Chung tiền đủ, bà Trương Mỹ Lan sẽ thoát án tử hình

Bà Trương Mỹ Lan tươi cười dù bị tuyên tử hình. (Hình: báo Người Lao Động)

Toà tuyên án tử hình bà Trương Mỹ Lan, nhưng thông báo rằng chỉ cần nộp 75% số tiền tham ô là có thể được giảm từ án tử hình sang chung thân.

Toà hứa đúng luật, nhưng…

Trong phiên phiên xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan bị toà án kết luận đã chiếm đoạt số tiền 304,096 tỷ VNĐ của SCB. Từ đó hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan y án sơ thẩm (tử hình) về tội “Tham ô tài sản;” 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;” 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”

Đối với tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” bà Lan được giảm bốn năm so với án sơ thẩm, nhưng tổng hợp mức án vẫn là tử hình.

Điều đáng chú ý là dù toà phúc thẩm giữ nguyên mức án tử hình với bà Lan, nhưng chủ tọa cũng có thông báo rằng bà được gửi đơn xin ân xá lên chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày khi bản án có hiệu lực. Đồng thời, toà hứa rằng nếu bà Lan “tích cực hợp tác, nộp đủ 3/4 số tiền khắc phục hậu quả thì sẽ được chuyển hình phạt sang chung thân.”

Tham khảo pháp luật Việt Nam, trong điều Điều 40 Bộ Luật Hình Sự 2015, có quy định rằng: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.”

Cũng theo điều 40 này thì “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”

Như vậy, bà Trương Mỹ Lan có thể được giảm án theo đúng luật nếu chủ động nộp đủ 3/4 tài sản tham ô. Nhưng cũng cần phải xác định rằng vụ án Vạn Thịnh Phát là siêu đại án, và tội của bà Trương Mỹ Lan phải được xếp vào dạng đặc biệt nghiêm trọng.

Theo khoản 4 Điều 353 bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội tham ô tài sản, người nào chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên là phải bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Vậy số tiền bà Lan chiếm đoạt là gấp 300 ngàn lần mức tối thiểu của khoản 4 Điều 353. Không thể có chuyện nộp 3/4 số tiền là được giảm án.

Không thể đánh đồng 1 tỷ với 100 ngàn tỷ

Dư luận đã nhiều lần tỏ ra bức xúc về các trường hợp tham nhũng, chiếm đoạt tài sản hàng ngàn tỷ đồng mà chỉ cần nộp lại 75% số tiền là được giảm án, sau đó ngồi tù 2/3 bản án là được ân xá. Nhiều người thậm chí còn mỉa mai khi đưa ra giả thuyết rằng một vị quan nào đó tham nhũng 1,000 tỷ, ra toà nộp lại 750 tỷ, thì từ tử hình sẽ giảm còn chung thân. 250 tỷ còn lại thì mỗi năm bỏ 1 tỷ để xin ân xá, thế là chỉ cần chấp hành 2/3 bản án là ra tù. Còn dư thì con cháu các quan vẫn ra nước ngoài du học bằng tiền tham ô đó.

Hơn nữa, số bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì thông thường các phiên toà xử quan chức, đại gia, chỉ xử một vài phần đã bị lộ để “đốt lò” đánh phá phe phái, chứ không ai bị phanh phui toàn bộ những sai phạm và công khai toàn bộ tài sản.

Ví dụ phiên toà xử Đinh La Thăng chỉ xác định ông Thăng gây thiệt hại tỷ 630 tỷ khi còn làm chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia, mà không truy tận gốc những tham ô hối lộ trong những giai đoạn làm bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải (2011-2016) hoặc khi ông Thăng làm bí thư Thành Uỷ TPHCM. Nếu truy lại toàn bộ thì không thể chỉ có chuyện 630 tỷ kia là xong.

Bản án của bà Trương Mỹ Lan cũng vậy. Không phải chỉ là tham ô, chiếm đoạt tài sản, mà còn là cái cớ các phe phái trong bộ chính trị CSVN đấu nhau, mà bỏ qua câu chuyện chính trị trong vụ án này. Chỉ nói tới số tiền thôi, có thể 304 ngàn tỷ kia có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhưng đó là con số siêu khủng, không thể chỉ nộp lại 75% tài sản là được giảm án, nếu áp dụng điều luật dành cho những bản án tiền tỷ để áp lên cho bản án hàng trăm ngàn tỷ là bất hợp lý.

Cũng không thể dùng lập luận rằng cho dù không tử hình thì với những bản án 15-30 năm, ở độ tuổi này bà Lan có thể sẽ chết trong tù. Như vậy chẳng thà bỏ hẳn án tử hình, chứ cứ ai ở tù lâu năm, xác định chết trong tù thì lập ra án tử hình để làm gì? Còn nếu nói những người tham ô này có nhiều đóng góp cho xã hội, có bằng khen, có hoạt động từ thiện để làm căn cứ giảm án, lại càng sai. Cần phải truy ra nguồn gốc số tiền từ thiện đó, nếu từ hoạt động vi phạm pháp luật mà có, thì hoạt động từ thiện kia chỉ là hình thức rửa tiền.

Vì thế, cần thiết phải điều chỉnh hệ thống pháp luật hiện nay, cần có những khung xử phạt phù hợp đối với những tội phạm trong các siêu đại án từ hàng trăm tỷ trở lên. Không thể đánh đồng 1 tỷ với 100 tỷ, 1,000 tỷ, 100 ngàn tỷ là như nhau được!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: