Hà Nội: Đề nghị trường học xây thêm hầm, tăng sĩ số học sinh cho đủ chỗ học

Hà Nội hiện có hơn 2,2 triệu học sinh – Ảnh: Lao Động

Trong hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 của Bộ Giáo dục tổ chức ngày 18 Tháng Tám 2023, bà Vũ Thu Hà, phó Chủ tịch Ủy ban TP.Hà Nội, kiến nghị các trường học có sẵn nên xây thêm tầng lầu và tầng hầm để có thêm phòng học.

Lý do theo bà Hà là sĩ số học sinh Hà Nội hiện nay 2.2 triệu em, đang trên đà tăng nhanh, trung bình mỗi niên học tăng 50,000 – 60,000 học sinh các cấp, như vậy phải xây thêm 30 – 40 trường học mới, mà Hà Nội hiện đã hết quỹ đất (?)

Ngày 21 Tháng Tám, Lao Động đã dẫn lại kiến nghị của bà Hà và đặt vấn đề: Tại sao không thu hồi đất ở những nơi dư thừa, lãng phí mà bắt học sinh phải xuống hầm học?

Một phụ huynh là ông H.T.V. (quận Ba Đình, Hà Nội) bực bội: “Chỉ cần nghĩ đến cảnh con tôi phải xuống hầm để học là tôi đã thấy tối tăm, bí bách rồi”.

Một phụ huynh khác mỉa mai: “Thế cũng được, đằng nào cũng nên chuẩn bị hầm tránh bom nếu bị bọn bá quyền xâm lược lần nữa”.

Còn bà N.C., một phụ huynh khác (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì ủng hộ việc xây tầng hầm, nhưng không đồng ý việc nâng tầng cao. Bà C. ví dụ nhiều khu vui chơi, trung tâm thương mại xây nhiều tầng hầm để người dân mua sắm, ăn uống và giải trí, vẫn đầy đủ ánh sáng (?) nên việc cho học sinh học dưới hầm là được (?)

Trong khi đó, trường học mà nâng nhiều tầng cao thì khó bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, học sinh muốn xuống sân chơi phải đi nhiều bậc thang vất vả!

“Bà C. nói y như dưới hầm thì không bị cháy!” Một người tiếp tục mỉa mai “Cháy nhà cao tầng còn đưa thang cứu hỏa lên cứu người được, còn hầm mà cháy, bít cửa thoát hiểm thì đưa cái gì xuống cứu? Bà C. lý luận thế nghe không được”.

Tại sao không lấy lại đất từ những công trình bỏ hoang giữa trung tâm TP.Hà Nội mà phải xây tầng hầm để học sinh học? – Ảnh: VnExpress

Bà N.T.D (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có cái nhìn thực tế hơn, bà đề xuất, thay vì tính đến phương án các trường học phải nâng tầng cao và xây tầng hầm, Hà Nội nên thu hồi những dự án bỏ hoang nhiều năm để xây thêm trường.

Bà nêu ví dụ có nhiều dự án quanh chỗ bà ở đang bỏ hoang cả chục năm nay, chẳng hạn như ba tòa chung cư ở đường Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ, như vậy rất lãng phí!

Mong ước của bà D. xem ra quá xa vời, vì những “khu đất vàng” ấy tuy bỏ hoang, nhưng không dành cho ngành giáo dục xây trường học được. Có lẽ, vì giá trị xây dựng không cao, nên phần “lại quả” rất ít.

Lao Động còn dẫn ý kiến của TS. Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, cho biết có ba yếu tố cần quan tâm khi xây thêm hầm là yếu tố kỹ thuật, giáo dục, kinh tế.

Về mặt kỹ thuật, xây thêm hầm cho trường học đang có sẵn thì cần tính có ảnh hưởng đến kết cấu của công trình đó hay không. Ngoài ra, tầng hầm của một tòa nhà cần bảo đảm an toàn về hệ thống thông gió, ánh sáng cũng như độ an toàn khi trời mưa (có thể ngập hay không).

Yếu tố kinh tế cần xem xét là việc xây hầm có tốn kém hơn việc nâng tầng hay không.

Theo ông Vinh, làm tầng hầm là một phương án phức tạp, vì thế tốt nhất vẫn là thu hồi đất dư thừa của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các công trình đang bỏ hoang để xây trường.

Đề xuất xây thêm tầng hầm và nâng tầng để có thêm phòng học cho học sinh Hà Nội là phản giáo dục – Ảnh: Thanh Niên

Theo các quy định hiện nay, trường học ở Hà Nội xây dựng không được quá năm tầng, trong đó, phòng học chỉ được phép bố trí từ tầng bốn trở xuống. Đây là tiêu chuẩn chung về trường học của các nước trên thế giới: Trẻ em tiểu học và trung học cần được học tập trong những tòa nhà thấp và không gian rộng rãi, để khi có tai nạn hay cháy nổ thì dễ cứu nạn cứu hộ.

Tự dưng giờ đổ cho thiếu quỹ đất (đâu dám nhận do quản lý đô thị kém, khiến nhiều khu đất và tòa nhà bỏ hoang giữa trung tâm thành phố, trong khi thiếu phòng học cho học sinh), rồi các quan chức hè nhau đề xuất giải pháp thiếu an toàn cho học sinh?

Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 25 Tháng Bảy 2023, VnExpress cho biết Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ủng hộ việc trường học ở Hà Nội xây thêm nhiều tầng cao. Một ông bộ trưởng ngành giáo dục mà lại sẵn sàng phá vỡ tiêu chuẩn xây dựng trường lớp, chứng tỏ ông ta không quan tâm gì đến an toàn của học sinh.

Vì quản lý đô thị kém, trọng kinh doanh hơn giáo dục nên mới xảy ra tình trạng thiếu đất để xây trường học – Ảnh: Thanh Niên

Bà phó Chủ tịch TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết Sở GDĐT vừa đưa ra một giải pháp rất phản giáo dục là ép học sinh lại như ép dầu.

Theo trình bày của Sở GDĐT Hà Nội, tiêu chuẩn quốc gia của Bộ GDĐT với trường lớp bây giờ lạc hậu quá rồi, chúng ta nên bỏ đi. Chẳng hạn như các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6m2/học sinh (nội ô) và 10m2/học sinh (ngoại ô); diện tích khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất 25% tổng diện tích sử dụng của trường,… Với tiêu chuẩn như thế thì chẳng ai làm được.

Sau khi bỏ tiêu chuẩn quốc gia này, Sở này đề xuất: Tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh!

Ngay Sài Gòn có sĩ số học sinh 1.7 triệu học sinh cũng cùng chung kiến nghị với Hà Nội về việc thay đổi tiêu chí đánh giá “chuẩn quốc gia” của Bộ Giáo dục, vì như ông Dương Anh Đức, phó Chủ tịch TP.HCM giãi bày: Việc tính diện tích đất/học sinh khiến các khu vực đông dân, mật độ cao ở thành phố gặp khó khăn!?

Hiện mỗi năm, Sài Gòn tăng thêm 10,000-15,000 học sinh ở mỗi độ tuổi, riêng lớp 6 năm nay tăng 42,000 em, khiến các trường trung học cơ sở đều chật vật sắp xếp lớp.

Với cách tính không cần xây thêm trường, nhưng học sinh vẫn có chỗ để học, khả năng cao là 10 năm nữa, trường học sẽ không cần bàn ghế, vì lớp chỉ đủ chỗ đứng cho học sinh đến đứng nghe thầy cô giảng bài thôi.

Nghe nói Bộ GDĐT cũng đang “đón đầu” bằng cách tổ chức làm Bộ tiêu chuẩn trường lớp mới cho niên học từ 2033 trở đi, cho phép tăng 300% sĩ số học sinh dựa trên tiêu chuẩn hiện nay, vì quỹ đất dành cho giáo dục không còn, và nhà nước đang khuyến khích sinh con để gia tăng dân số.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: