Đà Nẵng: Hệ thống xe bus tê liệt vì tài xế đình công

Hệ thống xe bus công cộng ở Đà Nẵng “đứng bánh” vì lái xe, nhân viên bán vé đình công – Ảnh: Tuổi Trẻ

Do bị nợ lương kéo dài nhiều tháng, sáng ngày 8 Tháng Sáu, hơn 100 tài xế xe bus và nhân viên Công ty CP Quảng An 1 (đơn vị khai thác xe bus công cộng) đã đình công, dẫn đến hệ thống xe bus của thành phố Đà Nẵng bị tê liệt.

Tài xế Nguyễn Văn Dũng cho phóng viên báo Tuổi Trẻ biết, từ Tháng Hai đến nay, 103 người lao động của công ty đều chưa nhận được lương khiến đời sống anh em lao đao, nhất là những người là lao động chính trong gia đình. Ông nói:

“Chúng tôi lao động đầy đủ và nghiêm túc để góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên phía Công ty CP Quảng An 1 lại không quan tâm thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động, nợ lương kéo dài, không đóng tiền bảo hiểm xã hội, không mua bảo hiểm y tế. Bọn tôi đi khám bệnh phải bỏ tiền túi”.

103 trong tổng số khoảng 120 người lao động tại Công ty CP Quảng An 1 đình công sáng 8-6 vì bị nợ lương 4 tháng liền – Ảnh: Tuổi Trẻ

“Tức nước, vỡ bờ” đó là lý do khiến các tài xế chọn cách đình công để bảo vệ quyền lợi của họ, và đây không phải là cuộc đình công đầu tiên. Nhiều năm qua, việc công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhân viên, và họ buộc phải đình công để phản đối.

Lý do chính của việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của công ty CP Quảng An 1 bắt nguồn từ tình trạng ế ẩm của hệ thống xe bus công cộng, và sự trợ giá của nhà nước vào hệ thống này.

Theo thống kê, từ năm 2017, những tuyến xe bus Đà Nẵng trợ giá đầu tiên ra đời. Lúc đầu, thành phố tổ chức được 12 tuyến xe. Mấy ông lãnh đạo thành phố phấn khởi lắm, xem đó là một “điểm son chói lói” trong nhiệm kỳ của họ.

Người lao động gởi đơn kêu cứu, đề nghị can thiệp giải quyết lương và chế độ bảo hiểm – Ảnh: Tuổi Trẻ

Thế nhưng, các ông ấy không ngờ là người dân thành phố không mặn mà với hệ thống xe bus công cộng như “rùa bò” này. Thực tế cho thấy ngay cả giờ cao điểm, một số tuyến đường rất thuận tiện khi đi ngang qua nhiều khu dân cư đông đúc vẫn không có khách.

Tài xế Phan Lưu cho biết trung bình mỗi lượt chạy chỉ phục vụ 5-7 hành khách. Trong đó tuyến chủ yếu đông vào sáng sớm. Ông nói:

“Khách xe tui là nhóm người cao tuổi đi tắm biển. Thỉnh thoảng có mấy anh Tây từ khu bên biển đi sang các chợ trung tâm mua hàng, thế thôi!”

Ông Lưu còn may mắn chở được 57 khách, có chuyến xe chỉ chở được ba khách suốt tuyến đường, thậm chí có xe “đi không rồi lại trở về không”.

Thực trạng ế ẩm kéo dài như thế thì dù có được nhà nước trợ giá thế nào, công ty vẫn lỗ. Thế nên hiện này, từ 12 tuyến xe, giờ chỉ còn 7 tuyến, trong đó có 5 tuyến được trợ giá, nhưng công ty vẫn không bù đắp nổi.

Vận hành được 6 năm, xe được trợ giá nhưng nhiều chuyến xe bus Đà Nẵng vẫn trong tình trạng “chạy gió” – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh xe bus càng tồi tệ hơn. Các công ty vận tải công cộng hiện đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp kéo khách “quay trở lại” với vận tải hành khách công cộng.

Theo kế hoạch này, ngoài việc tổ chức quy hoạch lại bến bãi, thay đổi lộ trình cho phù hợp thì sẽ triển khai 61 trạm cho thuê xe đạp vào tháng 3-4 ở gần các trạm xe buýt, tạo điều kiện cho người dân dễ đi lại.

Lãnh đạo thành phố và các công ty vận tải công cộng có vẻ như tin kế hoạch này sẽ thành công nên sẵn sàng “đổ tiền vào”. Còn cánh tài xế vẫn lắc đầu ngao ngán:

“Họ bày ra kế hoạch để có chỗ chi tiêu thôi. Chúng tôi chỉ cần họ trả lương và bảo hiểm xã hội đầy đủ là được, còn không thì lại… tiếp tục đình công”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: