Đỗ Hữu Ca, vết nhơ Tiên Lãng

Đỗ Hữu Ca (VNE)

Báo chí loan tải “Tướng công an Đỗ Hữu Ca can tội trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạm giữ ông ta để điều tra.

Tướng công an vào tù không phải là ít, nhưng Đỗ Hữu Ca tuy đã về vườn nhưng khi bị bắt thì mạng xã hội lập tức hừng hực lên như sắp phát nổ. Tại sao vậy? Xin thưa vì ông ta là viên tướng công an bị thù ghét nhất nước.

Thù ghét không phải vì y ăn hối lộ, vì tướng nào không ăn, nhưng thù ghét vì y tham tàn, bẩn thỉu và to mồm quảng cáo cho cái mà y không có. Nói đến tướng công an Đỗ Hữu Ca là người ta nhớ tới cái tên Đoàn Văn Vươn, người nông dân dám cùng với vài anh em trong nhà cầm súng chống lại một rừng bộ đội, công an để sau đó bị giam cầm, tán gia bại sản vì chính quyền nhắm tới đầm tôm mà cả gia đình anh bỏ hết công sức ra mà có.

Trong lúc bao vây gia đình Đoàn Văn Vươn, tướng Đỗ Hữu Ca lên tiếng với báo chí rằng đây là trận đánh đẹp mà y chỉ huy! Ôi, chỉ ba anh em Đoàn Văn Vươn và vài cây súng hoa cải trong khi công an bộ đội hơn cả tiểu đoàn mà gọi là “đánh đẹp” thì rõ là đẹp mặt cho cái đội quân ô hợp trang bị tận răng nhằm cướp đất của gia đình một người lính phục viên là anh Đoàn Văn Vươn. Cái câu “trận đánh đẹp” ấy ăn sâu vào trí nhớ quần chúng, và kể cả khi vụ án Tiên Lãng đã đi vào quá khứ, người ta cũng không tài nào quên được khuôn mặt phúng phính của loài lợn nhà đã thốt câu nói bất hủ ấy.

Và bây giờ thì cái trận đánh đẹp ấy vào nhà đá để ôn lại trận chiến năm xưa khi anh dũng “chiến đấu” với gia đình người nông dân trang bị vài cây súng bắn đạn hoa cải. Vụ án Tiên Lãng bỗng dưng sống lại như mới xảy ra hôm qua, người ta nhắc lại từng chi tiết về “trận đánh” với niềm thương cảm. Nhắc lại những người vợ, người mẹ trong gia đình họ Đoàn ngồi trơ trọi trước mảnh đất vừa bị lính của Đỗ Hữu Ca tàn phá. Những manh chiếu lạnh lẽo giữa tháng ngày lạnh giá như nhắc nhở cho người dân Tiên Lãng rằng trên thế gian này vẫn còn một kẻ chưa đền tội với nhân dân mặc dù y bị bắt vì một tội trạng khác: Nhận tiền chạy án.

Rồi đây khi ra trước tòa hắn cũng sẽ như các đồng đội đồng chí khác, sẽ lôi công trạng chống nhân dân ra để xin giảm án. Có thể hắn sẽ không dám nhắc tới “trận đánh đẹp” nhưng hắn sẽ không ngu gì mà không chứng tỏ cho tòa án thấy công trạng kềm hãm nhân dân để nhà nước an tâm moi móc những thứ mà nhà nước muốn quản lý. Hắn sẽ mặc nhiên cho rằng công trạng của hắn nhiều hơn vài tỷ bạc mà hắn vừa nhận để chạy án. Cũng vậy, hắn sẽ như nhiều tướng tá công an khác cũng sẽ bị quên lãng vì người dân không ai còn nhớ tới hắn cho tới ngày hắn ra tù.

Đặc tính dễ nhận ra nhất của người cộng sản là lớn giọng tuyên dương những gì mà họ không có. Thèm khát quyền lực làm cho nhiều khuôn mặt nhơ nhớp bất kể sau khi phát biểu một điều gì đó bất bình thường. Phát biểu với báo chí nhưng cứ tưởng là đang nói chuyện vung vít với bộ hạ trong một bữa tiệc riêng tại nhà mình. Cứ tưởng tượng những khuôn mặt u mê há hốc mồm nghe ông ta chém gió là đủ thấy thương hại hơn là thù ghét hạng người theo đóm ăn tàn. Mặc áo công an nhưng luôn xem dân là kẻ thù, nếu không thì xem dân như bầu sữa để mà vắt cho tới từng giọt cuối.

Bất kể Đỗ Hữu Ca bị gài bẫy thanh trừng phe phái hay cả gan nhận tiền chạy án thì y ta vẫn phải dính chàm. Vết chàm tuy không làm cho y dơ thêm nhưng trên cái áo tù mà hắn có thể mặc sẽ hiện lên hai chữ “Tiên Lãng”, mảnh đất mà y rắp tâm vùi dập hơn 10 năm trước nay trở thành nỗi ám ảnh của một tù nhân bị khinh ghét nhất nước.

Nhiều người cho rằng y bị quả báo nhưng thực ra có tướng công an nào mà không tạo nghiệp đâu sao những kẻ khác không bị trả cái giá mà khi còn tại chức đã làm? Người như Đỗ Hữu Ca rất nhiều trong hệ thống nhưng vừa tán ác vừa chức quyền thì có không nhiều. Cách mà y chém gió không những gây phẫn nộ mà còn ăn sâu vào ý thức của người dân làm cho dân chúng thấy rằng cái áo xanh mà y mặc trong khi giải quyết vụ việc tại Tiên Lãng là màu lính trận của thế giới cộng sản, cái màu áo ấy đáng lẽ bảo vệ cho dân chúng thì quay lại bắn vào dân để trừng phạt họ vì tội không giao đất cho chính quyền sở tại.

Sau Tiên Lãng, công an đã thấy được sức mạnh tạo ra bởi lòng thù hận không dễ đối phó mặc dù đàn áp và bắn bỏ kẻ chống Đảng vẫn là chủ trương nhất quán không bao giờ thay đổi. Từ Tiên Lãng cho tới Đồng Tâm là một kinh nghiệm rất dài. Con số công an, quân đội nhiều hơn, hành quân bài bản và cẩn thận hơn nhưng báo chí không được có mặt tại hiện trường để loan truyền những kẻ nói bậy như Đỗ Hữu Ca từng nói. Cho tới nay, kẻ trực tiếp chỉ huy việc giết ông Lê Đình Kình vẫn là điều bí mật. Nhà nước không muốn kẻ ấy bị quả báo vì ăn cắp và tiếng xấu lan rộng ra như Đỗ Hữu Ca.

Từ đây không có “trận đánh đẹp” nào được xảy ra nữa, nếu có thì chỉ là “cuộc hành quân” của lực lượng vũ trang tiêu diệt “phản động”. Đẹp hay không đẹp thì chúng vẫn sẽ diễn ra nếu người dân không bằng lòng với những gì nhà nước muốn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: