Đây là một tổ chức tội phạm lớn, tổ chức quy mô, núp bóng công ty tư vấn luật đi đòi nợ thuê cho các ngân hàng và công ty tài chính qua nhiều hình thức khủng bố, đe dọa, kể cả cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân.
Trong cuộc họp báo ngày 18 Tháng Tư, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết trong chuyên án cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại số 07, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM), cơ quan điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 60 bị can và phong tỏa nhiều tài sản các đối tượng có liên quan.
Dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ án này vì theo ông Lộc, đã có gần 3 triệu bị hại, với tổng số tiền liên quan lên đến 1,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này, nhiều người thắc mắc tại sao đơn vị phá án chính không phải là Công an TP.HCM (vì nhóm tội phạm đặt trụ sở chính tại Sài Gòn) mà lại là Công an tỉnh Tiền Giang (?)
Điều này làm dấy lên nghi vấn có thể Bộ Công an không giao cho Công an TP.HCM phá án vì sợ lộ kế hoạch, nên chỉ cho phối hợp vào phút chót.
Trở lại chi tiết vụ án. Đại tá Lộc cho biết vào ngày 14 Tháng Hai, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP.HCM tiến hành khám phá chuyên án, triệu tập 133 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Cơ quan điều tra khám xét trụ sở chính và hai chi nhánh của Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trong đó trụ sở chính đặt tại số 07, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) thu giữ các tài liệu, chứng cứ.
Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng khai Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với sáu ngân hàng và công ty tài chính.
Hiện chưa rõ đó là các ngân hàng và công ty tài chính nào, và họ có bị xem là đồng phạm với tổ chức tội phạm này không.
Ông Lộc cũng chưa cho biết giám đốc công ty Luật TNHH Pháp Việt là ai, chỉ đề cập đến hai phó giám đốc là Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi). Hai nghi phạm này đã thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên thực hiện hoạt động phạm tội rộng khắp cả nước.
Sau khi nhận thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do các ngân hàng và công ty tài chính chuyển đến, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng sẽ phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho các thành viên trong nhóm tổ chức đòi nợ thuê bằng các thủ đoạn: Gọi điện thoại chửi bới, đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đặt bình gas, bình xăng dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân…
Kết quả điều tra xác định Công ty Luật TNHH Pháp Việt được hưởng lợi từ 24% đến 35% trên số tiền đòi được.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, vụ án này có 415 đối tượng, trong đó 400 đối tượng có liên quan trực tiếp tham gia hành vi đòi nợ bằng các thủ đoạn khác nhau buộc người thiếu nợ phải trả tiền đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Đến nay, cơ quan điều tra xác định các đối tượng có liên quan đã đòi nợ thuê đến thời điểm điều tra là hơn 1,000 tỉ đồng. Hiện cơ quan điều tra đã cấm xuất cảnh đối với 415 đối tượng có liên quan này.
Cơ quan điều tra yêu cầu các ngân hàng, công ty tài chính giao nộp toàn bộ số tiền mà công ty Luật TNHH Pháp Việt đã đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản từ người vay về cơ quan điều tra để xử lý theo đúng quy định pháp luật và xem đây là tang vật vụ án.
Ông Lộc cho biết thêm, đây là vụ án có số bị hại rất lớn nên công tác điều tra cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bị hại không hợp tác với cơ quan điều tra, do tâm lý ngại ngùng.