Một học sinh lớp 1 vì “không chịu ngồi yên” đã bị cô giáo chủ nhiệm lớp đánh gãy ngón tay (?), phụ huynh của bé đã tố cáo với báo Dân Việt.
Theo phụ huynh này, nữ giáo viên tên N.T.S, chủ nhiệm lớp 1, trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình (Sài Gòn), trong giờ dạy đã dùng thước gỗ dạy nhạc đánh vào mu bàn tay bé N.T.M.K., khiến bé bị gãy ngón tay!
Phản ánh với Dân Việt ngày 11 Tháng Mười, phụ huynh của bé K. là bà V.T.T (ngụ phường 11, quận Tân Bình) kể: Ngày 4 Tháng Mười, khi đi học về, bé K. than đau nhức tay, kiểm tra bà T. thấy lưng bàn tay bên phải bị sưng. Hỏi thì bé K. kể bị cô giáo chủ nhiệm lấy cây gõ nhạc cụ đánh vào mu bàn tay.
Ngày 5 Tháng Mười, bà T. đưa bé đến Phòng khám đa khoa CarePlus (phường 13, quận Tân Bình) để khám.
Tại đây, bé được bác sĩ chỉ định chụp X-Quang bàn tay bị đau và sưng. Kết quả cho thấy, bé K. bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt gần ngón tư – bàn tay phải, do chấn thương. Bác sĩ dặn dò: Chuyển bé đến khoa Ngoại, bệnh viện Nhi Đồng.
Phụ huynh này còn cho biết sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường và cô giáo N.T.S. đã tới nhà riêng để xin lỗi. Tại nhà phụ huynh, cô N.T.S thừa nhận đã đánh bé K. vì bé không chịu ngồi yên trong giờ học.
Bà V.T.T còn cho Dân Việt biết thêm, bé K. và các bạn cùng lớp bị cô giáo chủ nhiệm tên N.T.S đánh, nhéo tai, nắm cổ áo, la hét, chửi mắng… nhiều lần (?) Theo bà T., hành vi này của cô S. có thể đã diễn ra từ nhiều năm qua (?), và bà mong muốn hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Trỗi, Phòng Giáo dục quận Tân Bình, UBND phường 11 và Công an phường… phải có biện pháp xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật đối với hành vi “bạo lực học đường” của cô S.
Chiều 11 Tháng Mười, Thanh Niên dẫn nguồn tin từ Phòng Giáo dục quận Tân Bình cho biết đã tạm đình chỉ việc giảng dạy của cô N.T.S. và đang xem xét xử lý kỷ luật.
Trước đó, cô Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, khẳng định với Dân Việt: “Phụ huynh có đến gặp và trao đổi, nói chung là bé khỏe, đi học lại rồi, không có gì hết. Mà đây cũng không phải là đánh, chỉ là sự cố, cô lỡ làm trúng thôi. Cô đang dạy nhạc, gõ cái thước vô tình gõ trúng thôi chứ không phải là đánh”.
Cô Trà cũng cho biết, bé K. đã đi học từ Thứ Hai (ngày 9 Tháng Mười), nhà trường đã lên hỏi thăm và bé nói “Con hết đau rồi”. Vị hiệu trưởng nói đi nói lại đây chỉ là lỗi sơ ý của giáo viên, hoàn toàn không có chuyện bạo lực học đường.
Điều khó hiểu trong vụ này là cả báo Dân Việt lẫn Thanh Niên đều không đề cập đến việc bé K. được điều trị ở Nhi Đồng như thế nào, khoa Ngoại bệnh viện Nhi Đồng nhận định gì về ngón tay bị chấn thương của bé K.?
Cả hai tờ báo chỉ trưng ra kết quả chụp X-quang của Phòng khám CarePlus do phụ huynh bé K. cung cấp và như thế vẫn chưa đủ!
Trước đó, ngày 24 Tháng Chín 2023, hiệu phó trường trung học phổ thông (cấp 3) Đào Sơn Tây ở TP.Thủ Đức (Sài Gòn) cũng tát một nam sinh ù tai vì nam sinh này hút thuốc lá điện tử.
Trong khi đó, bản tin tối ngày 23 Tháng Chín trên các diễn đàn và mạng xã hội thì cho rằng thầy hiệu phó đã tát nam sinh lớp 12… thủng màng nhĩ!
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Hảo, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đào Sơn Tây cho biết, sự việc xảy ra vào chiều ngày 19 Tháng Chín tại trường. Một nam sinh lớp 12 đã khoe lên mạng xã hội hình ảnh hút thuốc lá điện tử khi đang mặc đồng phục của trường.
Khi thầy hiệu phó mời vào phòng làm việc, em này chối cãi, bảo là không sử dụng thuốc lá điện tử, nên thầy hiệu phó tức giận. Trong một lúc không kiềm chế, thầy đã giơ tay tát vào má em học sinh này.
Sự việc ngay sau đó đã được trình báo tới ban giám hiệu nhà trường và chiều ngày 20 Tháng Chín, cô Hoàng Thị Hảo đã chủ trì cuộc họp giữa thầy hiệu phó và phụ huynh của em học sinh nói trên.
Trong cuộc họp, thầy hiệu phó đã xin lỗi phụ huynh, còn phụ huynh của nam sinh xác nhận em bị ù tai sau khi bị thầy tát, đã đi khám, được cho thuốc uống. Hiện nam sinh này vẫn đi học bình thường.
Theo cô Hảo, dù nguyên nhân gì thì thầy giáo đánh học sinh cũng sai, nên sẽ trừ điểm thi đua quý, thi đua năm của thầy hiệu phó. Cô Hảo cũng nhận xét thầy hiệu phó bình thường hiền và được lòng học sinh, không hiểu sao hôm đấy lại xảy ra sự việc này.
Nói chung, ngành giáo dục Việt Nam cần có một nghiên cứu về tình trạng giáo viên bạo lực với học sinh, cũng như cần có nghiên cứu về tình trạng học sinh đánh nhau trong trường phổ biến, nữ cũng hệt như nam.
Ẩn chứa bên trong hiện trạng này chắc chắn phải có nguyên nhân sâu xa từ nền tảng gia đình-xã hội. Nếu không tìm ra được gốc rễ của vấn đề thì mãi mãi báo mạng chỉ phản ảnh hết vụ bạo lực này đến vụ bạo lực khác mà chả đi đến đâu.