Mới đây, Bộ Công an CSVN trong một “sáng kiến mới”, đề xuất sửa số Căn cước công dân (CCCD – vốn mới vừa được cấp xong) thành mã số định danh cá nhân, quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú…
Trong dự thảo luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đưa ra nhiều điểm mới liên quan đến đối tượng được cấp, quy trình, giá trị của thẻ CCCD gắn chip, cơ quan này nói muốn sửa đổi một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ CCCD. Điều này có nghĩa là sẽ có một đợt bắt buộc làm Căn cước công dân mới nữa, với gần trăm triệu dân, vét túi dân chúng cả nước cho một đợt nữa.
Sao không làm từ đầu?
Theo đề xuất của Bộ Công an, mẫu thẻ Căn cước công dân mới sẽ thay đổi một số nội dung in trên thẻ. Cụ thể như sau:
– Số Căn cước công dân sẽ được đổi tên thành mã số định danh cá nhân (có nghĩa là vẫn giữ dãy số 12 chữ số như hiện hành, nhưng đổi tên trên căn cước là “mã số định danh”).
– Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh.
– Nơi thường trú đổi thành nơi cư trú.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải).
– Đổi chữ ký của người cấp thẻ là Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an như hiện hành thành “Nơi cấp: Bộ Công an”.
Hầu như người dân Việt Nam nào cũng ngán ngẩm khi nghe những quy định rất “mới” này của ngành công an, vì lẽ ra phải được áp dụng ngay từ đầu. Chuyện buộc đi làm căn cước ở Việt Nam là điều ai nấy phải chịu áp lực của công an địa phương thúc ép, đến tận nhà gọi tên. Xếp hàng chen nhau đi làm – đặc biệt trong năm đại dịch Covid-19, mọi người vẫn phải chen nhau làm cho đúng yêu cầu của Bộ Công an.
Điều ẩn trong đề xuất “mới” của công an, đó là người Sài Gòn, hay các tỉnh của miền Nam sinh trước năm 1975 có thể sẽ không còn ghi danh tính “Sài Gòn” của mình, mà chỉ còn ngắn gọn là địa chỉ hành chính cấp, theo yêu cầu của công an, nguồn tin từ một viên chức Cục quản lý hành chính giấu tên tiết lộ.
Đây cũng là một trong những điều khiến nhà cầm quyền CSVN khó chịu ngấm ngầm, khi rất nhiều người sinh trước 1975 vẫn ghi nơi sinh là Sài Gòn, nhất định không cho nhân viên hành chính sửa là TP.HCM. Với số lượng dân cư mới sinh sau 1975, Hà Nội đang dự tính âm thầm xóa sổ hai chữ “Sài Gòn” trên căn tính và gốc gác của người miền Nam, trong việc bỏ ghi nguồn quê quán.
Cấp căn cước công dân cho cả trẻ em dưới 6 tuổi?
Nghe như đùa, nhưng Bộ Công an cũng đề xuất trẻ dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì cấp luôn căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, việc này vấp phải nhiều sự chất vấn của dân chúng nên đại diện Bộ Công an nói sẽ thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.
Đề xuất này cũng buộc các bậc cha mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Lý do vì nhân dạng của trẻ 6 tuổi giống nhau, thay đổi theo thời gian.
Theo đề xuất làm mới lần thứ ba, công an sẽ thu tiền trung bình là 50,000 đồng/người. Theo số liệu của công an thì nếu chưa áp dụng cho trẻ dưới 14 và 6 tuổi, sẽ có khoảng 65 triệu người cần phải làm căn cước mới. Con số tạm phác thảo cho thấy tiền thu vào là con số cao ngất: Hơn 3 ngàn tỷ đồng. Thiên hạ kháo nhau rằng tiền nhiều vậy, nên mỗi năm ắt sẽ lại có làm mới hay thay bổ sung căn cước một lần, đủ nuôi các quan ngành công an, không cần vào ngân sách.