Công nhân lãnh tiền thất nghiệp, cũng bị đánh thuế 10%

Chuyện ít ai tưởng tượng ra nổi, vậy mà cũng có được trong xã hội Việt Nam lúc này. Trên Facebook và các diễn đàn nội bộ của công nhân công ty PouYuen Việt Nam đang rộ lên những lời bất bình và tố cáo chuyện họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 10% khi lãnh trợ cấp thôi việc.

Do khó khăn không tìm được đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở quận Bình Tân, Sài Gòn, mới đây đành chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng hơn 2,300 người. Thấy tình cảnh công nhân quá khó khăn nên công ty này yểm trợ 0.8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng. Ai nấy đều vui mừng khi nghe tin. Ấy vậy đến lúc nhận tiền, Cục thuế TP.HCM xuất hiện, tuyên bố theo luật thì công nhân phải bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trên tổng tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế giải thích việc thu thuế theo quy định trên, là do người lao động nghỉ việc, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Như vậy, với mức chi trả cho người lao động cứ mỗi năm là 0.8 tháng tiền lương. Nhưng nếu tiền bồi thường, dù có được cho nhiều hơn từ quyết định riêng của công ty cho nghỉ việc, nếu cao hơn mức quy định đó, công nhân sẽ bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

Cách giải thích trơ trẽn này của ông Dũng, dù viện đủ điều luật, hoàn toàn không diễn tả hết nổi khốn khổ của người lao động mất việc làm, nay trông mong số tiền bồi thường đó để về quê làm lại cuộc đời mới. Xoa dịu dư luận, ông Dũng nói “Nếu số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, công nhân sẽ được hoàn trả sau này”. Nhưng người Việt Nam ai cũng biết, chuyện hoàn thuế, chưa bao giờ có thật.

Báo Dân Trí dẫn tâm sự của Anh Tuấn, là một trong số hơn 2,300 công nhân công ty TNHH PouYuen Việt Nam bị chấm dứt hợp đồng trong Tháng Ba sắp tới. Theo thông báo của công ty, tổng số tiền trợ cấp thôi việc cho 23 năm thâm niên của anh Tuấn là hơn 226 triệu đồng. Tuy nhiên, Tuấn bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của khoản tiền trợ cấp cao hơn so với quy định, tính ra hơn 17 triệu đồng, nên khoản thực nhận chỉ còn hơn 209 triệu đồng.

Tương tự, chị H. có thâm niên 18 năm làm việc tại công ty PouYuen Việt Nam. Tổng số tiền trợ cấp thôi việc của chị H. là hơn 161 triệu đồng. Sau khi bị trừ 10% thuế TNCN của khoản tiền trợ cấp cao hơn so với quy định, số tiền trợ cấp thôi việc thực tế của chị H. là gần 148 triệu đồng.

Nhiều công nhân vui mừng vì có tiền hỗ trợ trang trải cuộc sống trong thời gian họ tìm công việc mới. Tuy nhiên, nhiều người cũng chạnh lòng vì đây là khoản tiền hỗ trợ mất việc mà cũng bị tính thuế đến 10%. Đời công nhân Việt Nam được coi là thuộc hàng nghèo khó nhất Việt Nam, làm chỉ đủ ăn, không có dư. Nay số tiền được coi là cơm áo và vốn liếng làm ăn cuối đời của họ, cũng bị tước đi do “luật”.

Trước đó, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã có văn bản gửi cơ quan chức năng về việc thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 2,358 công nhân do gặp khó khăn về đơn hàng. Công ty này nói rõ rằng để ghi nhận sự cống hiến của người lao động, công ty chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty (bao gồm cả những năm người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp), cứ mỗi năm là 0.8 tháng tiền lương. Nhiều người bình luận, hóa ra, chủ người nước ngoài còn biết thương dân Việt hơn cả nhà cầm quyền, vốn vẫn cao giọng nói mình là chính quyền của giai cấp công-nông.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu, việc đánh thuế thu nhập cá nhân trên các khoản hỗ trợ gây phản ứng dư luận.

Năm 2020, trong đợt cắt giảm lao động của PouYuen Việt Nam vì dịch covid, tiền trợ cấp mất việc cao hơn so với quy định cũng bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% như trên. Năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% này.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, một luật sư ở Sài Gòn cho rằng, khoản tiền công nhân được nhận từ Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là khoản tiền hỗ trợ của doanh nghiệp giúp công nhân đi tìm việc làm mới, trang trải lúc khó khăn, chứ không phải là khoản tiền thưởng hay thu nhập tăng thêm nào khác. Vì vậy, có thể xem xét đây là trường hợp đặc biệt, để không thu thuế, từ đó hỗ trợ công nhân, vì đánh thuế cũng phải bảo đảm tính nhân văn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: