Gần 3,000 người sắc tộc Chăm đang sinh sống trong con hẻm 157, đường Dương Bá Trạc (quận 8, Sài Gòn), nơi đàn ông và đàn bà đều nói không với bia, rượu, thuốc lá và đánh lộn.
Theo Dân Trí ngày 4 Tháng Tám 2023, cộng đồng sắc tộc Chăm này có quê gốc An Giang lên Sài Gòn lập nghiệp từ thập niên 50 của thế kỷ trước, trong số đó có vài người từ Malaysia.
Hơn 50 năm trước, khu vực này nức tiếng với nghề dệt. Nữ giới Chăm khéo léo đã làm ra những tấm vải mềm mại, rực rỡ sắc màu, được thương nhân từ Malaysia, Indonesia… ưa chuộng. Khi công nghệ may mặc phát triển, nghề dệt thủ công cũng dần lùi vào ký ức.
Dọc con hẻm, có khá nhiều quán ăn Halal – quán dành cho người theo đạo Hồi. Người Chăm trong hẻm tự mở để phục vụ nhu cầu ăn uống của cộng đồng. Trong các tiệm tạp hóa ở đây, hoàn toàn không bán bia hay rượu. Không có cảnh người lớn tụ tập nhậu nhẹt ở đây, vì thế không có ai say xỉn và đánh lộn.
Giấc trưa khoảng 12:30, những người đàn ông trong hẻm lại vào Thánh đường Jamiul Anwar để dự lễ. Họ mặc một loại áo dài trùm bên ngoài, đầu đội nón Kahpeh truyền thống của người Chăm, thời gian làm lễ kéo dài 15 phút. Người Chăm theo đạo Hồi hành lễ cầu nguyện 05 lần trong ngày, sử dụng lịch riêng, viết chữ từ phải sang trái. Trước khi hành lễ, họ phải rửa tay, chân, mặt để thanh tẩy, đó là lý do Thánh đường Hồi giáo luôn có khu vực riêng gắn nhiều vòi nước.
Khoảng 18:30, con hẻm rộn ràng tiếng trẻ em đến Thánh đường Jamiul Anwar. Các em được học bảng chữ cái, vần chữ Ả Rập, sắp xếp theo ngôn ngữ của người Chăm. Lớp học có khoảng 20 em, các em ngồi viết và xem sách trên những bàn nhựa thấp.
Anh Ali, giáo viên tại lớp học này, giải thích: “Lớp học sẽ dạy về văn hóa tôn giáo cho các em để các thế hệ nối tiếp có thể đọc được Thiên kinh Qur’an”.
Theo thầy Ali, trẻ em Chăm khoảng 5 tuổi là đã đến lớp, khoảng 15 tuổi có thể đọc viết trôi chảy. Cũng từ lớp học này, nhiều người đã du học Malaysia hoặc Indonesia để nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa.
Cũng trong không gian của Thánh đường này, người Chăm hẻm 157 cũng hay tụ họp để sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ theo truyền thống.
Ông Amine Mohammed, quê Châu Đốc (An Giang), đến hẻm 157 sinh sống từ 20 năm trước. Ông cho biết trong tháng chay Ramadan, tín đồ Hồi giáo sẽ nhịn ăn từ bình minh đến khi mặt trời lặn, đến mức “nước bọt cũng không được nuốt vào mà phải nhổ ra”. Thế nhưng, họ vẫn sinh hoạt, làm việc và dự lễ như thường.
Theo lịch riêng của người Hồi giáo, tháng chay Ramadan không có ngày cố định theo Dương lịch. Đến tháng chay, con hẻm yên lặng vì các tiệm ăn đều đóng cửa.
Ông Haji Kim Sô (72 tuổi) được bầu làm Hakim (thầy cả), tức người đứng đầu có sự am hiểu về giáo lý, giáo luật và phẩm chất tốt. Ông phụ trách quản trị cộng đồng người Chăm khu vực này, cho biết Sài Gòn có tổng cộng 16 giáo khu, riêng Thánh đường Jamiul Anwar đã được xây dựng từ năm 1966, trùng tu năm 2006.
Cộng đồng sắc tộc Chăm sống tại hẻm 157 hòa thuận, duy trì nếp sinh hoạt trọn vẹn theo văn hóa của sắc tộc mình hơn nửa thế kỷ nay.
YanVN ngày 31 Tháng Năm 2018 cũng trầm trồ về sự “ba không” của con hẻm 157 đường Dương Bá Trạc, quận 8. Ba không đó là “Không bia/rượu, không thuốc lá, không gây gổ đánh nhau”.
Anh Su, một thanh niên Chăm nhưng nói tiếng Việt rất rành và rõ, cho biết đồng bào Chăm ở đây đều theo Hồi giáo (Islam giáo) mà đạo này cấm uống rượu bia, cấm hút thuốc lá và cờ bạc. Theo anh Su: “Ngay từ nhỏ, trẻ em Chăm đã được gia đình dạy bảo nghiêm khắc là không được đụng đến rượu cho đến lúc chết. Ngay cả những thứ gây nghiện như thuốc lá, cờ bạc cũng bị cấm”.
YanVN mô tả cộng đồng dân cư ở đây lại rất thân thiện và dễ gần, đặc biệt là họ luôn sẵn sàng chia sẻ mọi điều với người Việt về cuộc sống của người Chăm. Trên group “Tôi là dân quận 8” cũng chia sẻ về cộng đồng sắc tộc Chăm ở con hẻm 157B Dương Bá Trạc, bao gồm hơn 300 gia đình. Người Chăm ở đây nói vừa tiếng Việt lẫn tiếng Chăm, nhưng phong tục, lối sống thì tuyệt đối tuân thủ theo quy tắc đạo Hồi.
Nữ giới Chăm chưa lấy chồng ra đường đều che mặt, ăn mặc kín đáo. Việc hôn nhân, nữ giới chủ động, nhưng họ luôn để cho cha mẹ sắp đặt, nam nữ không được phép qua lại, hoặc có quan hệ tình dục trước khi cưới.
Ngoài việc không ăn thịt heo, người Chăm chỉ ăn thịt các loại động vật khác (bò, gà, cừu) khi những con gia súc này được cầu nguyện trước lúc bị giết. Chính vì vậy, họ chỉ mua đồ ăn tại những tiệm do chính người Chăm mở, có ghi chữ “Halal” trên bảng hiệu.
Suốt đời mình, một người Chăm theo đạo Hồi phải làm lễ tẩy thệ 5 lần/ngày. Trước khi làm lễ, họ sẽ rửa tay, chân và đầu ba lần. Buổi lễ thường diễn ra tại các thánh đường lớn gọi là Masjid, hoặc các thánh đường nhỏ gọi là Surao. Ai không có điều kiện đến thánh đường thì sẽ hành lễ tại nhà, dù có đang ở nơi hoang vu, rừng núi thì người theo đạo Hồi cũng không bao giờ bỏ lễ.
Sài Gòn có tới 16 giáo khu đạo Hồi. Quận 8 chính là giáo khu có đông tín đồ theo đạo Hồi nhất. Tín đồ ở quận 8 sẽ cầu nguyện tại Thánh đường Jamiul Anwar ngay trong hẻm 157B Dương Bá Trạc.