Lời dẫn: Giới trẻ ngày nay nói chung, cách riêng là giới trẻ Công giáo ít nhiều luôn bị lây nhiễm những khuynh hướng xấu của xã hội. Họ chạy theo những giá trị vật chất tầm thường, sống buông thả, không có định hướng, không có kế hoạch cho tương lai, dễ sa ngã, hư hỏng… Nhưng trước khi “trách cứ” người trẻ, có lẽ nên nhìn lại trách nhiệm của người lớn tuổi. Trước khi xét đến “giá trị” của người trẻ, cần nghiêm túc nhìn về “vai trò” của thế hệ đi trước trong vấn đề “định hướng” và “đồng hành” với các bạn trẻ.
Trong “Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống” gửi Người trẻ và Cộng đoàn Dân Chúa, ở Chương hai “Đức Giêsu Kitô luôn trẻ trung”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rằng (38): “Ai trong chúng ta không còn trẻ nữa thì cần có những cơ hội gần gũi với tiếng nói và lòng nhiệt thành của người trẻ, chính “sự gần gũi ấy tạo điều kiện để Giáo hội trở thành nơi đối thoại và nơi làm chứng về tình huynh đệ”. [12] Chúng ta cần tạo thêm nhiều không gian hơn cho người trẻ lên tiếng: “Khi có lòng thấu cảm, lắng nghe có thể dẫn đến trao đổi ơn ban cho nhau… Đồng thời, lắng nghe tạo điều kiện để việc loan báo Tin Mừng có thể thực sự chạm đến con tim cách thiết thực và phong phú”. [13]
Teresa Phạm Thanh Nghiên xin trân trọng gửi đến quý độc giả những chia sẻ của cha Giuse Lê Quang Uy – Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) về đề tài đang được nhiều người quan tâm: “Định hướng và đồng hành cùng các bạn trẻ”. Cha Giuse Lê Quang Uy là một trong những vị linh mục DCCT gây thu hút nhất, nhận được nhiều sự yêu mến, tin cậy nhất của giới trẻ và người nghèo tại Sài Gòn bởi sự gần gũi, chân thành và sự dấn thân của ngài trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.
PHẦN 1: “CHÍNH “GIỚI TRẺ” VÀ “NGƯỜI NGHÈO” ĐÃ LOAN BÁO TIN MỪNG CHO CHÚNG TÔI”
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Câu hỏi đầu tiên thưa cha, xin cha chia sẻ đôi chút về thời tuổi trẻ của cha. Con nghĩ rằng nó rất thú vị và chắc hẳn nhiều người cũng tò mò muốn biết như con?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Vâng, trước đây khi chúng tôi còn trẻ, mới 20, 30 tuổi, chúng tôi gắn bó với nhóm Mai Khôi, được các cha Nguyễn Tiến Lộc, cha Vũ Khởi Phụng và cha Mai Văn Hùng linh hướng. Hiện tại các bạn đều đã lớn tuổi, trẻ nhất cũng hơn 40 mà già thì cũng gần 65 tuổi, có cháu nội cháu ngoại cả rồi, có một số bạn đã qua đời, có gần một chục bạn là Linh mục hoặc nữ tu. Họ vẫn còn hát lễ ở Nhà thờ Mai Khôi, đường Tú Xương, Quận 3, và có hẳn một nhóm Mai Khôi khá đông bên hải ngoại. Họ vừa mừng sinh nhật nhóm lần thứ 42.
Phải nói là chúng tôi mang ơn các cha và các bạn nhóm Mai Khôi, đã cho tôi một thời tuổi trẻ đầy ắp tinh thần Phục vụ và tình thân vui tươi, định hình phần lớn con người của chúng tôi để, tuy làm Linh mục nhưng chúng tôi vẫn có thể gần gũi bình dị với các bạn. Mỗi tuần bây giờ cứ đến tối thứ bảy là hai, ba chục bạn Mai Khôi chúng tôi lại “zoom” với nhau để cùng cầu nguyện rồi thăm hỏi nhau về tình hình lây nhiễm Covid…
Thế rồi sau này, ngay khi chịu chức Linh Mục cách âm thầm năm 1998 vừa xong, chúng tôi xin Bề Trên được ra phục vụ ngoài Giáo phận Bắc Ninh, có được kinh nghiệm sống rất quý với các bạn trẻ Ca đoàn, Giáo lý viên và hội Con Đức Mẹ là những người nông dân vùng quê Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Cha xứ Nguyễn Huy Tảo và cha phó Trần Bá Hạnh, đều là các Linh mục chịu chức âm thầm, phải đi tù hoặc bị quản thúc nhiều năm, có nếp sống giản dị, gần gũi với Giáo dân, Mục vụ lại rất sinh động, nhiều sáng kiến, và chúng tôi đã học được cung cách sống dễ thương ấy từ các cha. Từ Giáo xứ Bâm này, chúng tôi còn được “bắn tung” đi các Giáo xứ, các Giáo phận chung quanh để giúp huấn luyện, đào tạo các bạn trẻ ngay trong những năm Miền Bắc còn rất thiếu Linh Mục…
Thưa cha, con thường thấy cha cùng với các bạn trẻ mang tên Nhóm Fiat, đi chỗ này chỗ kia, làm rất nhiều việc cho người nghèo, người khuyết tật… Cha có thể chia sẻ cho chúng con biết về một số kỷ niệm của cha với các bạn trẻ được không ạ?
Năm 2001, chúng tôi về lại Sài Gòn, lo Trung tâm Mục vụ của DCCT. Và chúng tôi có cơ hội sống với giới trẻ qua các nhóm sinh viên như Hiệp Thông, Muối Đất, Đồng Hành, Hiệp Nhất, Hướng Dương; cùng nhóm y – bác sĩ giúp các bạn trẻ cai nghiện ma túy; rồi hình thành nhóm Bảo Vệ Sự Sống Sài Gòn, xây dựng Lăng Anh Hài để an táng các thai nhi, cùng với việc mở ra chuỗi 3, 4 Mái Ấm tiếp nhận và chăm sóc các bạn trẻ lỡ mang thai…
Trong suốt 10 năm, chúng tôi còn được may mắn hướng dẫn Giáo lý Dự tòng và Giáo lý Hôn nhân, mỗi khóa cả mấy trăm bạn trẻ từ nhiều Giáo xứ và nhiều tỉnh thành tụ về DCCT Sài Gòn, nhiều bạn đã phản hồi với những chia sẻ chân thật và sống động về hành trình Đức Tin của họ, ngay cả nhiều năm sau này, khi các bạn đã có 2, 3 con rất hạnh phúc, hoặc đáng tiếc là đã bị bạo hành, ly dị, đổ vỡ gia đình.
Và rồi, qua mạng xã hội lúc ấy đang phổ biến Yahoo 360 độ, chúng tôi cùng với 6 bạn trẻ ban đầu mở ra nhóm Fiat, tính tới nay cũng được 15 tuổi đời rồi. Với những nét đặc thù là các bạn trẻ tuổi sinh viên hoặc vừa mới ra trường, đến từ nhiều tỉnh thành và vùng quê Bắc – Trung – Nam, có khi chỉ gặp nhau thường xuyên trên mạng mà thôi.
Chúng tôi bắt đầu ứng dụng cung cách “Định hướng” và “Đồng hành” trong sinh hoạt và hoạt động của nhóm Fiat. Hàng tuần các bạn lại có một địa chỉ trong thành phố để đến thăm, tắm rửa, xúc cơm, đổ cháo cho các em bại não, đàn hát chơi đùa với các em khuyết tật; lại đi thăm các cụ Nhà Dưỡng Lão, xóm Thùng, bãi Rác… Thỉnh thoảng, có những chuyến đi xa trao tặng xe lăn cho người khuyết tật, cắt tóc, tắm rửa cho các bệnh nhân trại Tâm Thần, tổ chức hội chợ cho trại phong, cho các em Tây Nguyên, rồi ra miền Trung, xuống miền Tây cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt hoặc tai họa Formosa.
