Đồng Nai: Ngăn tài xế đậu xe hơi trước nhà, chủ nhà bị đâm chết

Chủ xe ở Hải Phòng bàng hoàng khi chiếc xe hơi của mình sau thời gian dừng đậu trên lề đường đã bị phun sơn trắng loang lổ – Ảnh: page Hải Phòng

Không còn là chuyện nhỏ nữa, khi chỉ vì ngăn tài xế đậu xe hơi trước nhà mà một chủ nhà bị đâm chết.

Ông Trần Văn Nhớ (33 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tử vong ngày 26 Tháng Tư 2023 sau vài ngày chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn). Trước đó, chiều 23 Tháng Tư 2023, ông Nhớ nhìn thấy một xe hơi dừng đậu trước cửa nhà tại khu phố 8, phường Long Bình, nên đã yêu cầu tài xế dời xe đi nơi khác. Tuy nhiên, tài xế là Đặng Hồng Thắng (33 tuổi, quê Hà Nội) đã từ chối. Lời qua tiếng lại, tài xế Thắng đã dùng dao đâm vào hông ông Nhớ khiến ông gục xuống. Nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sau đó chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy chiều cùng ngày.

Thắng ngay lập tức bỏ trốn khỏi hiện trường, sau đó mới đến trụ sở công an trình diện và khai nhận sự việc. Hiện cơ quan công an (không rõ là phường Long Bình hay TP.Biên Hòa) đang tạm giữ tài xế Đặng Hồng Thắng để điều tra.

Truyền thông trong nước chỉ nêu vắn tắt vụ việc, không có chi tiết về lời qua tiếng lại giữa chủ nhà và tài xế (bằng tuổi nhau), nên không rõ ai là người gây hấn đầu tiên? Có vẻ như dư luận đang đứng về phía người chủ nhà, vì việc xe hơi đậu trên lề đường trước cửa nhà (hay cửa hàng), chắn lối ra vào, đang là vấn đề của đô thị Việt Nam vì thiếu quy hoạch bãi đậu xe hơi.

Từ năm 2017 đến nay, truyền thông trong nước thỉnh thoảng lại đưa hình ảnh những chiếc xe hơi đậu trước cửa nhà (hay cửa hàng) bị dán giấy ghi “vô ý thức”, thậm chí vẽ bẩn lên kiếng xe, xịt sơn lên đuôi xe hoặc cả thân xe…. với vẻ như bênh vực người chủ nhà (chủ cửa hàng).

Dân Trí ngày 14 Tháng Mười Một 2020 đã viết: “…. việc “xử lí” chiếc xe dường như là một cách trút giận và cũng là cách cảnh cáo chủ xe vì hành vi (đậu xe) vô ý thức, thật dễ hiểu khi phần đông mọi người lại đồng cảm với cơn giận dữ của những người bỗng dưng bị “nhốt” vì không thể cho xe ra khỏi nhà, hay phải “chôn chân” trong dòng người tắc nghẽn vì kiểu đậu xe “ngang trái”, “bất cần”. Cũng Dân Trí, ngày 5 Tháng Tư 2021 đã bàn luận về việc chiếc xe hơi Honda CR-V màu đỏ đậu trên vỉa hè, trước cửa hàng bán quần áo thời trang trên đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng bị phun sơn trắng loang lổ vì chủ cửa hàng cho rằng chiếc xe này choán chỗ ra vào của khách. Hình ảnh chiếc xe đã thu hút hàng trăm lượt bình luận, đa số đều cho rằng chủ xe đậu chắn cửa hàng kinh doanh của người khác là không nên, nhưng việc phun sơn vào xe để “nhắc nhở” ý thức đậu xe là sai luật.

Những chiếc xe “bị trút giận” vẽ bẩn khi đậu chắn cửa hàng bán quần áo ở Gò Vấp, Sài Gòn – Ảnh Dân Trí

Thanh Niên ngày 6 Tháng Tư 2021 phỏng vấn luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát – Sài Gòn. Ông Phát cho biết, quy định của luật pháp đối với vấn đề dừng, đậu xe như hiện nay (tài xế được phép đậu xe hơi ở những nơi không gắn bảng cấm, không vi phạm quy định về nguyên tắc đậu xe theo Luật giao thông đường bộ) là phù hợp, dựa trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích chung và riêng. Ông Phát nhấn mạnh: Không thể vì lợi ích riêng của những khu nhà mặt tiền mà đưa ra các quy định xâm phạm đến lợi ích chung của người khác, khi bài toán cho việc dừng, đậu xe trong các đô thị lớn hiện nay vẫn chưa có lời giải. Nhiều nước phát triển hơn vẫn cho phép điều này. Bản thân các chủ nhà mặt tiền, họ cũng chỉ bỏ tiền ra mua phần quyền sử dụng đất và nhà nước giao đất cho họ được sử dụng từ ranh đất của mình. Vì vậy, họ không thể nói rằng phần không gian phía trước là của họ nên việc đậu xe đã cản trở việc kinh doanh.

Ông Phát còn tư vấn: “Việc đậu xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi của nhà mặt tiền, khi nó thật sự cản trở sự ra vào, cản trở đến hoạt động sống thường ngày của chủ nhà. Còn ngoài ra,  chủ nhà và người đậu xe cần dung hòa lợi ích (có thể đậu xe giữa hai số nhà liền kề). Chủ nhà mặt tiền không thể tự ý có những hành động như vẽ sơn hay đập phá chiếc xe. Bởi như vậy có thể khiến cho chủ nhà mặt tiền rơi vào vòng xoáy của pháp lý, có khi bị khởi tố vụ án hình sự về hành động cố ý làm hư hỏng, hủy hoại tài sản của người khác”.

Điều ông Phát nói đã rõ, thế nên tài xế xe hơi vẫn có lý của mình. Vnexpress ngày 24 Tháng Năm 2021 đăng ý kiến của một người có xe hơi như sau: “Luật giao thông Việt Nam hiện nay không hề cấm việc đậu xe trước nhà người khác, trong trường hợp đoạn đường đó không có biển báo cấm đậu. Thế nên việc tài xế đậu xe trước cửa nhà (hoặc cửa hàng) của ai đó rõ ràng không sai về lý. Vậy nên, việc nhiều người vội vàng đổ lỗi tài xế đậu xe trước cửa nhà chưa chắc đã là đúng. Hơn nữa, ngay cả khi tài xế xe hơi sai (đậu xe trên đoạn đường cấm dừng đậu), việc xử lý sai phạm cũng là trách nhiệm của cơ quan chức năng, người dân hoàn toàn không có quyền can thiệp, tự ý trừng phạt mà chỉ có quyền báo cáo sự việc cho các cơ quan chức năng giải quyết”.

Chủ xe hơi đậu trên lề đường lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, khi nhìn dòng chữ trên các thùng rác vây quanh chiếc xe hơi giống như ám chỉ chính chiếc xe là “thứ nguy hại” và “không đốt được” – Ảnh: Dân Trí

Hiện nay, vì thiếu bãi gửi xe hơi, trong khi người sở hữu xe hơi riêng ngày càng nhiều, ở Sài Gòn ra đường là gặp xe hơi đậu tràn lan hai bên lề, thậm chí cả đường trong hẻm cũng bị choán cả ngày lẫn đêm. Tình trạng này chắc chắn không thể chấm dứt, trừ khi phường (quận) treo bảng cấm đậu xe hơi để có cớ phạt nguội hoặc thành phố lên danh sách các tuyến đường có thu phí đậu xe hơi theo giờ như Hà Nội đã làm.

Dù có hiểu luật, quyền lợi giữa chủ nhà (hay chủ cửa hàng) với tài xế xe hơi chắc chắn khó dung hòa, nên cái chết của ông chủ nhà Trần Văn Nhớ ở Biên Hòa nếu không được rút kinh nghiệm thì sẽ còn nhiều cái chết lãng nhách như vậy nữa xảy ra ở đất nước này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: