Trong bối cảnh người dân gặp khó khăn về kinh tế sau dịch Covid-19 và tình hình “bão giá” đang làm cuộc sống người dân chật vật hơn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho tăng học phí, tăng giá sách giáo khoa.
Vấn đề học phí đã được đại biểu Quốc hội gửi chất vấn lên Chủ tịch Quốc hội vào kỳ họp vừa qua, tuy nhiên câu hỏi này không được chọn để cho Bộ trưởng trả lời.
Ngày 4 Tháng Bảy, Chính phủ có tổ chức kỳ họp thường kỳ Tháng Sáu, ông Nguyễn Kim Sơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học Cơ sở toàn quốc ngay từ năm học 2022 – 2023 và nêu ước tính số ngân sách sẽ cấp bù khi thực hiện chủ trương này. Ngân sách ước tính cần 25,199 tỉ đồng (tương đương $1.1 tỷ) cho ba năm.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với học phí năm học 2022 – 2023 với đề nghị:
Đối với học phí giáo dục mầm non công lập năm học 2022 – 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022, đối với trường nào đảm bảo nguồn thu chi và tính theo định mức học phí do trường tự ban hành dựa theo đề nghị được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Kể từ năm học 2023 – 2024, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.
Đối với hệ Phổ thông Trung học công lập 2021 – 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề nghị chế độ học phí y hệt như ngành giáo dục mầm non. Tuy nhiên với 2023 – 2024, Bộ Giáo Dục vẫn chưa có đề xuất gì.
Đấy là những dự toán cho chính sách miễn giảm học phí mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Quốc hội duyệt chi chỉ có 6,521 tỷ đồng ($283 triệu). Vấn đề đặt ra là tiền đâu để giải quyết bài toán khó này thì phía Chính phủ vẫn chưa đưa ra giải pháp gì.
Nguồn thu ngân sách chủ yếu là từ thuế, kế đến là bán dầu thô, còn lại phần nhỏ là nguồn thu khác. Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm về thu chi của Chính phủ. Tuy nhiên, quyền duyệt chi cho các bộ là của Quốc hội nên dù Thủ tướng có tổ chức họp liên ngành Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục thì cũng khó giải quyết vấn đề, bởi nếu họp liên ngành cũng chỉ đưa ra kiến nghị rồi trình Quốc hội và chờ. Mỗi năm, Quốc hội chỉ họp hai lần, mỗi lần cách nhau sáu tháng./.