Giáo dục Việt Nam: Khi “xú chiêng” cũng trở thành luận án tiến sĩ!

MINH HỌA: Kristen Plastique (Unsplash)

Đây không phải là chuyện đùa mà là chuyện thật 100% trong nền giáo dục XHCN Việt Nam! Sự hỗn loạn và tào lao của hệ thống giáo dục Việt Nam chưa bao giờ có điểm dừng. Mới đây, trong cơn sốt tiến sĩ, một luận án tiến sĩ về áo nịt ngực (soutien, mà người miền Nam xưa thường gọi là “xú chiêng”) đã được công bố!

Đó là luận án tiến sĩ ngành công nghệ dệt-may có tiêu đề Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Tác giả của “công trình nghiên cứu” này là Lưu Thị Hồng Nhung và hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ. Trong luận án 142 trang, tác giả Lưu Thị Hồng Nhung (hiện làm việc tại Khoa Công nghệ may và thời trang Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) viết:

“Tất cả những nội dung trong luận án: Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các thí nghiệm được tiến hành một cách nghiêm túc và khoa học trong quá trình nghiên cứu. Các số liệu, kết quả nghiên cứu trong luận án trung thực khách quan và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu của tác giả khác”.

Quả là không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng chưa có ai từng nghiên cứu ảnh hưởng của xú chiêng đối với một nhóm người như vậy! Cụ thể, trên website Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Phòng Đào tạo, Bộ phận Đào tạo sau đại học đã tóm tắt kết luận mới của luận án là:

Thiết lập được hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến áp khí tại 8 vị trí đo, và đo áp lực áo ngực ở 3 trạng thái: tĩnh, động, tĩnh kết hợp động.

“Xác định được các kích thước ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đa dạng bằng phương pháp đo 3D không tiếp xúc trên hệ thống quét 3D đã thiết lập và phần mềm Geomagic Design X. Phân tích được mối quan hệ giữa các kích thước ngực. Xác định được các kích thước ngực đặc trưng và phân nhóm ngực nữ sinh ứng dụng các giải thuật PCA (Principal Component Analysis), RF (Random Forest) và LVQ (Learning Vector Quantization), góp phần xây dựng cơ sở lựa chọn các kích thước ngực cho các nghiên cứu về nhân trắc ngực và áp lực của áo ngực nữ.

Phân nhóm được ngực nữ sinh Bắc Việt Nam thành 3 nhóm: ngực nhỏ, ngực trung bình, ngực lớn, tương ứng với các hình dạng ngực phẳng, ngực hình nón và ngực tròn bằng cách ứng dụng giải thuật K-means clustering.

Xác định được ảnh hưởng của các kích thước đặc trưng của ngực nữ sinh tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, mối quan hệ giữa các kích thước ngực đặc trưng với áp lực của áo ngực, với độ tiện nghi áp lực, giữa áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực thông qua các mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến với kỹ thuật BMA (Bayesian Model Averaging) trên phần mềm R”.

Một trang trong “luận án tiến sĩ” của Lưu Thị Hồng Nhung

…………

Đây không phải lần đầu tiên một luận án tiến sĩ được “dư luận quan tâm”. Cách đây không lâu, dân mạng đã một phen ôm bụng cười bò với luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La” của Đặng Hoàng Anh thuộc Viện Khoa học Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đề tài được công bố vào Tháng Mười Hai 2021 và “nghiệm thu thành công cấp viện” vào ngày 19 Tháng Một 2022. Sự việc cho thấy cho dù tào lao bí đao cỡ nào, luận án tiến sĩ cũng được “nghiệm thu”.

Báo chí trong nước đã nhiều lần nhắc đến tình trạng bát nháo trong luận án tiến sĩ và loạn tiến sĩ, đặc biệt hiện tượng các luận án tiến sĩ na ná nhau, như thể được khai sinh từ một “buồng ấp công nghiệp” – chẳng hạn các luận án “Cải tiến chương trình Giáo dục thể chất cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội”; luận án “Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác Giáo dục thể chất các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM”; luận án “Nghiên cứu xây dựng chương trình thể thao nâng cao cho sinh viên Đại học Thái Nguyên”…

Ngoài chuyện luận án tiến sĩ “trùng” đề tài nghiên cứu, điều tức cười nhất là sự ra đời của những luận án nhảm nhí. Năm 2016, dư luận từng ồn ào quanh những luận án tiến sĩ vớ vẩn như Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”; “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Hành vi ngôn ngữ thề của người Việt” của các nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội.

Cũng trong năm 2006, dư luận cũng nhốn nháo với luận án của một nghiên cứu sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội về “Nghiên cứu nhận thức của sinh viên Đại học sư phạm về sức khỏe sinh sản”; rồi “Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh trung học phổ thông”“Biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục của sinh viên đại học sư phạm”…

Ở ngành lịch sử, có hơn chục đề tài về “chuyển biến kinh tế xã hội”, tỉnh nào cũng “chuyển biến kinh tế xã hội”; “Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010” (bảo vệ năm 2013), “Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012” (bảo vệ năm 2017), “Quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ năm 1992 đến năm 2012” (bảo vệ năm 2017), “Chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015”, “Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1986 đến năm 2010”…

Phần lớn những đề tài này được “bảo vệ” tại Học viện Khoa học xã hội. Điều đó cho thấy rằng không chỉ luận án tiến sĩ tào lao mà cả những ông bà trong Học viện Khoa học xã hội – những người phụ trách việc “chấm” tiến sĩ – cũng tào lao. Thay vì vất các luận án nhảm nhí vào sọt rác, họ lại kiên nhẫn nghe nghiên cứu sinh giải trình “bảo vệ luận án”; và cuối cùng đồng ý cấp bằng tiến sĩ! Điều này dẫn đến một thực tế khác: Những người “thẩm định” bằng tiến sĩ cũng chẳng hiểu gì về vấn đề mà luận án đề cập.

“Chấm” tiến sĩ ở Việt Nam không đòi hỏi “giám khảo” phải hiểu biết lĩnh vực chuyên môn mà đề tài nhắc đến. Chấm tiến sĩ là những kẻ thuần túy là “quan” chứ không phải “thầy”. Họ ngồi đó chỉ để phán chứ không phải để hiểu. “Luật” trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay chỉ quy định số nghiên cứu sinh mà một tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư được phép hướng dẫn, chứ không quy định những yêu cầu về mặt học thuật cần có để được hướng dẫn và thẩm định luận án. Thế cho nên, hậu quả cuối cùng là những luận án tào lao như “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã” hoặc ảnh hưởng của xú chiêng lên một nhóm người vẫn được duyệt!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: