Hai quán karaoke Ngân Hà và Paris Club ở Hà Nội vừa bị Ủy ban TP. Hà Nội xử phạt 268 triệu đồng ($11,400) vì vi phạm phòng cháy chữa cháy và phục vụ nhảy múa thoát y.
Thanh Niên ngày 22 Tháng Tư 2023 cho biết: Ủy ban TP.Hà Nội xác định công ty Hà Trung, là pháp nhân quản lý quán karaoke Ngân Hà (81 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) đã vi phạm hành chính hai lỗi: Lỗi không thực hiện văn bản yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, bị xử phạt 8 triệu đồng; lỗi tổ chức cho tiếp viên nhảy múa thoát y tại quán, bị phạt 180 triệu đồng. Tổng số tiền phạt là 188 triệu đồng ($7,997), kèm hình phạt bổ sung tước giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ 21 tháng.
Đồng thời, Ủy ban TP.Hà Nội cũng xác định công ty MEDIA STAR, là pháp nhân quản lý quán karaoke Paris Club (502 Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định pháp luật về PCCC, bị xử phạt số tiền 80 triệu đồng ($3,403) và không áp dụng hình phạt bổ sung. Về hành vi cung cấp dịch vụ múa thoát y tại quán này như Thanh Niên đã phản ảnh, lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý.
Ngoài hai quán trên, quán karaoke Bình Minh (15 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã tháo bảng hiệu, trả lại nhà đã thuê, lực lượng chức năng đã thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke của quán này.
Trong loạt bài Thác loạn tại quán karaoke không bảo đảm PCCC đăng giữa Tháng Giêng 2023, Thanh Niên đã cử nhóm phóng viên điều tra hoạt động của ba quán karaoke này.
Sau gần một tháng điều tra, Thanh Niên cho biết mặc dù hai quán karaoke Paris Club và Ngân Hà treo bảng tạm ngưng hoạt động để sửa chữa theo quy định PCCC nhưng vẫn lén lút đón khách lên các tầng trên (khách muốn vào phải biết “mật khẩu”). Còn tại quán karaoke Bình Minh, dù đang bị đình chỉ hoạt động do vi phạm PCCC vẫn đón khách vào hát karaoke (quán này không có màn múa thoát y).
Tại hai quán Paris Club và Ngân Hà, khi vào phòng khách được giới thiệu một hàng dài tiếp viên để lựa chọn. Nếu chỉ “rót bia, bấm bài” giá 500,000 đồng/người ($21) trong hai tiếng; còn muốn xem tiếp viên múa thoát y và kích dục từ 2 – 2.5 triệu đồng/người ($85 – $106) trong 45 phút. Chưa hết, tiếp viên trong khi múa thoát y và kích dục ở quán Ngân Hà còn chào mời khách mua dâm tại khách sạn với giá 4,000,000 đồng ($170).
Theo quan sát của phóng viên, khi khách đến Paris Club được đưa lên tầng 7 để mua vui thì bốn tầng bên dưới đang ngổn ngang vật liệu để sửa chữa, có cả những người thợ đang mải mê hàn, xì… phát ra nhiều tia lửa nhưng toàn bộ cầu thang bộ để thoát hiểm đều bị đóng và không sử dụng được. Còn ở Ngân Hà, bên ngoài quán không có cửa thoát hiểm thứ hai, xung quanh phòng hát được bao bọc bởi những lớp cách âm bằng mút xốp, không bảo đảm an toàn PCCC vì là vật liệu dễ cháy, tạo khói đen độc hại. Đã vậy, bên trong phòng hát còn đốt nến để khử mùi, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.
Cả ba quán karaoke này hoạt động “chui” vào đúng thời điểm các quán karaoke của Hà Nội phải đóng cửa để kiểm tra các quy định về PCCC.
Sau loạt bài của Thanh Niên, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.Hà Nội, thừa nhận có tình trạng một số cơ sở karaoke không đủ điều kiện an toàn PCCC vẫn hoạt động “chui”.
Ông này cho hay số lượng quán karaoke bị đình chỉ, tạm đình chỉ tại Hà Nội rất nhiều nên không thể bảo đảm 100% các quán có nhân viên canh gác 24/24, mà chỉ trực ở những điểm vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số quán thiết kế nhiều cửa ra vào, việc canh gác sẽ tốn nhiều nhân viên, do vậy các địa phương vẫn phải có trách nhiệm cùng tuần tra, giám sát.
Trung tá Vũ Đức Hưng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC (PC07) Công an TP.Hà Nội, cho biết Hà Nội có 1,548 quán kinh doanh karaoke. Trong số này, có 71 quán chuyển đổi mục đích kinh doanh hoặc giải thể; 415 quán không có đăng ký kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng vẫn có phòng hát karaoke. Số còn lại có đăng ký kinh doanh nhưng đều không bảo đảm an toàn PCCC như các cơ sở không có đăng ký kinh doanh.
Tóm lại, kinh doanh dịch vụ karaoke là loại hình không thể hoạt động lành mạnh ở Việt Nam, vì lành mạnh (chỉ có thuê phòng để hát và bán nước giải khát, không có tiếp viên) làm sao thu hút khách có nhu cầu tăng hai, tăng ba? Thế nên, bất chấp bị phạt, bất chấp việc bị rút giấy phép (rút chỗ này thì lại tìm chỗ khác, chọn tên khác), các quán karaoke chắc chắn sẽ tìm ra cách để đáp ứng nhu cầu của khách, nên màn bị phạt này cũng giống như trò đuổi bắt bán dâm mà thôi.