Hà Nội âm thầm bồi đắp đảo để đối phó Bắc Kinh

Đảo Sơn Ca chụp từ vệ tinh vào ngày năm 2016 (trái), và năm 2023 (phải) _ (RFA)

Việt Nam đang âm thầm và nhanh chóng bành trướng tại quần đảo Trường Sa. Chỉ trong 5 tháng, hơn 2 km2 đã được bồi đắp thêm, theo số liệu từ Sáng kiến Thăm dò Biển Đông (SCSPI), Bắc Kinh.

Hiện Việt Nam đang kiểm soát 11/29 thực thể tại quần đảo này, một khu vực tranh chấp mà Trung Quốc (gọi là quần đảo Nam Sa) và các bên khác cũng tuyên bố chủ quyền. Với tốc độ này, Việt Nam có thể sớm vượt mặt Trung Quốc về quy mô xây dựng đảo, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực tại Biển Đông.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington, cũng xác nhận xu hướng này. Báo cáo Tháng Sáu của AMTI cho thấy Việt Nam đang trên đà phá vỡ kỷ lục bồi đắp, với khoảng 2.8 km2 được bồi thêm trên 10 thực thể khác nhau từ Tháng Mười Một đến Tháng Năm.

Đây là một dấu hiệu rõ ràng về việc Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động bành trướng tại Biển Đông. Việt Nam đã liên tục mở rộng sự chiếm đóng tại Trường Sa từ những năm 1970, tuy nhiên, tốc độ và quy mô bành trướng đã gia tăng đáng kể từ Tháng Mười 2021. Hiện tại, Việt Nam chiếm đóng nhiều thực thể nhất tại Trường Sa, đang tích cực bồi đắp trên 11 thực thể và không có dấu hiệu dừng lại. Nỗ lực này thậm chí có thể vượt quy mô hoạt động trước đây của Trung Quốc tại khu vực.

Việt Nam dường như đang nhắm đến việc kiểm soát Trường Sa thông qua việc xây dựng đảo, tạo điều kiện cho sự hiện diện thường xuyên của tàu thực thi pháp luật và mở rộng triển khai quân sự. Trước đây, các căn cứ của Việt Nam tại Trường Sa chỉ có khả năng chứa tàu nhỏ. Với việc nâng cấp cảng gần đây, Việt Nam đã có thể duy trì sự hiện diện thực thi pháp luật liên tục trên biển, tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát toàn bộ khu vực.

Đá Len Đao, căn cứ lớn nhất và là thực thể lớn thứ tư của Việt Nam tại Trường Sa, là một ví dụ điển hình.

Theo AMTI, Đá Len Đao rộng 1,66 km2 vào tháng 5 và là căn cứ duy nhất của Việt Nam có khả năng chứa đường băng dài 3 km, đủ cho hầu hết máy bay quân sự. SCSPI ước tính diện tích đá này là 2,66 km2 với một đường băng đang được xây dựng nhanh chóng, đã dài hơn 410 mét. Việc nâng cấp căn cứ gần đây cho phép Việt Nam chứa tàu lớn, từ hàng nghìn đến gần 10 nghìn tấn, tạo tiềm năng cho việc tàu quân sự cập cảng trong tương lai. Các công trình phòng thủ đang được xây dựng bao gồm doanh trại, pháo binh và các cơ sở quân sự khác.

Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá ngầm này và lo ngại về việc xây dựng căn cứ của Việt Nam.

Phản ứng thận trọng và những bất đồng âm ỉ

Cho đến nay, Trung Quốc phản ứng khá kiềm chế trước những hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam tại Trường Sa. Điều này trái ngược hoàn toàn với lập trường cứng rắn hơn của Bắc Kinh đối với Manila. Sự khác biệt này có thể xuất phát từ mối quan hệ chính trị giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc đã duy trì trao đổi chặt chẽ với ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau cuộc cải tổ quyền lực.

Sự kiện Đại tướng Lương Cường, một tướng lĩnh có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, được bầu làm Chủ tịch nước và chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của ông, cùng với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sau diễn đàn tại Lào, thể hiện rõ nỗ lực duy trì và củng cố quan hệ song phương.

Các cuộc gặp cấp cao và kênh giao tiếp cởi mở giữa hai nước đã giúp kiểm soát bất đồng, hạn chế tác động tiêu cực. Đồng thời tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác và giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua đối thoại, thể hiện qua tuyên bố chung về việc kiềm chế hành động làm phức tạp tình hình, khởi động dự án phát triển hàng hải chung và cải thiện tương tác quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào một sự thay đổi căn bản trong chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các hoạt động bành trướng của Việt Nam tại Trường Sa đang ngày càng gia tăng mối lo ngại cho Bắc Kinh. Mặc dù các tuyên bố chung và các hoạt động ngoại giao gần đây cho thấy nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì quan hệ ổn định, nhưng chúng chưa đủ để chứng minh cho một sự chuyển biến thực sự trong quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác tại Biển Đông.

Mặc dù hai bên có đường dây liên lạc để quản lý tranh chấp, nhưng những bất đồng cơ bản vẫn tồn tại. Việc Việt Nam tiếp tục bành trướng có thể khuyến khích các nước khác, như Philippines, làm theo và tạo tiền lệ nguy hiểm cũng như gia tăng thách thức cho Trung Quốc tại Biển Đông. Hành động này bao gồm cả việc tàu Việt Nam có thể xâm nhập vùng biển quanh các đảo do Trung Quốc kiểm soát hoặc tìm cách chiếm đóng các thực thể không người ở tại Trường Sa có thể làm leo thang cạnh tranh trên biển.

Chiến lược cứng rắn của Việt Nam bất chấp phản đối từ Bắc Kinh cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và làm phức tạp thêm nỗ lực của Trung Quốc trong việc duy trì và khẳng định kiểm soát và ảnh hưởng tại Biển Đông.

Vì thế việc giải quyết bất đồng về Biển Đông vẫn là một thách thức, đặc biệt là sau vụ việc Việt Nam cáo buộc Trung Quốc tấn công ngư dân mà Trung Quốc bác bỏ, cho rằng tàu Việt Nam đánh bắt cá trái phép. Các cuộc chạm trán này, dù có thể tạm thời được xoa dịu bằng đối thoại cấp cao, vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó là sự chồng lấn tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể trên biển và tranh chấp về quyền khai thác tài nguyên trong khu vực.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: