Ông chồng tên Bình (61 tuổi), bà vợ tên Lê (59 tuổi) ở Hà Nội. Thời bây giờ, tuổi này vẫn còn tươi trẻ lắm, nhưng ông bà này có lẽ sống dưới sự kềm kẹp của công an từ nhỏ nên nghe nói đến công an là đầu óc cứ mụ mẫn, làm theo lời bọn lừa đảo.
Chuyện “lùa gà” bắt đầu vào một ngày Tháng Ba. Ông Bình nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là công an, công tác tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tên này cho ông biết ông Bình đang có liên quan đến một vụ án ma túy, rửa tiền, tài khoản ngân hàng và số chứng minh thư của ông đang bị giả mạo.
Nghe tới đâu, ông Bình rợn người tới đó. Thế rồi ông được yêu cầu kê khai tiền bạc trong tất cả tài khoản ngân hàng, đồng thời tên công an này bắt ông Bình phải chuyển toàn bộ số tiền hiện có vào một tài khoản ngân hàng do tên này cung cấp.
Để tạo lòng tin, tên lừa đảo này còn mặc đồ công an, gọi video call qua ứng dụng Zalo đến ông Bình, nhằm tăng thêm lòng tin của ông Bình. Lúc đó, ông Bình không cón nghi ngờ gì nữa, bàn với vợ phải thực hiện yêu cầu của tên công an này.
Chiều ngày 13 Tháng Ba, bà Lê đến ngân hàng Agribank, phòng giao dịch Phú Lãm, chi nhánh Hà Tây làm thủ tục chuyển số tiền 200 triệu đồng đến một số tài khoản tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho tên lừa đảo.
Chẳng biết bà Lê có “buôn chuyện” với nhân viên ngân hàng hay không mà nhân viên này lại biết chuyện, khuyên bà Lê nên cẩn thận kẻo bị lừa, nhưng bà Lê không nghe.
Ngày hôm sau, tên lừa đảo tiếp tục gọi ông Bình, yêu cầu chuyển 400 triệu đồng. Vợ chồng ông Bình đã đến một phòng giao dịch ngân hàng BIDV, yêu cầu chuyển tiền.
Không biết có phải do ngân hàng đã gặp nhiều lần kiểu lừa này nên biết, hay họ có nghiệp vụ an ninh nên phát hiện ra biểu hiện bất thường khi trong quá trình giao dịch, xuất hiện nhiều số điện thoại lạ gọi đến ông Bình và bà Lê. Nhân viên ngân hàng đã liên lạc với Đội An ninh công an quận Hà Đông và được hướng dẫn đề nghị tạm thời không thực hiện giao dịch.
Khi công an quận Hà Đông tới ngân hàng, hỏi ông Bình về mục đích rút tiền, vợ chồng ông Bình còn tìm kiếm các lý do không có thật để giải thích cho việc rút tiền như gửi tiền cho con đầu tư, rút tiền để trả nợ. Sau khi được nghe giải thích cụ thể, hai vợ chồng ông bà đã ngừng việc yêu cầu chuyển tiền.
May mắn hơn cho vợ chồng ông Bình là số tiền 200 triệu họ đã chuyển trước đó lại được chuyển nhầm cho một tài khoản khác không phải là số tài khoản mà đối tượng lừa đảo yêu cầu, nên sau đó đã được thu hồi.
Cây chuyện mang tính cảnh giác này được báo chí loan tin hình như còn điều gì đó chưa được sáng tỏ. Một người cho rằng cách giải quyết tình huống của vợ công ông Bình có gì đó sợ sệt, như họ đã làm điều gì đó mờ ám, nên bị “bắt bài”, phải làm theo tên lừa đảo này. “Nếu một người bình thường bị hù dọa liên quan đến một vụ án ma túy, rửa tiền, thì họ sẽ không nói dối cơ quan công an, để chuyển tiền cho bằng được”. Một người nhận định như thế.
Người ta nói “chồng lú thì vợ khôn”, đằng này cả hai vợ chồng ông Bình đều “lú” thì khó tin quá!
Dù sao thì câu chuyện kết thúc có hậu. Ông bà Bình may mắn vì chuyển tiền nhầm tài khoản, và được công an thật giúp ngăn chặn kịp thời hành động lừa gạt của công an giả.
À, mà báo chí nói tụi lừa đảo là công an giả, thì biết vậy thôi chứ chưa chắc điều đó là thật.
Tên nhân vật đã được thay đổi.