Đắk Nông: Đập thủy lợi gần 138 tỷ đồng, chưa nghiệm thu đã có nguy cơ… vỡ

Hồ chứa nước Đắk N’Ting có sức chứa 1,2 triệu m3 nước. Hiện nay, hồ đang bị nứt thân đập, nhiều vị trí trên cầu qua tràn bằng bê tông bị xô lệch, nứt gãy – Ảnh: Tiền Phong

Mưa lũ, sạt lở đất khiến đập thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông), có sức chứa hơn 1.2 triệu m3 nước có nguy cơ vỡ.

Báo chí viết như thế, giống như được Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông “mớm lời” cho biết là “tại ông Trời chứ không phải tại tôi”.

Tối ngày 6 Tháng Tám, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cho biết “tình hình rất khẩn trương”, hiện lực lượng chức năng đã phong tỏa lối ra vào đập thủy lợi Đắk N’Ting. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đắk Glong đã chuẩn bị các phương án để ứng phó nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Các vết nứt đường trên bờ đập thủy lợi Đắk N’ting nứt toác, xô lệch – Ảnh: Tiền Phong

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, vết nứt ở khu vực đồi gần chân đập đã kéo dài khoảng 500 mét, sâu khoảng 150 mét. Các vết nứt chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết, phần đồi bên phải đập hiện nay đang bị sụt lún nghiêm trọng với diện tích khoảng 10 hecta. Phần đất bị sạt trượt là đất hoa màu của người dân. Ngoài ra, tại khu vực rẫy của người dân xuất hiện nhiều vết nứt, có lượng nước lớn chảy từ trong lòng đất đi ra hướng hồ thủy lợi.

Theo ông Tuấn, các đơn vị chuyên môn tính toán, nếu đập vỡ mực nước ở khu vực hạ lưu sẽ dâng lên khoảng 2 mét. Do đó, chính quyền đã di dời 34 gia đình ở vùng nguy hiểm và đang chuẩn bị di dời thêm 140 gia đình ở bon Đắk N’Ting đến khu vực an toàn.

Hiện phần thân đập Đắk N’Ting xuất hiện nhiều vết nứt lớn, có vết nứt rộng từ 10-20cm. Đoạn đường trên thân đập bị nứt gãy, đội toàn bộ phần bê tông lên trên. Nếu đập không vỡ thì chắc cũng bị hư hại nặng.

Phần thân đập bị xô, đứt gãy từng mảng bê tông – Ảnh: Tiền Phong

Trước đó, vào đêm ngày 1 Tháng Tám, khi đang ngủ trong nhà, một số gia đình sống gần hồ chứa nước Đắk N’Ting bất ngờ nghe thấy tiếng nổ và tiếng đất nứt. Đến sáng 2 Tháng Tám, người dân phát hiện nhà cửa và vườn cây đã xuất hiện một số vết sạt, cây cối đổ ra phía hồ nước.

Nói về nguy cơ vỡ đập, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khi các vết nứt kèm theo tiếng nổ thì nguy cơ vỡ đập là rất cao. Nguyên nhân của tiếng nổ là khi đất đá bị nén quá chặt, áp lực kẽ rỗng lớn khiến khí bung ra, gây ra những tiếng nổ bụp bụp. “Nếu vết nứt không dừng lại và kèm theo cả tiếng nổ thì tôi cho là nguy rồi, khả năng vỡ đập sẽ rất lớn”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận định.

Về lý thuyết, khi nước về quá nhiều thì phải mở cửa xả. Nhưng GS.TS Vũ Trọng Hồng cảnh báo, việc xả nước phải được thực hiện đúng quy trình, không được mở cấp tập. Về nguyên tắc, mực nước hồ giảm 1m/ngày là an toàn. Nếu mở quá nhiều cửa xả, mực nước hạ đến 2-3m/ngày thì nguy cơ vỡ đập cũng rất lớn.

Bờ ta luy hạ du hồ chứa nước Đắk N’Ting bị nứt toác – Ảnh: Tiền Phong

Nếu đúng như lời ông Hồng cảnh báo, thì Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông hiện đang hành động ngược lại. Trả lời báo chí, Giám đốc Ban quản lý dự án Nguyễn Văn Nghĩa cho biết “hiện các cửa xả đã được mở hết để tháo nước trong đập, nhằm hạn chế hậu quả xấu nhất khi đập bị vỡ”!?

Hành động của ông Nghĩa chẳng khác gì châm ngòi cho trái bom nổ chậm, Hồ thủy lợi Đắk N’Ting không còn nguy cơ vỡ nữa, mà có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Dự án Hồ chứa nước Đắk N’Ting được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2018, với tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng (thực tế gần 138 tỷ đồng), do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Tổng diện tích sử dụng đất hơn 80 hecta với sức chứa hơn 1.2 triệu m3 nước. Công trình sẽ cấp nước cho 680 hecta cây trồng, trong đó có 100 hecta lúa nước thuộc xã Quảng Sơn…

Vết nứt to, kéo dài qua khu vực rẫy của người dân trên khu vực quả đồi – Ảnh: Tiền Phong

Không thấy đề cập đến đơn vị thi công, có lẽ công trình này do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông vừa làm chủ đầu tư, vừa tổ chức thi công luôn.

Với tình hình thực tế hiện nay, điều này hóa ra lại tiện, vì chỉ cần quy trách nhiệm (nếu) đập bị vỡ về một mối.

Được biết, mặc dù đập chưa vỡ, nhưng Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đang lên kế hoạch giải trình nguyên nhân vỡ. Hướng giải trình sẽ quy trách nhiệm cho thiên tai, còn trách nhiệm ra sao thì còn chờ hậu quả xảy ra như thế nào mới dựa vào đó mà giải trình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: