Nghe lời dỗ ngọt của nhân viên spa, người phụ nữ 31 tuổi (ngụ tỉnh Bắc Giang) muốn nâng ngực đã đồng ý để nhân viên này bịt mắt, chích chất làm đầy (filler) vào ngực.
Không chỉ bị bịt mắt thật, người phụ nữ này còn bị “bịt mắt” về kiến thức, khi cho nhân viên spa chích chất bị cấm vào cơ thể. Sau khi nâng ngực bằng filler được một tháng, nạn nhân bị sưng tức ngực hai bên, sốt, kèm đau đớn.
Các bác sĩ bệnh viện Quân Đội 108 (Hà Nội) nhận bệnh nhân này trong tình trạng khối ngực trái sưng to, cứng, bị đỏ và đau đớn. Khi bệnh viện chụp MRI thì kết quả cho thấy hai bên vú của bệnh nhân có nhiều ổ mủ, dẫn đến đa áp xe vú…
Dân Việt ngày 8 Tháng Năm tường thuật: các bác sĩ của khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu của bệnh viện Quân Đội 108 đã phẫu thuật chích rạch vú trái, lấy ra 40 cc dịch vàng đục ở trong và dưới tuyến vú. Sau khi hút dịch ra khỏi vú trái, các bác sĩ phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch đó, chậm trễ có thể dẫn đến cắt bỏ vú.
Bệnh nhân, bà T.T.N., đã tin theo quảng cáo “tăng thể tích ngực bằng sóng xung kích” trên mạng xã hội của một spa và đến làm dịch vụ này ở đây. Bà N. đã trả 6 triệu đồng ($255) để spa làm thủ thuật này. Chủ spa dụ tiếp: tình trạng ngực của bà N. cần làm loại sóng xung kích cao cấp hơn và yêu cầu đóng tiếp 20 triệu đồng ($852), có thể trả góp.
Khi bà N. đồng ý thì bị nhân viên ở đây bịt mắt, rồi cấy chỉ, chích chất làm đầy vào hai vú, không rõ loại gì, số lượng bao nhiêu. Qua ngày hôm sau, bà N. thấy đau ngực, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân, phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bắc Thăng Long (tỉnh Bắc Giang).
Sau ba ngày ra khỏi bệnh viện, bà N. quay lại spa để rút chỉ… thì lại bị phát ban, đau tức ngực. Bà lại phải vào bệnh viện dùng kháng sinh chống viêm kéo dài gần một tháng cũng không đỡ. Cuối cùng, bà N. phải đến Hà Nội, khám ở bệnh viện Quân đội 108.
Bác sĩ Lưu Phương Lan, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, bệnh viện Quân Đội 108, cho biết, chất filler chích vào vú bà N. không biết loại nào, đã được Bộ Y tế hay FDA (Hoa Kỳ) cấp phép hay chưa, cũng không rõ họ đã chích vào vị trí nào và số lượng ra sao. Tạm thời, các bác sĩ lấy được khối dịch bị mưng mủ nhưng không biết chất làm đầy còn bám ở đâu trong vú của bà N.? Vì vậy, “án treo” là bà N. vẫn còn có thể bị viêm tấy áp-xe vú hoặc viêm xơ tuyến vú về sau.
Bác sĩ Lan cảnh báo đã từng gặp nhiều phụ nữ bị viêm tấy áp-xe tuyến vú sau 5- 20 năm chích chất lạ vào vú. Những phụ nữ này phải bị phẫu thuật nhiều lần, khiến cho nhu mô tuyến vú bị tàn phá, thậm chí phải cắt toàn bộ vú.
Bác sĩ Lan cũng cho biết thêm thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều phụ nữ bị biến chứng ngực do đi spa, cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép phẫu thuật… để chích filler, chích mỡ tự thân tăng vòng một. Đây là trào lưu nguy hiểm vì filler và mỡ tự thân không được chích vào vú.
Ngoài ra, nhân viên ở những nơi này không được đào tạo về kỹ thuật vô trùng và không có nghiệp vụ y tế, nên chỉ cần điều kiện vô trùng kém hoặc tay nghề chích non kém là sẽ dẫn đến tai biến, nặng nhất là vùng ngực bị hoại tử, phải cắt bỏ toàn bộ vú để giữ tính mạng.
Cần nhắc lại hồi Tháng Bảy 2022, một phụ nữ 42 tuổi ở Hà Nội cũng bị áp-xe ngực sau khi chích filler nâng ngực tại spa với giá 7 triệu đồng ($298). VnExpress ngày 28 Tháng Bảy 2022 đã dẫn lời bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ của bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) khẳng định:
Trong ngành thẩm mỹ, dùng filler chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai… Tuy nhiên, filler tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không phù hợp với nâng ngực và độn mông. Riêng vùng ngực là nơi nhạy cảm, khi chích filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng và ảnh hưởng tới tuyến sữa.
Ngoài ra, filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, muốn duy trì kết quả cần phải chích lại sau một đến hai năm, chi phí tốn kém. Chích filler thường xuyên có thể làm cho ngực bị nhão, chảy xệ và mất tính đàn hồi.
Khi chích filler không rõ nguồn gốc sẽ bị tắc động mạch máu, xuất huyết, hoại tử gây biến dạng, thậm chí tổn thương vĩnh viễn một số chức năng và tử vong nếu người thực hiện kỹ thuật chích không có nghiệp vụ y tế và trang thiết bị không bảo đảm vô trùng.