Vậy từ Nhóm Fiat và các nhóm cha đã tham gia, cha có thể mở rộng góc nhìn, khái quát hơn về Giới Trẻ Công Giáo nói chung hiện nay không thưa cha?
Phải thú nhận là chính “Giới Trẻ” và “Người Nghèo” đã loan báo Tin Mừng cho bản thân chúng tôi, họ đã rèn luyện nên con người Linh mục của chúng tôi để rồi bây giờ khi đã bắt đầu già yếu rồi, chúng tôi thấy mình mắc nợ Giới Trẻ và Người Nghèo nhiều lắm.
Chúng tôi thật sự thao thức vấn đề hoạt động của Giới Trẻ trong Hội Thánh. Giới Trẻ đông, mạnh, khỏe, giỏi, nhiều sáng kiến, nhiều năng động, nhưng nghĩ cho cùng, họ lại cũng là những người… nghèo nhất, vì họ vừa mới khởi nghiệp, cuộc lập nghiệp còn đang diễn ra; họ còn thiếu nhiều kinh nghiệm đời nên dễ bị thất bại, mau nản, lại thích liều và hay thay đổi; họ cũng yếu về bản lĩnh, rất dễ bị cám dỗ, chi phối, lôi kéo, lợi dụng… Nhưng nhìn chung, họ rất cần đến Giáo Hội và ngược lại, Giáo Hội cũng rất cần đến họ, không phải để vận dụng họ (nếu không nói là lợi dụng họ), mà là để Giáo Hội phục vụ họ “cho họ ăn” như lệnh truyền của Chúa Giêsu, như là một đàn chiên đang cần được chạnh thương, chăm sóc.
Chúng tôi nhận thấy, chắc không đến nỗi chủ quan, rằng: Mô hình hoạt động giới trẻ trong một Giáo xứ thường là hình một cái tháp, trên cùng là ông cha, rồi một ban điều hành gồm những người cũng chẳng còn trẻ gì, không chỉ tuổi tác mà cả suy nghĩ, hành động cũng… già theo khuôn phép lối mòn của cơ chế “Giáo sĩ trị”.
Dưới cùng của hình tháp là cả một khối đông các bạn trẻ đầy sức sống, nhiều tiềm năng, giàu sáng kiến, nhưng lắm khi chỉ được huy động để làm trật tự, làm hàng rào danh dự đón tiếp Đức Cha, để tập họp trong Đại hội hay các đại lễ cho đông, mặc áo thun và đội mũ, đeo khăn quàng có Logo rất đẹp, hát và làm cử điệu chung thật sôi nổi, vỗ tay cho mạnh, hô băng reo cho to, rồi… thôi. Khi kết thúc thì vui vẻ ai nấy chia tay ra về, chờ một dịp tập họp huy động khác.
Các nhóm bạn trẻ độc lập ( Hướng Đạo, Sinh Viên, Ve Chai, Bảo Vệ Sự Sống, Bạn Trẻ Đồng Hương, Người xa Quê, Cầu Nguyện Taizé, Bác Ái Xã Hội… ) thì nhiều lắm, phong phú, đa dạng, nhưng lại ít được cha xứ quan tâm như với Ca Đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể, Giáo Lý và các đội Múa minh họa, nhiều khi các nhóm bạn trẻ nằm ngoài cơ cấu của Giáo xứ này còn không được công nhận thuộc về Giáo xứ nữa. Có nơi vừa thay đổi cha xứ mới là lo mà dọn dẹp đi tìm chỗ khác để được phép có một khoảnh sân, hoặc một phòng nhỏ mà sinh hoạt.
Xem ra giới trẻ bị xếp vào loại phong trào, tổ chức theo chuyên đề, huy động cho đại hội, lên ào ào rồi cũng dễ xuống ào ào, rất uổng phí. Lâu dần cách làm này khiến cho bạn trẻ, nhất là dân xa quê chỉ còn coi sinh hoạt Công Giáo như là những lễ hội, vui thì đến, không hấp dẫn thì lảng ra nơi khác, không còn thiết tha gì với Thánh Lễ, với các Bí Tích vô giá mà Hội Thánh đem lại cho tuổi trẻ của họ.
Trong khi đó, phải nói: Giới trẻ thật sự là tương lai của Giáo Hội, là nguồn lực lớn để phục vụ trẻ em, người già, người khuyết tật, người bệnh, người nghèo, ơn gọi đi tu… Không có họ, ai sẽ gánh vác trách nhiệm cao quý mà dễ thương và cần kíp này đây?
PHẦN 2: SAU CƠN ĐẠI DỊCH, CẦN MỘT SỰ “HIỆN DIỆN MỚI” BÊN CẠNH NHỮNG NGƯỜI TRẺ
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Dạ, vậy theo cha, chúng ta phải bắt đầu từ đâu để Giới Trẻ được trân trọng và hướng dẫn các bạn sống những năm tuổi trẻ của mình thật trọn vẹn ?
Cha Giuse Lê Quang Uy: Vấn đề là giới trẻ cần được các Linh mục, các Tu sĩ, cần được người lớn, gồm cả cha mẹ, chú ý đến hai mặt mục vụ quan trọng: Định hướng và đồng hành. Ở phần trước, chúng tôi có kể chuyện về nhóm Fiat. Trong nhiều năm liền, các bạn Fiat đã quen dần với cách thức hoạt động vẫn hiệu quả mà không cần có ban điều hành bầu bán theo nhiệm kỳ chi cả. Các chuyến đi chỉ cần một trưởng đoàn, một thủ quỹ. Chuyến đi hoàn tất là xong nhiệm vụ. Chuyến đi sau lại có một trưởng đoàn và một thủ quỹ khác, nếu có lúng túng thì bạn trước chỉ dẫn cho bạn sau, và mọi sự lại trôi chảy vui vẻ.
Bản thân chúng tôi là Linh mục giữ trách nhiệm “định hướng” (như một vị Linh hướng) và “đồng hành” (như một thành viên trong nhóm), không giành việc của các bạn có thể làm nhưng đảm nhận những việc chỉ có Linh mục có thể làm mà thôi, đó là dâng Thánh Lễ, Giải tội và chúc lành bình an cho chuyến đi. Các khoản kinh phí từ thiện thường chính do các bạn đóng góp hoặc đi lạc quyên, họ cùng với chúng tôi tìm cách huy động các nguồn tiền và quà.
Như vậy, khái quát hơn, chúng ta thấy: Các bạn trẻ cần được người lớn, cần các Linh mục, Tu sĩ, các Huynh trưởng, và nhất là cha mẹ trong gia đình giúp định hướng cho biết đâu là con đường đúng, tốt và đẹp (chân-thiện-mỹ) để họ bước đi tự tin và tự trọng giữa đời và giữa người.
Định hướng không phải là áp đặt, là bắt phải đúng khuôn mẫu đã có, nhưng là người lớn cùng ngồi với bạn trẻ, người lớn gợi ý rồi nhẫn nại lắng nghe bạn trẻ trao đổi, tranh cãi, có khi nghịch chiều với ý mình. Rồi cùng nhau hỏi ý Chúa Giêsu, tìm ra đáp số ngay trong Tin Mừng, trong các giáo huấn của Hội Thánh.
Rồi không phải định hướng một lần là xong đâu, còn phải đồng hành với các bạn trong các sinh hoạt và hoạt động, khởi xướng các chuyến đi, các dự án. Người lớn không chỉ huy, không điều khiển, không lãnh đạo các bạn trẻ theo nguyên tắc “Directive non Directive”, không cầm tay chỉ việc, không áp đặt chủ nghĩa kinh nghiệm, chỉ góp ý chứ không phê bình, chỉ khích lệ chứ không chê trách.
Người lớn đồng hành bằng sự hiện diện thật thà, ân cần giữa niềm vui và nhất là giữa nỗi buồn của từng bạn trẻ, của gia đình họ và của cả nhóm bạn của họ, sống tư cách dễ thương như Thánh Phaolô đã nêu gương, đó là “trở nên mọi sự cho mọi người”.
Người lớn không ngại đón nhận những thất bại do các bạn trẻ gây ra, nhưng bình tĩnh giúp họ tìm ra nguyên do, không đổ lỗi, không quy trách nhiệm cho một bạn nào đó phải “lãnh đủ” hậu quả của ông cha hay của cả nhóm. Rồi từ những vấp váp đó, khích lệ các bạn trẻ cùng nhau đứng dậy, hăng hái bắt tay làm lại, vui vẻ khởi hành lại.
Hãy để các bạn trẻ luân phiên tự nguyện nhận trách nhiệm lãnh đạo, không ứng dụng quy chế bầu bán có nhiệm kỳ, nhưng luân phiên chỉ huy, trong khi người lớn lui ra sau một bước, chỉ như một vị linh hướng, một vị đồng hành, một vị hướng đạo, nhất là như một chỗ dựa vững vàng và bao dung về tâm linh và tâm lý khi các bạn trẻ cần đến.
Thưa cha, một câu hỏi có lẽ là được nhiều người mong chờ, xin cha có thể chia sẻ cho độc giả biết về một số hoạt động của các bạn trẻ trong cơn đại dịch, đặc biệt là tại Sài Gòn trong hơn ba tháng qua không ạ?
Chính trong những tháng vật lộn đại dịch vừa qua và hiện tại, chúng ta thấy hiển hiện sức sống của các bạn trẻ, họ tham gia trong rất nhiều mặt:
Các thiện nguyện viên phục vụ các “bữa ăn nhân ái” cho người nghèo ở các ngả đường, rồi ban đêm còn tìm đến chia sẻ với những người vô gia cư… Đến khi thành phố bị phong tỏa thì lại mặc đồ bảo hộ y tế mang gạo và nhu yếu phẩm đến tận các xóm trọ nghèo, các khu cách ly heo hút.
Các thiện nguyện viên là sinh viên, là nam nữ Tu sĩ trẻ, tận tụy xin được vào phục vụ các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid, đảm nhận khâu lau dọn vệ sinh, thay bình ôxy, xúc cơm cho người đau yếu, an ủi những người hốt hoảng tuyệt vọng, và cả liệm xác, cầu nguyện cho người vừa qua đời…
Hằng ngàn shippers chạy xe Honda dọc ngang khắp thành phố, giao hàng nhanh chóng cho người nhận, hơn hẳn lực lượng bộ đội và dân phòng. Các bạn nhiều khi từ chối thù lao khi biết đó là quà cứu trợ cần ưu tiên mang đến cho người nghèo, hoặc đó là bình ôxy cho người F0 điều trị tại nhà đang rất cần được thở để sống sót.
Các nhóm bạn trẻ rủ nhau tổ chức Zoom hàng tuần để thăm hỏi nhau, thông tin các hoạt động, rồi cùng hát Thánh Ca, cầu nguyện cho quê hương, cho đồng bào thoát được đại dịch, hoặc học hỏi thêm về Giáo lý, về Thánh Lễ… Họ thường mời một Linh mục hoặc một Nữ tu giúp chia sẻ Lời Chúa, nhưng họ mới chính là người điều khiển, chuẩn bị rất chu đáo và thực hiện đâu ra đó, có khi họ tập họp được 40, 50 hay cả trăm bạn trẻ khắp các miền và cả bên ngoại quốc nữa.
Thưa cha, con xin được hỏi cha câu cuối: Cha có hình dung ra vai trò của các bạn trẻ trong khung cảnh “hậu đại dịch” sẽ như thế nào không ạ ?
Rồi sẽ đến giai đoạn “hậu đại dịch”, chúng ta sẽ sống như thế nào, sẽ hành xử và đối đãi với giới trẻ ra sao ?
Tôi e rằng có nguy cơ đâu lại vào đấy. “Bình thường” nhưng là cái “bình thường cũ”, đã quen, đã ăn nếp thành định kiến lối mòn lâu nay. Nhà thờ mở cửa lại, sân Giáo xứ lại tấp nập bạn trẻ đến sinh hoạt hội đoàn, lớp học, lễ lạc… như cũ, và người lớn thở phào, cảm thấy an tâm với một quy củ “vẫn chạy tốt” sau những tháng ngày ngưng trệ, phong tỏa.
Tại sao lại không có được một cái “bình thường mới”, cùng lúc vận dụng được bao nhiêu là kinh nghiệm của con tim và khối óc của các bạn trẻ khi họ từng tiếp cận người nghèo, phục vụ xã hội trong giai đoạn đại dịch gian nan khốn khổ đã qua, lại vừa có thể bắt tay vào việc phục hồi cuộc sống Đời và Đạo của chính họ, của gia đình họ, của thế hệ họ, trên nền tảng Vui Sống Tin Mừng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng?
Chẳng lẽ các bạn trẻ bản thân là công nhân từng bị thất nghiệp, bị mất đứt mấy tháng lương, sống chen chúc tù túng trong các gian phòng trọ chật hẹp mà còn bị chủ nhà đòi nợ gay gắt, tìm cách đuổi ra;
Chẳng lẽ các bạn trẻ xa quê đã từng hàng đoàn lũ lượt tháo chạy trên các nẻo đường bằng xe Honda, ôm đứa con sơ sinh, vợ chồng, bạn bè ngủ bờ ngủ bụi ngay bên lề đường hoặc bãi trống ở một cây xăng;
Chẳng lẽ các tình nguyện viên đã từng lặn lội đến các khu ổ chuột bị cách ly, các xóm trọ bị phong tỏa của người nghèo, từng vào phục vụ các bệnh viện dã chiến tràn ngập nạn nhân Covid;
Chẳng lẽ bản thân các bác sĩ và điều dưỡng trẻ đã từng được rèn luyện trong các bệnh viện Dã chiến về chuyên môn y khoa lẫn y đức một cách căng thẳng đến kiệt sức ngất xỉu ngay giữa lằn ranh của sinh tử kiếp người…?
Tất cả những bạn trẻ ấy đâu thể sống y như trước, đâu thể đối đãi với nhau và với tha nhân y như trước?
Không đâu, họ về lại nhịp sống bình thường của xã hội và của Giáo Hội nhưng là cái “bình thường mới” với dầu đèn của Lòng Tin đủ sáng để thắng được bóng tối, với kinh nghiệm thế nào là tuyệt vọng mà vẫn một niềm Cậy Trông, và với cảm nhận sâu xa của Lòng Thương Xót từ Chúa Giêsu tràn xuống họ với họ và tràn ra mênh mang cho các nạn nhân của đại dịch và nghèo khó khốn cùng.
“I have a Dream”, theo cách nói của cố Mục sư Martin Luther King và theo một bài hát rất hay của nhóm ABBA, chúng tôi cũng đã nâng niu một Ước Mơ: đó là các Linh mục, Tu sĩ, là cha mẹ, là thầy cô giáo, là người lớn, chúng ta được mời gọi có cái nhìn cao hơn, xa hơn, rộng hơn và sâu hơn về Giới Trẻ, rồi nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết can đảm thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử lâu nay, thay vào đó là một sự hiện diện mới bên cạnh và ở giữa các bạn trẻ để Định Hướng và để Đồng Hành với họ…
Con tạ ơn Chúa và cảm ơn cha. Xin cầu nguyện cho nhân loại, cách riêng cho Việt Nam sớm thoát khỏi đại dịch. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng và đồng hành cùng cha và các bạn trẻ trong mỗi việc làm của con cái Người.
Cảm ơn chị Phạm Thanh Nghiên đã cho tôi cơ hội chia sẻ những nỗi thao thức tuổi già này. Cảm ơn những anh chị em theo dõi cuộc phỏng vấn. Xin kính chào và biết ơn.
Vũng Tàu-Sài Gòn, ngày 11 Tháng Chín 2021