Sáu giáo viên bỗng dưng bị mất việc đã kiện UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đăk Lăk) và được tuyên thắng kiện, nhưng sau hơn một năm, huyện này vẫn chưa thi hành án là bồi thường tiền cho họ.
Ngày 1 Tháng Mười 2023, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk (tỉnh Đăk Lăk) xác nhận với Tuổi Trẻ hiện UBND huyện này vẫn chưa chấp hành việc thi hành án theo quy định.
Đó là hai vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động của sáu giáo viên bỗng dưng bị mất việc, bao gồm vụ kiện của năm giáo viên trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Thị Minh Khai với người đại diện là ông Nguyễn Ánh Dương và vụ kiện của giáo viên Nguyễn Thị Bình, giáo viên trường THCS Ea Kly.
Hai vụ kiện của sáu giáo viên bắt đầu khi ngày 9 Tháng Ba 2018, UBND huyện Krông Pắk ra thông báo buộc 550 giáo viên hợp đồng tại địa phương này phải thôi việc do việc tuyển dụng trước đó không đúng quy định, gây vượt chỉ tiêu biên chế!
Trong số 550 giáo viên bị buộc thôi việc, có sáu giáo viên uất ức đã khởi kiện.
Cả hai vụ kiện của sáu giáo viên đều đã được Tòa án tỉnh Đăk Lăk xử sơ thẩm, phúc thẩm, với kết quả là UBND huyện Krông Pắk và trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai có lỗi trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với năm giáo viên, phải liên đới bồi thường gần 1.3 tỷ đồng ($53,430).
Trong đó, UBND huyện Krông Pắk và trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai liên đới bồi thường cho giáo viên Nguyễn Ánh Dương gần 318 triệu đồng; các giáo viên Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Thị Bích Hạnh, H’Dim Niê mỗi người gần 239 triệu đồng; giáo viên Lương Văn Chinh hơn 214 triệu đồng.
Cùng thời gian, hồi Tháng Tư 2022, Tòa án tỉnh Đăk Lăk cũng có bản án tuyên buộc trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho cô Nguyễn Thị Bình hơn 175 triệu đồng ($7,192).
Tuy nhiên, mãi cho đến nay, sau hơn một năm, cả hai nhà trường và UBND huyện đều viện lý do để không thực hiện việc thi hành án!
Vì vậy, các giáo viên đã đề nghị Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk thực hiện các biện pháp xác minh tài sản, cưỡng chế để thi hành án.
Nhưng than ôi, theo Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk, tài sản của trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, trường THCS Ea Kly, cũng như UBND huyện Krông Pắk đều từ ngân sách nhà nước cấp, nên không thể cưỡng chế, kê biên để thi hành án!
Ngoài ra, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho rằng họ không thi hành án vì không chấp nhận các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, đang kháng nghị giám đốc thẩm và chờ trả lời.
Phản ảnh với Tuổi Trẻ, giáo viên Nguyễn Thị Bình đưa ra văn bản của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng trả lời UBND huyện Krông Pắk, trong đó có nội dung các bản án sơ thẩm, phúc thẩm buộc trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho cô Nguyễn Thị Bình số tiền hơn 175 triệu đồng là có cơ sở.
Tòa án cấp cao Đà Nẵng cũng bác yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của UBND huyện Krông Pắk, đối với bản án lao động phúc thẩm ngày 24 Tháng Tư 2022 (bản án do giáo viên Nguyễn Thị Bình khởi kiện).
Uất ức, giáo viên Nguyễn Ánh Dương cho biết huyện vẫn chưa bồi thường cho mình và bốn bạn giáo viên khác, dù họ đã thắng kiện.
Cả năm giáo viên này đành bất lực, vì như Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk trả lời thì họ không thể đụng đến tài sản thuộc ngân sách nhà nước. Đúng là “con kiến mà kiện củ khoai”!
Hồi Tháng Ba 2018, cũng Tuổi Trẻ đưa tin có hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk bị “huyện tuyển dư” đành ngậm ngùi mất việc. Trong cuộc họp chiều 9 Tháng Ba 2018, UBND huyện Krông Pắk tổ chức buổi thông báo theo chỉ thị của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Đăk Lăk, hơn 500 giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Lý do cuộc thi tuyển viên chức giáo viên 2017 của huyện sắp tổ chức chỉ được nhận 80 người. Số giáo viên dư (hơn 500 người) sẽ mất việc, phải tự kiếm việc khác.
Buổi thông báo đã kết thúc nhanh chóng trong sự bức xúc và phẫn nộ của giáo viên, vì trong số đó rất nhiều người đã ký hợp đồng giảng dạy trong nhiều năm.
Từ năm 2011 đến Tháng Mười Một 2015, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học và ấn về các trường.
Việc tuyển thừa giáo viên liên quan đến hai nhiệm kỳ chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, gồm các ông Nguyễn Sỹ Kỷ – phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, cựu chủ tịch giai đoạn 2011-2016 và ông Y Suôn Byă – chủ tịch đương nhiệm.
Với các sai phạm này, ông Kỷ (ký khoảng 400 hợp đồng) bị kỷ luật cảnh cáo. Còn ông Y Suôn Byă trực tiếp ký tuyển 100 hợp đồng cũng bị kỷ luật khiển trách.
Liên quan đến sai phạm này còn có ông Trần Đức Lanh – cựu trưởng Phòng Nội vụ, cựu phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cũng bị kỷ luật, điều chuyển rồi nghỉ hưu.
Việt Nam đang thiếu giáo viên, mà cả huyện Krông Pắk sa thải hơn 500 giáo viên một lúc, chỉ vì thiếu chỉ tiêu biên chế, thật chẳng hiểu cách phân bổ của ngành giáo dục Việt Nam như thế nào, làm khổ cả thầy lẫn trò.