Rút kinh nghiệm vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), các chủ chung cư mini và nhà trọ ở Hà Nội đang cấm người thuê nhà không được sử dụng xe điện, hoặc cấm sạc pin vào ban đêm.
Dù báo chí không công bố nguyên nhân các vụ cháy nhà gần đây ở Hà Nội, kể cả vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ, nhưng cộng đồng mạng đều nói nguyên nhân do xe điện sạc pin ban đêm, gây chập điện.
Tin này thực hư thế nào không biết nhưng kể cả vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ thì đều có điểm chung là chỗ phát cháy đầu tiên ở tầng trệt – nơi dựng các loại xe khác nhau, trong đó có xe điện.
Trên mạng xã hội Facebook ngày 14 Tháng Chín đã lan truyền tấm hình từ page “Chuyện Của Hà Nội”, trong đó có tin nhắn chủ nhà cấm các loại xe điện không được sạc điện tại nhà và sẽ cắt hết ổ cắm điện ở tầng trệt.
VietnamNet ngày 14 Tháng Chín có bài viết “Sợ hỏa hoạn, chủ chung cư mini làm ‘gắt’ với người thuê”, trong đó dẫn lời ông Nguyễn Thành Long (50 tuổi), chủ hai tòa chung cư mini xây dựng từ năm 2009 ở Nhân Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội): “Trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ cấm người thuê sử dụng xe điện. An toàn chung của cư dân là trên hết nên dù nhiều người có kêu bất tiện, tôi vẫn sẽ thực hiện”.
Hai tòa chung cư nhà ông Long chỉ cho thuê, không bán, mỗi tòa có sáu tầng và mỗi tầng có ba căn hộ.
Từ nhiều năm trước, ông chủ Long đã yêu cầu những người ở thuê (sinh viên, người lao động nhập cư từ nhiều tỉnh) phải viết cam kết không sạc xe điện vào ban đêm vì không kiểm soát được. Theo ông dù có nhân viên bảo vệ túc trực 24/24 thì ông cũng không cho ai sạc điện ban đêm vì sợ cháy nổ.
Xuất thân là một kỹ sư, ông Long có nhiều lợi thế trong việc xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng như hệ thống an ninh tòa nhà. Nơi tầng một (trệt) là chỗ để xe của người thuê, ông lắp đặt hai hệ thống chữa cháy có các vòi phun dài ở bên ngoài, xử lý kịp thời khi gặp sự cố. Còn trên tầng thượng có sẵn hai bể chứa nước, mỗi bể hơn 10m3 sẵn sàng tiếp ứng.
Mỗi chung cư của ông Long trang bị sáu camera từ trong ra ngoài để tiện theo dõi người ra vào. Ngay ở cửa cũng có chuông báo động, ai ra vào đều phát tín hiệu tự động.
Ngoài ra, ông Long cũng trang bị rất nhiều bình chữa cháy cầm tay và phổ biến cách sử dụng cho người thuê; người thuê căn hộ không được hút thuốc ở ban công, hành lang, vi phạm sẽ bị phạt tiền theo quy định; xe chảy dầu không được để trong nhà xe và phải sửa ngay trong ngày; chỉ cần có dấu hiệu chập điện, ông Long có thể ngắt cầu dao từng căn hộ và cả tòa chung cư.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng quan trọng vẫn là ý thức của các cư dân.
Vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ là một “hồi chuông báo động” khiến ông quyết định: “30 ngày tới đây, tôi sẽ cấm người thuê sử dụng xe điện. Nhất định tôi phải phòng cháy hơn chữa cháy”.
Khi VietnamNet hỏi ông không sợ người thuê phản ứng hay sao, ông chia sẻ phải nói để mọi người hiểu an toàn là trên hết và tất cả người thuê đều phải tuân thủ.
Hiện nay, xe điện được đa số học sinh, sinh viên, người lao động nhập cư sử dụng là xe điện của Trung Quốc, từ xe đạp điện đến xe gắn máy điện. Xe gắn máy điện có nhãn hiệu Vinfast và Dat Bike – sản xuất Việt Nam, có giá rất cao, nên hầu hết đều chọn hàng Trung Quốc, với nguồn pin sạc thường không bảo đảm phẩm chất.
Người nghèo có khi mua trúng pin sạc bị “độ” trên thị trường mà không biết, đến khi sạc là ắc quy, pin bị phồng lên, gây nổ.
Thời sự ngày Thứ Năm 14 Tháng Chín ở Việt Nam còn ghi nhận hiện tượng dân Hà Nội vội vàng đi mua thang dây, kìm cắt lưới để đề phòng hỏa hoạn. Cũng VietnamNet cho biết: Trong các cuộc hội thoại của nhiều gia đình, các trang thiết bị thoát hiểm đã được nhắc đến.
Chẳng hạn như trong nhóm chat của gia đình bà Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội), mọi người vội vã giục nhau mua gấp thang dây thoát hiểm và kìm cắt lưới an toàn, vì gia đình bà Thanh cũng sống ở chung cư.
Ông Trần Văn Nam (Hà Nội), một chủ đại lý chuyên bán đồ bảo hộ, cứu hộ, tư vấn tùy theo nhu cầu và độ cao nhà ở mà mỗi gia đình tự chọn loại thiết bị phù hợp để phòng khi cháy: Chẳng hạn thang dây thoát hiểm chỉ nên dùng cho độ cao 10-20m, phù hợp với thanh niên, người có tâm lý vững, sức khoẻ tốt, đủ để bám chắc vào thang.
Còn với trẻ em và người lớn tuổi, phương án dùng dây cứu sinh và dây hạ chậm sẽ an toàn hơn vì có thiết kế để đỡ cơ thể, trong đó dây hạ chậm vẫn là an toàn nhất, vì nếu muốn tụt xuống nhanh hơn, chỉ cần đạp chân vào tường. Nếu thang dây giá trên dưới 1 triệu đồng/bộ 10-20m thì dây hạ chậm có giá cao nhất, lên đến hơn 5 triệu đồng cho bộ dây từ 10-20m.
Một thông tin cũng đáng chú ý liên quan đến Sài Gòn là theo thống kê của Công an TP.HCM chiều 14 Tháng Chín 2023, Sài Gòn hiện có 42,200 nhà trọ cho thuê kiểu “chung cư mini”, đa số trang bị hệ thống chữa cháy nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đó là việc sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách; mỗi căn hộ không được trang bị hệ thống chữa cháy hoặc có nhưng chưa kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; không có lực lượng được tập huấn nghiệp vụ phòng, chữa cháy túc trực thường xuyên; người ở chưa được trang bị kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy.
Nguy hiểm nhất là các nhà cho thuê cao tầng tuy có hầm giữ xe nhưng không được thiết kế lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và giải pháp an toàn, dễ xảy ra các vụ cháy. Nếu cháy xuất phát từ hầm giữ xe sẽ chặn luôn đường thoát của người dân trong tòa nhà vì thường các nhà ở Sài Gòn cũng là dạng nhà ống, chỉ có một lối thoát hiểm ở cửa trước.
Ngoài ra, người dân ai cũng biết năng lực hạn chế của đội lính cứu hỏa của Việt Nam, từ con người đến thiết bị, nên chẳng lạ khi có cháy, thiệt hại về con người và tài sản ở Việt Nam thường rất lớn.
Trong thời gian từ 31 Tháng Mười 2022 đến 31 Tháng Bảy 2023, Việt Nam xảy ra 2,031 vụ cháy (tăng 38.16%), làm 83 người chết (tăng 48.21%), 74 người bị thương (tăng 5.71%) – những con số này chưa bao gồm vụ cháy thảm khốc ở chung cư mini Khương Hạ!