Một phụ nữ quê Kiên Giang đang sống hạnh phúc cùng người chồng Mỹ trong nông trại của gia đình, tại tiểu bang Tennessee, Mỹ.
Đặc biệt, vì gia đình chồng bà thuộc bộ tộc Amish, từ chối thế giới hiện đại, lựa chọn lối sống tối giản, đi lại bằng xe ngựa, không dùng điện, không sở hữu xe hơi – tivi – tủ lạnh – điện thoại thông minh – máy tính, nên gia đình bà cũng có lối sống y như vậy.
Bộ tộc Amish hình thành từ một nhóm các Giáo hội Cơ đốc giáo theo chủ nghĩa Anabaptist truyền thống, có nguồn gốc từ người Đức gốc Thụy Sĩ và người Alsatia ở châu Âu. Đến Mỹ sinh sống vào thế kỷ 18, cộng đồng Amish có khoảng hơn 300,000 người, đa số định cư Pennsylvania, một số ít sống rải rác ở Ohio, Indiana, New York.
Họ coi nông nghiệp và nghề mộc là nền tảng cơ bản… và cho rằng công nghệ sẽ ảnh hưởng đến văn hóa, khiến các thành viên trong cộng đồng xa cách nhau và bị đồng hóa với bên ngoài. Người nào làm ngược lại với các quy tắc đó sẽ bị xem là “tội lỗi”.
Khi biết câu chuyện của gia đình bà, một số người đã dè bỉu: Lấy chồng Mỹ mà khổ vậy?
Nhưng bà Yến Nhi không nghĩ mình khổ, bà hạnh phúc với cuộc sống của mình.
Kể với báo Dân Trí ngày 26 Tháng Bảy và 19 Tháng Tám 2023, bà Nguyễn Yến Nhi (35 tuổi) nhớ lại: Lúc đầu gia đình bà ở Kiên Giang rất sốc vì thấy con gái lấy chồng Mỹ nhưng hai vợ chồng lại tự xây nhà, hằng ngày trồng rau quả trong vườn và hằng tuần phải ra chợ bán để có tiền.
“Mọi người nói, tưởng lấy chồng Mỹ phải sướng chứ sao lại sống cực như vậy? Nhiều bạn bè cũng hỏi tôi sao phải chọn con đường đó?” – bà Nhi tường thuật.
Bà hiểu người thân và bạn bè lo lắng vì thương bà, nhưng cũng có người lại cho rằng lựa chọn của vợ chồng bà là kỳ dị, bất thường.
Trước những lời bàn tán, bà Nhi dường như không bận lòng. Lúc mới quen chồng là ông John Lapp (39 tuổi), bà cũng có những suy nghĩ không tích cực về tộc người Amish.
Nhưng lâu dần, bà lại thấy yêu thích và tôn trọng lối sống của họ. Người Amish luôn đặt tình yêu và sự tha thứ lên hàng đầu. Họ có nhiều thói quen tốt, sống thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, những người Amish thường hạn chế nhận trợ cấp, họ tự lao động kiếm sống và dù khó khăn vẫn nhường phần trợ cấp cho những người không có sức lao động.
Bà Nhi tự hào về chồng: “Tôi thấy điều này thể hiện rất rõ ở con người John. Nhiều thời điểm khó khăn nhưng chưa khi nào anh nghĩ đến việc sẽ ngồi không nhận sự trợ giúp từ ai đó. Bản thân tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại và cảm thấy rất hạnh phúc”.
Trước đây, ông John Lapp sống ở tiểu bang Pennsylvania, nơi có cộng đồng người Amish đông đảo. Theo truyền thống của cộng đồng, ông chỉ học hết lớp 9 và đi làm nghề mộc, dựng các ngôi nhà bằng gỗ. Người đàn ông này không được phép lái xe, không sở hữu xe hơi và nếu đi xa, thì được sử dụng các phương tiện công cộng.
Vì không dùng điện nên nhà của John Lapp chỉ có các thiết bị chạy bằng gas như bếp gas, tủ lạnh gas và không có tivi. John Lapp có máy tính nhưng chiếc máy tính này đã bị lược bỏ hết các thiết bị có thể kết nối mạng.
Thay vì dùng điện thoại thông minh, ba – bốn gia đình người Amish đã lắp một chiếc điện thoại bàn để ở một căn chòi độc lập, để khi cần thì ra đó liên lạc.
Họ sống rất đoàn kết và tôn trọng các yếu tố thuộc về tình yêu, gia đình. Tuy nhiên, giữa sự phát triển không ngừng của thế giới hiện đại, nhiều người trẻ Amish đã lựa chọn rời bỏ cộng đồng để trải nghiệm thế giới bên ngoài. John cũng quyết định như vậy hồi năm 2018.
Vì không có bằng cấp, John xin vào làm ở một công ty về in ấn 3D và máy móc. Ông dần làm quen với các tiện nghi, đi phi cơ, du lịch, sử dụng điện thoại di động và có máy tính kết nối mạng. Chính trong khoảng thời gian này, ông được một người bạn Việt Nam giới thiệu làm quen với Yến Nhi ở tận Kiên Giang.
Tháng Hai năm 2019, John đến Việt Nam để gặp gỡ Yến Nhi. Người phụ nữ Việt chưa từng nghĩ mình sẽ yêu và lấy một người ngoại quốc, tuy nhiên, sự kiên trì và tình cảm chân thành của John Lapp đã khiến cô gái miền Tây rung động.
Trong năm 2019, John còn quay lại Việt Nam thêm bốn lần nữa để thăm người yêu. Họ quyết định kết hôn đầu năm 2020, sinh sống ở tiểu bang Pennsylvania.
Sau một thời gian đi làm ở công ty in ấn, John nhận ra nếu tiếp tục làm công việc này, ông sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình, hơn nữa, mức thuế đóng cao khiến ông nản.
Nỗi nhớ lối sống xưa khiến người đàn ông Mỹ lên kế hoạch nghỉ việc. Ông tìm một nơi ở mới để xây nhà và thực hiện cuộc sống tự cung tự cấp như cộng đồng mình trước đây.
Tháng Bảy 2021, vợ chồng bà Yến Nhi mua mảnh đất rộng 8ha (19.7 acres) ở tiểu bang Tennessee, thuộc khu vực rừng nguyên sinh cũ, thưa vắng dân cư và rất ít xe qua lại. Nơi đây có thời tiết ấm hơn và mức thuế phải đóng thấp hơn ở tiểu bang cũ. Cả hai tự xây nhà, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay vì sử dụng công nghệ xây nhà hiện đại phổ biến tại Mỹ.
Thời gian đầu, để có lối vào đất, John phải thuê người đổ một con đường nhỏ từ ngoài đường lớn vào nơi dựng nhà. Ngoài việc đó, John đảm nhiệm hầu hết mọi việc, từ thiết kế, đo đạc, dựng vách, làm mái…
Dù chỉ mới học hết lớp 9 nhưng với kinh nghiệm dựng nhà của người Amish, ông đã thiết kế được một ngôi nhà hai tầng và có một hầm rất chắc chắn, vượt qua mọi sự kiểm tra của giới chức địa phương về độ an toàn.
Thời điểm cặp vợ chồng Việt – Mỹ xây nhà, John vẫn phải dành khoảng 2/3 thời gian trong tháng đi làm ở tiểu bang cũ (cách tiểu bang Tennessee 10 tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe hơi) và chỉ dành khoảng 7-10 ngày để xây dựng nhà.
Có lần, vì muốn tiết kiệm chi phí, họ dựng lều ngủ tại công trình. Nhưng vì đêm quá lạnh, con trai 10 tháng tuổi lại ốm sốt, nên cả hai sau đó đành phải thuê nhà nghỉ cách đó nửa tiếng đi xe.
Đầu năm 2022, cặp vợ chồng chuyển vào ngôi nhà mới. Vì không kết nối được hệ thống nước sạch, cả hai tự đào giếng để lấy nước sinh hoạt, song, nguồn nước bị phèn không thể sử dụng. Họ nghĩ ra cách mua bồn chứa nước mưa và tận dụng thêm nguồn nước tự nhiên từ suối.
Hoàn thiện xong ngôi nhà hai tầng, vợ chồng bà Nhi bắt đầu khai hoang, làm vườn, trồng các loại cây ăn quả và rau củ phía sau nhà. Họ ăn uống đơn giản với những thứ mình tự trồng được và hằng tuần, bà Nhi đem hàng ra bán tại các phiên chợ nông sản.
Từ sau khi chuyển về nơi ở mới, John quyết định nghỉ việc, ở nhà làm nông cùng vợ, vì ông muốn dành thời gian cho gia đình và tiếp tục giữ thói quen của cộng đồng.
Kinh tế gia đình của vợ chồng bà Nhi trông chờ vào mảnh vườn. Giờ đây, mỗi tuần từ hai – ba lần, họ mang rau, quả tới các phiên chợ nông sản để bán. Người phụ nữ Việt còn tự chế ra một loại xốt mè đen dùng để trộn salad và đặt tên là “Xốt châu Á”, được nhiều người địa phương yêu thích.
Tính trung bình, họ thu được khoảng $400-$800/tuần, tùy vào lượng nông sản bán ra.
Giống như bộ tộc Amish, vợ chồng bà Nhi lựa chọn canh tác hữu cơ. Họ mua phân bò về bón vườn, bào mùn cưa để rải lên luống ngăn cỏ…
Trong vườn, bà Nhi trồng nhiều loại rau, củ, quả như dâu tây, bí ngòi, cà chua, bắp cải, củ dền, rau xanh… Các loại rau, quả bà trồng có thể ăn trực tiếp luôn tại vườn vì luôn sạch, không dùng thuốc trừ sâu.
Đặc biệt, bà trồng thêm hoa oải hương (Lavender) để làm nến hoặc bán hoa khô trang trí. Đây là mặt hàng được nhiều người dân trong vùng ưa thích.
Ngoài khu vườn ngoài trời được chia thành các ô, đóng khung gỗ và chia tầng như ruộng bậc thang, vợ chồng bà Nhi còn dựng một vườn rau trong nhà để chăm bón các loại cây giống, cây con, rau mầm.
Họ còn học các bí quyết bảo quản thực phẩm, rau củ quả theo cách của người Amish mà không cần dùng tủ lạnh. Họ cũng không sử dụng tivi vì cho rằng xem tivi mất thời gian. Khi bị bệnh, cả hai tự chữa bằng thảo dược trong vườn.
Thời điểm khó khăn nhất với gia đình họ là cuối năm 2022, khi tiểu bang Tennessee gặp phải trận khô hạn lịch sử.
Dù sử dụng tiết kiệm nguồn nước mưa và nước suối nhưng cuối cùng gia đình bà cạn sạch nước, nhiều ngày họ không tắm, không giặt. May mắn khi đó, vài người dân ở gần nhà thờ đã giúp đỡ họ, mời họ tới ăn cơm và đem đồ qua giặt giũ.
Trải qua những ngày tháng khổ sở vì thiếu nước, vợ chồng bà Nhi rút kinh nghiệm đã tự đào thêm những chiếc ao, đồng thời kè bờ trữ nước, vừa có nước tưới cây, vừa có nước sinh hoạt.
Vượt qua những ngày đầu gian khổ, hiện giờ vợ chồng bà Nhi sống rất hạnh phúc trong nông trại của mình, với sự lựa chọn lối sống tối giản của người Amish.