Gia đình Phạm Đoan Trang đi chuyến thăm nuôi đầu tiên, xa hơn 1,600km

Gia đình của Phạm Đoan Trang đã có cuộc thăm nuôi đầu tiên kể từ khi Phạm Đoan Trang chính thức thụ án 9 năm với tội tuyên truyền chống Nhà nước.

Vào ngày 1 Tháng Mười vừa rồi, Phạm Đoan Trang đã được chuyển đến trại giam An Phước ở Bình Dương, nơi cách Sài Gòn khoảng 100 cây số. Tuy nhiên, đối với gia đình của Phạm Đoan Trang thì chặng đường để đi thăm nuôi này dài hơn ngàn cây số.

Theo xác nhận của gia đình thì hôm thứ Tư vừa rồi (12/10), mẹ và anh trai Phạm Đoan Trang cùng một số bạn bè đã vào Trại giam An Phước (Bình Dương) thăm Trang.

Quan sát bên ngoài cho thấy sức khoẻ Phạm Đoan Trang suy giảm đôi chút nhưng tinh thần thì có vẻ vẫn ổn định. Cán bộ trại giam tiến hành các thủ tục thăm thân theo quy định, với thái độ thân thiện và đúng mực, không gây khó dễ gì. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các gia đình tù nhân thăm nuôi, phần đón nhận ban đầu thường êm ả. Về sau những chuyện phức tạp sẽ dần dần phát sinh một cách bài bản, chẳng hạn như đòi hỏi tù nhân phải viết giấy nhận tội, hay tuân thủ các sinh hoạt mang tính trừng phạt, mà những tù nhân có thể phản ứng.

Trại giam cho Trang được nhận đàn guitar (dĩ nhiên là phải để đàn ở khu sinh hoạt chung, muốn chơi phải ra đó). Tuy nhiên cần phải nói là việc nhận sách hay đàn, là quyền của tù nhân, nhưng cũng có lúc trở thành chuyện khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lân, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thụy đang chịu án 11 năm ở trại giam An Điềm, Bình Dương đi cùng chuyến thăm nuôi, kể cho biết rằng bà Bùi Thiện Căn, mẹ của Phạm Đoan Trang, năm nay đã 82 tuổi, nhưng công an vẫn cố tình giam Trang ở một nơi rất xa nhà, đến hơn 1,600 cây số. Mỗi chuyến đi thăm như vậy vô cùng vất vả.

Bà Căn, thứ hai từ trái qua, nhận giải Martin Ennals thay cho con gái ở Thụy Sỹ.

Đã vậy, từ khi được chuyển về trại An Điềm đã gần 2 tuần, nhưng lại không thấy Trang gọi điện thoại về nhà như luật quy định, khiến bà Căn ở trong tâm trạng bồn chồn lo lắng. Hỏi han qua các gia đình tù nhân lương tâm thì thường sau khi ra thi hành án chậm nhất 1 tuần sẽ được gọi về báo.

Bà Lân kể đường đi thăm nuôi từ Hà Nội vào trại đi mấy chặng. Bắt đầu từ nhà ở Hà Nội đi lên sân bay Nội Bài tầm 40 km, sau đó bay vào Sài Gòn đi xe đến bến xe miền Đông. Bắt được xe thì từ bến miền Đông đi lên Phú Giáo khoảng 110 km, chặng cuối phải đi xe ôm vào trại, đường đi cũng không dễ dàng.

Ông Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đang thụ án tù 11 năm tại Trại giam An Phước (Bình Dương). Ông bị bắt tháng 5 năm 2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” trong cùng vụ án với Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn. Nhiều lần ông Thụy kêu đau và yêu cầu được đi khám bệnh, nhưng trại giam không cho. Bà Thụy phải chạy mua thuốc “đoán chừng” bệnh của chồng để gửi vào.

Bà Lân, đầu hàng bên trái, trong chuyến đi thăm nuôi.

Bà Phạm Thị Lân, đi cùng chuyến với bà Bùi Thiện Căn, mất ít nhất hai đêm một ngày để đi từ Hà Nội vào trại giam và quay trở lại, và chi phí ít nhất 4 triệu nếu mua được vé máy bay khứ hồi giá rẻ tuyến Hà Nội-Sài Gòn. Còn nếu không mua được vé máy bay giá rẻ mà phải mua vé của Vietnam Airlines thì chi phí có thể lên đến 7-8 triệu đồng một lần đi thăm. Đó là chưa tính tiền thăm nuôi, cùng tiền gửi lưu ký trong trại.

Một nhà hoạt động nhận xét rằng, việc chuyển tù nhân lương tâm đến thi hành án tại những trại giam xa gia đình làm cho người tù không quen phải sống trong điều kiện thời tiết khí hậu mới dẫn đến họ hay mắc thêm bệnh trong điều kiện chăm sóc y tế hạn chế của nhà tù.

Hơn nữa, việc đưa họ đi giam xa cũng làm cho gia đình họ gặp khó khăn trong việc thu xếp thời gian và chi phí cao cho việc thăm nuôi như một hình phạt đối với gia đình tù nhân lương tâm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: