Mới đây, hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke tại nhiều tỉnh thành phố do ông Huỳnh Mạnh Hùng (trú tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đại diện, gởi đơn kêu cứu chính phủ, khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Đơn kiến nghị cho hay sau 2 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke đã kiệt quệ về tài chính, tiếp đó việc bị đình chỉ vì không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy thời gian qua đã đẩy các doanh nghiệp vào bế tắc vì không có giải pháp tháo gỡ.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã phải chịu đựng sự “hành hạ” của nhiều cơ quan chức năng với những trách nhiệm chồng chéo, nên không biết nghe ai, và làm thế nào.
Trước đây, các cơ sở kinh doanh karaoke đều được cấp đầy đủ giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn cứu hộ trước khi Nghị định 136 được ban hành.
Nhưng sau đợt kiểm tra theo Kế hoạch 513 của Bộ Công an (từ tháng Mười năm 2022 đến nay) thì tất cả cơ sở kinh doanh karaoke đều bị dừng hoạt động vì đoàn kiểm tra liên ngành của các tỉnh, thành phố; lực lượng cảnh sát PCCC các tỉnh thành, quận huyện kết luận không bảo đảm an toàn PCCC.
Điều này có nghĩa tất cả hệ thống PCCC các cơ sở kinh doanh karaoke, dù không bị cháy cũng trở thanh “tro bụi” vì “không thích hợp với quy định mới”. Hỏi “có cách nào sửa chữa hệ thống cũ cho phù hợp với quy định mới hay không?” ngay cả cơ quan PCCC cũng không biết phải sửa chữa cơ sở kinh doanh thế nào, sử dụng vật liệu gì cho đúng quy định pháp luật. Thế là mỗi chủ cơ sở mất trắng hàng chục tỷ đồng đầu tư vào hệ thống PCCC, vì nếu muốn làm đúng quy định, phải đập đi xây lại, tốn thêm hàng chục tỷ nữa.
Nhiều doanh nghiệp đã bị rút giấy phép hoạt động vì không thể “phá tiền” như thế, mà họ cũng không còn tiền để “phá” nữa sau 2 năm ngưng hoạt động, nhưng vẫn phải “đóng hụi chết” cho chủ phố.
Hơn nửa năm qua, các doanh nghiệp đã gởi đi rất nhiều lá đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan khác nhau, nhưng hầu như họ chỉ nhận được “sự im lặng đáng sợ”.
Trong khi chờ đợi chính quyền “ban phát ơn mưa móc”, một số chủ cơ sở karaoke sửa chữa tạm bợ cơ sở để làm nhà hàng để không bỏ phí mặt bằng và duy trì hoạt động, mong gỡ lại chút vốn và trả tiền thuê nhà. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chủ quán, việc chuyển sang mô hình kinh doanh mới cũng không mấy thuận lợi bởi ế khách.
Theo số liệu từ công an, cả nước hiện có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh karaoke đã được cấp phép hoạt động trong những năm qua, nay “chết đứng” trước những quy định chồng chéo của chính quyền.
Để sống còn, không còn cách nào khác ngoài chuyện tập hợp những người “cùng khổ” để tạo sức mạnh, “kiến nghị Thủ tướng tìm giải pháp khắc phục”.
Lúc này, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính mới “lên tiếng” bằng văn bản gởi các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT-DL yêu cầu xử lý đơn kiến nghị của tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke các tỉnh.
Thực chất kiến nghị của giới kinh doanh karaoke gởi ông Chính chỉ là một lá đơn mang ý nghĩa “xin xỏ” hơn là đối thoại. Trong đơn có đoạn:
“Chúng tôi xin hứa nếu được sớm khôi phục lại hoạt động thì sẽ không chứa chấp, không dung túng cho các tệ nạn xã hội mà các quán karaoke không có giấy phép, thiếu giấy phép gây ra, làm ảnh hưởng tới các quán karaoke chân chính và đầy đủ các giấy phép”.
Đọc xong, nhiều người ngao ngán giới kinh doanh này lắm. Thay vì dùng luật pháp thưa ra tòa những cơ quan “lộng quyền, tắc trách”, làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ, đòi chính quyền phải bồi thường thiệt hại; họ lại dùng hai đầu gối để “xin và hứa” như một đứa con nít phạm tội phải quỳ xuống xin lỗi cha mẹ và hứa không tái phạm.
Tuy nhiên, nghĩ lại cũng tội cho họ, vì trong thể chế này, khi thưa chính phủ ra tòa thì số phận của họ xem như đã được định hoạt rồi.