Ngày 26 Tháng Năm, vợ chồng chủ hụi Trần Quốc Huy và Nguyễn Thị Hoài Hương (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) tuyên bố vỡ nợ, vì không thể trả cho 500 lượt người đã đóng hụi với số tiền lên đến 80 tỷ đồng.
Đến lúc đó hàng trăm người đã tụ tập tại văn phòng bất động sản của vợ chồng Huy – Hương gào thét, khóc lóc, vật vã, cầu xin hai vợ chồng trả tiền lại cho họ.
Huy khai từ năm 2018 đến khi tuyên bố vỡ nợ đã gom tiền hụi của khoảng 500 lượt người dân và một số người quen để làm ăn. Tổng số tiền mượn, gom hụi đến nay vào khoảng 80 tỷ đồng (khoảng $3.4 triệu).
Một số người có mặt trình báo, họ tham gia các dây hụi theo tuần, tháng do vợ chồng Huy tổ chức qua mạng xã hội. Tổng số tiền họ đóng hơn 46.5 tỉ đồng nhưng chưa được hốt thì vỡ hụi. Trong đó, người góp hụi ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 4 tỉ đồng. Đa số họ là người Đồng Nai.
Lý do vỡ hụi của vợ chồng Huy cũng rất đơn giản: Mở nhiều dây hụi, kèm theo những “con hụi ma” để hốt hụi trước. Sau đó, Huy dùng tiền đó cho bạn bè mượn làm ăn, và cho một số người vay nóng. Cách làm này được gọi là “mượn đầu heo nấu cháo”, Huy tính nếu công việc thuận tiện, tiền lời lấy hàng tháng cũng đủ chung chi cho các con hụi khi họ hốt.
Thế nhưng, “thiên bất dung gian”, cách làm này thất bại vì người vay và bạn bè bỏ trốn hết, Huy mất cả vốn lẫn lời. Bị hụt tiền, Huy phải lấy giấy chủ quyền nhà, đất mang cầm cố ngân hàng để lấy tiền trả hụi.
Chưa biết số tiền Huy bị giựt nợ là bao nhiêu, nhưng chắc cũng đủ lớn để gây xáo trộn cuộc sống gia đình Huy – Hương. Hai năm qua, Huy không làm ra tiền trong khi tiền trả hụi, trả vay mượn bên ngoài và lãi ngân hàng quá lớn, có tháng lên đến gần 900 triệu đồng. Thấy không còn khả năng trả nợ, Huy buộc phải tuyên bố vỡ nợ.
Chơi hụi (tên khác: Họ, hội, biêu, phường, huê) gọi chung là họ, là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam. Đây là hình thức trái ngược với trả góp. Dù chơi hụi chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, nhưng từ năm 2006, nhà nước lại có quy định hướng dẫn chơi hụi (!?) Trong đó quy định: “Chơi hụi một dây từ 100 triệu trở lên phải báo cáo với chính quyền địa phương”.
Tuy nhiên, chẳng ai chơi hụi mà trình báo với chính quyền địa phương cả, vì làm như thế, chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, vì pháp luật đã cho phép đâu mà chơi!
Thực tế, việc chơi hụi đã giúp nhiều người huy động được số vốn lớn gấp mấy chục lần số tiền bỏ ra để làm ăn. Tuy nhiên, sự biến tướng của nó cũng để lại nhiều hậu quả khôn lường, như vào năm 2021 ở Bình Thuận, đường dây vợ hụi gần 200 tỷ đồng (khoảng $8.5 triệu) của bà Lê Thị Lại đã làm cho hơn 800 nạn nhân khóc ròng, vì không thể lấy lại những đồng tiền họ đã lỡ đóng cho bà ấy.