Mới đây tin tức cho biết cầu Long Biên đang hư hại nghiêm trọng, trên mặt cầu đã mục nát và thủng những lỗ lớn. Thế nhưng Hà Nội vẫn chần chừ không muốn bỏ tiền xây lại hoặc đại tu bổ.
Vào ngày 28 Tháng Năm, cầu này bị lủng một lỗ lớn khoảng 1.2 m, người đi qua cầu đều hoảng kinh và gọi báo chính quyền địa phương. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên) sau đó xác nhận “có sự sụt lún tấm đan mặt cầu thuộc nhịp cầu số 6”. Thế nhưng cách sửa chữa thật khó tin, công ty này chỉ mang một tấm bê tông đến để che phần bị thủng.
Hà Nội luôn ca ngợi cây cầu này, và coi nó là một biểu tượng lịch sử liên quan đến mối quan hệ ngoại giao Pháp Việt. Cầu Long Biên được khởi công năm 1899, đến nay nó đã hơn 100 năm tuổi, mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng cây cầu vẫn đang xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian.
Theo giới thiệu của chính quyền Hà Nội, thì chiếc cầu bắt đầu được xây dựng từ 1898 tới 1902 bởi công ty Daydé & Pillé, và được sử dụng vào năm 1903. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: 1899 – 1902 – Daydé & Pillé – Paris.
Ban đầu, cầu có tên là Paul Doumer, sau đó được đổi thành Long Biên. Cầu dài 2,290 m qua sông và 896 m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Trong khoảng 1965-1968, máy bay Mỹ oanh tạc 10 lần, làm hư 7 nhịp và 4 trụ lớn. Năm 1972, cầu bị oanh tạc 4 lần, phá hư 1,500 m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt.
Người Pháp xây dựng cây cầu này cho một thành phố Hà Nội với hơn 100 nghìn dân, và nó đã đắc dụng vô cùng cho nhu cầu giao thương ở Hà Nội tới hơn 80 năm. Mãi tới năm 1985, khi Trung Quốc và Liên Xô giúp xây thêm cầu, Việt Nam mới có thêm cầu Thăng Long (1985) và tự lực làm được cầu Chương Dương (1985). Hiện nay dân số Hà Nội lúc này là hơn 1 triệu.
Theo nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách Bên Thắng Cuộc, thì Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư Võ Hồng Phúc tiết lộ rằng “Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhiều lần đề nghị Chính phủ Pháp hỗ trợ trùng tu cầu Long Biên. Chính phủ Pháp ghi nhận đề nghị này”. Ông Phúc nhấn mạnh, “Ghi nhận chứ không phải chấp nhận”. Và, theo ông, khi làm việc cụ thể với cấp thấp hơn của chính quyền CSVN, người Pháp nói thật, “Chi phí trùng tu rất lớn, hiệu quả sử dụng thấp, không thuộc diện ưu tiên của Pháp”.
Thế nhưng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi như cái gì của người Pháp làm ra thì họ phải có trách nhiệm sửa. Bên cạnh đó Hà Nội nhiều lần gửi công văn đến tòa Đại sứ Pháp để đặt vấn đề tính lịch sử của cây cầu này như là một câu chuyện hết sức quan trọng.
Cũng theo lời Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư Võ Hồng Phúc, thì giới cầm quyền Ba Đình coi “đây là công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa, gắn liền với sự phát triển của Hà Nội, thời Pháp”. Từ các năm 2004, 2005, khi xem xét các dự án đầu tư “chào mừng 1000 năm Thăng Long”, “Ta” vẫn coi đây là “Công trình này vào danh mục dự án dùng vốn tài trợ từ Pháp”.
Các đời thủ tướng CSVN kế nhiệm ông Khải cũng đều đặt lại vấn đề này với người Pháp. Và cứ như vậy, mà cầu Long Biên đã xuống cấp dần và trầm trọng mà Hà Nội vẫn không muốn bỏ tiền ra làm. Cứ cò cưa và nhân danh giá trị lịch sử, Hà Nội cứ nhìn chờ cái gật đầu từ người Pháp, phó mặc sự xuống cấp và hiểm nguy của người dân qua lại trên cây cầu này.
Có vẻ như trân quý giá trị đã có ở Hà Nội, nhưng ở Sài Gòn, chính sách tàn phá các kiến trúc và biểu tượng cũ vẫn diễn ra, bất chấp người dân phản đối. Một trong các sự kiện đó là việc hủy diệt Thương xá Tax, đã có trên 130 tuổi. Nhiều tháng liền, người dân Sài Gòn lẫn các cơ quan ngoại giao nước ngoài đã lên tiếng, xin hãy giữ lại lịch sử của thành phố. Thế nhưng chính quyền cộng sản vẫn quyết tâm đập bỏ.
Thương xá Tax vốn là một trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại TP HCM với diện tích 9,200 m2 nằm ngay trung tâm Quận 1, tiếp giáp ba đại lộ mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur. Công trình này có một lịch sử lâu đời và được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa. Ban đầu, nơi này mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông.
Tổng cộng có 19 cơ quan ngoại giao ở Việt Nam đã liên tục viết thư xin giữ lại Thương xá Tax, trong đó có những quốc gia hoàn toàn không dính líu gì đến lịch sử Việt Nam như Chile, Phần Lan, Bỉ cũng cùng đề nghị góp sức bảo tồn, nhưng chính quyền vẫn lắc đầu, và thay vào một nhà building 40 tầng để tiện kinh doanh.