Kết quả này không có gì ngạc nhiên, chỉ thương thanh niên sau khi bị công an giao thông vụt gậy vào mắt thì thị lực mắt trái chỉ còn 30%!
Tuổi Trẻ đưa tin trong buổi làm việc với Phòng cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM (PC08) chiều 12 Tháng Mười 2023, anh Đ.N.N. (22 tuổi, quê Tiền Giang) được tổ xác minh thông báo kết quả: nội dung anh N. tố cáo bị cán bộ Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức) có hành vi dùng gậy chỉ huy giao thông đập vào mắt, làm vỡ kính, gây tổn thương mắt là chưa đủ cơ sở kết luận!
Ngoài ra, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông TP.HCM cho biết đã kiểm tra camera trên người cán bộ công an lẫn camera xung quanh hiện trường nhưng “không thấy được gì” (?)
Nạn nhân, anh N. chia sẻ với Tuổi Trẻ: Buổi làm việc này là theo giấy mời của PC08, đề ngày 9 Tháng Mười 2023 nhưng được chuyển đến nơi ở của anh N. vào sáng 12 Tháng Mười 2023, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu làm việc.
Anh N. phàn nàn: “Họ thích thì mời, mà thời gian mời quá gấp thì làm sao sắp xếp công việc đi được, sáng mời chiều làm việc, không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của người tố cáo, dù tôi đã có đơn trình bày tình trạng sức khỏe nhiều lần”!
Quan trọng nhất, anh N. không đồng ý với kết quả xác minh của PC08: “Tôi không đồng ý việc không trích xuất được camera hay chưa mời được người làm chứng… Tôi cho rằng cơ quan chức năng đã không làm đúng quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo theo quy định của luật tố cáo. Sự việc xảy ra là rất rõ ràng rồi, không tự nhiên người dân nào chạy xe bị gậy công an đụng trúng để bị thương tích cả”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng sức khỏe hiện tại, anh N. cho hay thị lực mắt trái vẫn chưa cải thiện, vẫn đang tập đếm ngón tay cách mắt từ 0.5 – 2m.
Anh buồn bã nói: “Bác sĩ nói mắt trái tôi tốt lắm thì chỉ có thể hồi phục khoảng 50%, hiện cũng chưa xác định là sẽ có biến chứng sau này hay không. Việc thế này ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của tôi, đến công việc, sức khỏe và tương lai của tôi”.
Rõ ràng những điều anh N. nói đều đúng cả, nhưng đúng với xã hội văn minh, có dân chủ và tôn trọng nhân quyền, chứ với xã hội cộng sản thì vô nghĩa!
Theo đơn khiếu nại gửi đến Công an TP.HCM, anh N. cho biết khoảng 11:55 ngày 13 Tháng Tám 2023, khi đang trên đường giao thức ăn cho thú cưng trên xa lộ Hà Nội (hướng đi cầu Rạch Chiếc), đến đoạn cách ngã tư Bình Thái khoảng 100m thì gặp một tổ cảnh sát giao thông gồm 5 – 6 cán bộ mặc sắc phục.
Anh N. viết: “Ban đầu tôi chạy làn xe máy với vận tốc khoảng 55km/h, tôi bị vẫy vào, chưa dừng lại thì có anh cảnh sát giao thông chạy ra dùng cây gậy điều khiển giao thông đánh thẳng vào mắt kính bên trái tôi đang đeo.
Mắt kính bị vỡ, tôi cảm giác lực đánh rất mạnh. Ngay khi nhìn thấy anh cảnh sát giao thông chạy ra, tôi đã giảm vận tốc. Tôi chạy qua khoảng tầm 50 – 100m thì phải tấp xe vào lề, vì máu từ trong mắt chảy ra”.
Sau đó, anh N. rẽ vào đường song hành, quay lại chốt và đề nghị tổ cảnh sát giao thông đưa mình đi bệnh viện. Anh N. kể: “Tôi hỏi lúc nãy anh nào vừa đánh em, chở em đi bệnh viện, giờ mắt em chảy máu không chạy xe được, thì các anh đều trả lời không biết.
Lúc đó có khoảng 6 – 7 anh cảnh sát và có xe công vụ nhưng không ai hỗ trợ đưa tôi đi. Các anh nói tôi đậu xe qua một bên và tự kêu xe ôm đến bệnh viện.
Tôi được đưa đến hai bệnh viện nhưng họ đều cho rằng tình trạng mắt tôi quá nặng, mảnh vỡ mắt kính găm vào mắt, phải điều trị chuyên khoa. Đến 17 giờ tôi được các bác sĩ bệnh viện Mắt TP.HCM mổ cấp cứu”.
Giáo Dục Thủ Đô ngày 21 Tháng Tám 2023 cho biết thêm: Theo anh N., ngày 18 Tháng Tám, anh được xuất viện và hiện tại mắt trái chỉ còn thị lực khoảng 30%. Anh N. mong muốn các cơ quan chức năng chỉ rõ lỗi vi phạm luật giao thông của mình và làm rõ hành vi của cán bộ công an đã vụt gậy vào mắt, làm anh bị thương.
Sau đó, cũng Tuổi Trẻ, trong bài viết ngày 23 Tháng Tám 2023 đã đặt câu hỏi: “Vì sao cảnh sát giao thông không đưa thanh niên tố bị gậy ‘va’ vào mắt đi cấp cứu?”, thì lãnh đạo PC08 trả lời dùm: “Anh em đang làm nhiệm vụ và đã đón xe ôm chở thanh niên đi cấp cứu”.
Tuổi Trẻ không nêu tên vị lãnh đạo này (có lẽ do yêu cầu không được nêu), cho biết: Theo báo cáo của Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, ngày 13 Tháng Tám, tổ công tác của đội đang xử lý tốc độ trên xa lộ Hà Nội (phường Bình Thọ, TP.Thủ Đức) thì nhìn thấy xe máy biển số tỉnh Tiền Giang có tốc độ 66km/h (đoạn đường cho phép 60km/h), sau đó xác định anh Đ.N.N. (22 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) cầm lái.
Một cảnh sát giao thông trong tổ ra hiệu lệnh dừng xe anh N.. Lúc này, anh không dừng lại mà tiếp tục đi. Một cảnh sát giao thông khác đang cầm gậy (đứng sau vài mét) thấy vậy nên tránh né (?) Sau đó thanh niên này lái xe đi.
Thanh niên này đi khoảng 20 phút thì quay lại nói bị thương ở mắt…”.
Thế nạn nhân nói gì?
Bài báo tường thuật: Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh N. cho biết: “Tôi xin xác nhận, tôi thấy hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông thứ nhất cách chốt 15m. Trước tôi có 2-3 xe đang chạy cùng tốc độ như xe tôi. Tôi đã lách sang phải để không gây nguy hiểm cho cảnh sát giao thông thứ nhất.
Cùng lúc đó có cảnh sát giao thông thứ hai đi ra rất nhanh từ đằng sau xe công vụ đang đậu sát lề đường. Khi đó tôi chỉ cách chốt 5-7m. Vận tốc xe tôi lúc đó khoảng 40km/h. Tôi cảm nhận lực từ cây gậy điều khiển giao thông tác động vào mắt tôi là một lực đánh rất mạnh. Kính cận của tôi rất dày, cú va chạm này khiến mắt kính của tôi vỡ ngay lập tức và đâm sâu vào mắt trái của tôi.
Sau đó tôi vẫn đi tiếp, khoảng 50m tôi cảm nhận trên mắt trái bắt đầu mất thị lực và chảy máu. Tôi giảm tốc độ và tìm cách tấp vào lề. Có một anh đi phía sau tôi đã chứng kiến toàn bộ sự việc, anh chạy lên nói với tôi “mắt chảy máu kìa” và anh ấy đi tiếp”.
Theo anh N., thời gian xảy ra tai nạn chính xác 11:57 – 11:58 ngày 13 Tháng Tám, sau đó anh tìm đường để quay lại đội cảnh sát giao thông theo hướng đường Nguyễn Văn Bá và yêu cầu được đưa đến bệnh viện vào khoảng 12:06, chưa đến 20 phút!
Cũng theo anh N., chiều 15 Tháng Tám, có một người mặc thường phục (xưng là cảnh sát giao thông Đội Rạch Chiếc) đến bệnh viện mắt nơi anh N. đang điều trị. Trong quá trình trao đổi, người này nói đã xem camera an ninh và “xác nhận có một cảnh sát giao thông cầm gậy “va” vào anh N.”.
Chỉ “va” thôi, chứ không phải vụt hay đập; chỉ “tác động vật lý” chứ không phải đánh, là cách nói tránh của báo mạng trong nước về tình trạng bạo lực đáng lên án của cán bộ công an đối với dân!
Search tìm trên mạng thì sẽ thấy hành động bạo lực của công an giao thông đối với người dân vi phạm luật là phổ biến, không từ cả học sinh!
Ôi sự thật từ người dân làm sao đọ nổi với cường quyền của “ông vua không ngai” – công an nhân dân?
Những bình luận dưới bài viết của độc giả Tuổi Trẻ đủ để chúng ta tự hiểu: “Muốn trích xuất camera thì phải bên thứ ba và có luật sư của bên tố cáo theo sát thì mới khách quan chứ?” (nguyễn chí bằng); “Camera không thấy thì không thể kết luận là không đánh. Mà vội nói là không có cơ sở” (cong****@gmail.com);
“Không ai tự nhiên làm mình bị thương, mà lại là bị thương vào mắt – một bộ phận rất rất quan trọng của con người” (Kinggg); “Tôi không thể hiểu cụm từ này, camera có hoạt động không, có ghi lại được hình ảnh tại thời điểm xảy ra vụ việc không? Và việc trang bị camera có ý nghĩa gì?” (Apham);
“Cách đây không lâu tôi có xem một cảnh sát Mỹ có body camera, nó được kích hoạt khi các công cụ hay vũ khí cảnh sát được rút ra, và điều hay nhất là nó sẽ tự động kích hoạt các body camera của các cảnh sát ngay gần đó” (DucNguyen);
“Camera không thấy gì thì đeo camera trên người làm gì?” ([email protected]); “Camera này chỉ nhìn thấy lúc cần nhìn thôi” (But)!!!