiểu thương ngồi trong chợ đầu mối ở con đường Nguyễn Thị Sóc khuất bên trong “khóc ròng” vì không bán được hàng, đã phải ra mặt đường thuê nhà.
Còn các ngã ba, ngã tư dọc quốc lộ thì sao? Các xe bán trái cây, rau củ quả xâm chiếm từ trưa đến chiều, với tiếng rao hàng từ loa inh ỏi điếc cả tai vì mỗi xe một loa. Để tiện cho người mua di chuyển nhanh vì đường quốc lộ không dừng xe lâu được, người bán vô sẵn từng loại rau củ vào bao nylon, bán một bịch 10 ngàn – 20 ngàn. Người mua chỉ cần nói mua loại nào, lấy mấy bịch, người bán sẽ lấy nhanh, tính tiền lẹ.
“Trăm người mua, vạn người bán”
Ngày xưa “trăm người bán, vạn người mua” chứ giờ là ngược lại: Trăm người mua, vạn người bán. Chưa bao giờ Sài Gòn có nhiều người bán thực phẩm và hàng rong nhiều đến như vậy, đa số chỉ trên dưới 40, nên người mua có rất nhiều lựa chọn.
Người ở trong hẻm sâu giờ cũng chả cần ra đường mua thực phẩm vì xe bán hàng rong vào tận nơi. Mỗi xe có những cung đường và con hẻm quen, mấy giờ họ có mặt ở đâu, bán cho ai…
Nhà tôi ở trong hẻm. Hôm nào ở nhà, tiếng rao hàng vang lên dày đặc. Từ sáng sớm đến tối mịt, tiếng rao hàng nhiều hơn một cách bất ngờ, kể từ cuối năm 2022 đến nay.
Hết người rao: “Cà chua 10 ngàn một ký, thơm 15 ngàn hai trái”, “Chanh không hạt, xổ hết luôn, 15 ngàn hai ký”… lại đến tiếng rao: “Trứng cút lộn, hột vịt lộn xào me, bắp xào”, “bánh mì nóng giòn, bánh mì bơ sữa”, “bánh chưng-bánh giò”… Tất cả đều là giọng rao thu sẵn trong máy, khi giọng Nam, lúc giọng Bắc, khi giọng đàn ông, lúc giọng đàn bà.
Mỗi buổi sáng đạp xe đạp vòng quanh khu phố yên tĩnh cách nhà vài cây số, tôi thường nhìn thấy một xe bán bánh mì kẹp thịt nướng đứng trước cổng một căn biệt thự lúc 8 giờ. Nếu loanh quanh ở đó gần 9 giờ, tôi sẽ gặp một phụ nữ chở thùng xe rau củ trái cây trờ tới, đứng cạnh chị bán bánh mì.
Họ ở đó đến khoảng trưa thì tan hàng, nhưng ngày thứ Bảy hay Chủ nhật thì tuyệt nhiên không thấy ai. Chắc họ có chỗ bán khác vào hai ngày cuối tuần, chứ tôi không nghĩ họ “sang” đến mức nghỉ bán.
Ở một ngã ba Trần Nguyên Đán-Phan Xích Long (quận Bình Thạnh), có một nhóm xe bán trái cây theo mùa toàn đàn ông, đa số là thanh niên trên dưới 30. Tất cả đều là dân Bắc mới vào Nam để buôn bán. Mỗi khi có xe của phường trờ tới là cả bọn bảo nhau rồ ga chạy mất, chỉ để lại mấy bao… vỏ trái cây trên lề đường!
Người Bắc vào Nam bán hàng ngày càng đông, có xu hướng tụ vào một chỗ để hỗ trợ nhau. Khu chợ Nguyễn Đình Chiểu quận Phú Nhuận là một ví dụ. Thay vì vào nhà lồng chợ mua sạp, người Bắc mới vào Nam toàn thuê hiên trước nhà trên đường Lê Tự Tài, Nguyễn Đình Chiểu và Phan Xích Long để bán hàng, trong đó không hiếm trai xinh gái đẹp tuổi trên dưới 30. Khu phố đó trước còn có quán ăn, quán cà phê, hàng thời trang, dịch vụ giặt -sấy… giờ tấm bảng còn treo mà hàng hóa bên trong đã khác!
Họ bán đủ loại, từ các loại đồ khô và trái cây đặc sản phía Bắc đến thịt heo, lòng heo, rau củ quả, trái cây… theo mùa. Nếu bán rau củ thì sạp nào cũng chêm thêm trái cây, hoa tươi. Còn nếu bán thịt heo thì có khi bán thêm heo quay, kim chi (nhà làm). Cũng có người thuê hẳn nhà để mở lò làm tàu hũ và bán đồ chay, có cả bún, hủ tiếu, các loại dưa muối chua như dưa cải, cà muối, dưa giá… Dân Bắc kiếm được nguồn hàng rẻ nên giá bán rất rẻ, nhưng mới vào Nam nên họ không khéo chiều khách, đa phần thường cộc.
Ở một ngôi chợ lề đường không tên khác mà tôi thi thoảng ghé, có một người đàn ông đầu bạc trên 50 tuổi chuyên bán cá tôm tươi sống. Ông ta kể thuê hàng hiên trước nhà để bán cá tôm và tối được ông chủ nhà cho ngủ trong bếp với giá 6 triệu đồng/tháng.
Vợ và bốn đứa con gái của ông ta sống ở quê Nam Định. Vợ làm ruộng, con lớn đã lấy chồng, con thứ làm thợ phụ tiệm tóc ở Hà Nội, hai đứa nhỏ đi học. Hỏi bao lâu em về quê một lần? “Một năm một lần tết thôi, vì mỗi tháng đều gửi tiền về, chả có dư đâu”.
Hơn 10 năm trước, tôi gặp vợ ông ta bán ở con hẻm này, với cái bụng bầu vượt mặt. Người vợ đẹp, ăn nói dịu dàng. Bẵng đi một thời gian không thấy cô ấy, rồi có lần tôi gặp ông chồng ngồi vào chỗ cũ của vợ. Ông ta bảo: “Vợ em sanh đứa thứ tư cũng “vịt giời” chán lắm, nhưng bà ấy yếu rồi nên em cho ở nhà, không cho ra chợ nữa”.
Rồi không hiểu bà vợ và bốn con “vịt giời” nhà ông ta về quê từ lúc nào.
Nhiều năm trước, những lần gặp, ông ta đều than thở: “Nhà toàn vịt giời. Mai mốt chết chả có đứa chống gậy” nhưng giờ không thấy ông ta than nữa. Nỗi lo hằng ngày bán không đủ chi phí (tiền thuê nhà, tiền nộp thuế) khiến ông ta trĩu nặng nét mặt, không hay trò chuyện với khách như trước.
Giờ người ta có thể mua thực phẩm ở khắp nơi, thậm chí mua trên mạng, nên khách quen đi chợ lề đường chỗ ông ấy ngày càng vắng.
Bán trong hẻm, góc đường, lề đường… muốn yên phải “chung chi”
Đừng tưởng bán trong hẻm, góc đường, lề đường… là thoát được thuế nhé.
Con bé bán cá tôm trong một con hẻm ở quận nội ô nói với tôi: “Hằng tháng có người xuống đưa hóa đơn tính thuế. Thuế môn bài, thuế kinh doanh, rồi thuế VAT đủ hết, tính ra mỗi tháng con phải đóng trên dưới 500,000 đồng, cứ một quý ra ngoài ngân hàng gửi vào tài khoản thuế của quận”.
“Nếu con không đóng thì sao?”. “Phường họ cho người xuống kiểm tra hoài, không có giấy tờ gì là họ tịch thu hết hàng hóa, hạch sách đủ điều khổ lắm. Ai nợ chưa kịp đóng thuế thì họ dồn tiền đóng một lần nhiều lắm, không thiếu được đâu”.
Cô gái quê Bến Tre, lấy chồng làm thợ hồ. Hai vợ chồng để con trai lại quê nhà cho bà ngoại chăm sóc cũng hơn 10 năm nay rồi, lên Sài Gòn thuê căn phòng 9m2 giá hơn 1 triệu đồng ở ngoại ô, hằng ngày đem mâm cá tôm bán ở một con hẻm trong nội ô, với giá thuê chỗ – trước hiên nhà, là 3 triệu đồng/tháng.
Cứ ngày Rằm hằng tháng, cả hai vợ chồng lại nghỉ để về quê chơi cùng con. Từ cuối năm 2022 đến nay, các công trình xây dựng bị đình trệ, ông chồng thất nghiệp, chỗ hiên nhà cũ chủ không cho thuê để bán nữa, may sao hai vợ chồng kiếm được cái phòng nhỏ có cái hiên phía trước để bán hàng với giá 6 triệu đồng/tháng nên dọn về ở luôn, đỡ tiền xăng đi lại.
Một đôi vợ chồng trẻ khác quê Đồng Nai, người vợ vốn có cửa hàng bán quần áo thời trang tự thiết kế ở quận 2 đã dẹp hồi dịch vì ế ẩm, sau dịch trôi giạt về một con hẻm trên đường Phan Đăng Lưu thuê ngôi nhà bề ngang 1m để bán thực phẩm.
Có lần mua hàng, cô ấy nói như khóc vì ức: “Con bày hàng ra trước cửa vì nhà nhỏ quá, sợ không ai thấy mà trên phường xuống kiểm tra nói con lấn chiếm lề đường, con năn nỉ thì họ bảo phải đưa 4 triệu đồng để ông ta xin giấy phép kinh doanh. Con biết nếu tự mình xin thì chỉ mất vài trăm ngàn, nhưng nếu không nhờ ông ta thì ngày nào ông ta cũng đến quấy nhiễu thì khổ lắm”.
Mới đây, một bạn trẻ bị thất nghiệp, bày xe bán trà trái cây trước một cây xăng… cũng bảo với tôi hằng tháng phải chung chi (trên dưới 1 triệu đồng/tháng) cho nhân viên của phường để họ “bảo kê chỗ”, nếu không thì xe trà trái cây của bạn này sẽ bị đuổi bắt như những người buôn bán lề đường khác.
Có bao nhiêu người dân Việt Nam đang buôn bán thực phẩm trong những con hẻm và lề đường phải tốn chi phí “dưới gầm bàn” như vậy? Không có con số chính xác nhưng tôi chắc chắn không nhỏ!
Ai đó bảo giờ mua sắm online thật tiện lợi, nhưng tôi vẫn thích kiểu mua sắm chạm mặt người mua, “tám” đôi ba câu với họ. Ngày xưa thì vào chợ để tìm người bán hàng quen (đa phần tuổi trung niên), còn giờ thì… bước ra khỏi nhà đã thấy “chợ”, gặp những người bán còn rất trẻ.
Thôi thì mua đâu cũng vậy, mua hàng của những bạn trẻ này để còn thấy mình đang xài tiền cách hữu ích.