Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội), bé trai 10 tuổi ở Hải Dương bị đàn ong đốt đã tử vong.
Cháu bé tên B.L. (10 tuổi, ngụ Hải Dương), bị đàn ong vò vẽ bu vào đốt trên đường đi học về, với hơn 100 nốt rải rác khắp cơ thể. Cậu bé được sơ cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển ngay đến bệnh viện Nhi Trung Ương trong tình trạng mệt và khó thở.
Dân Trí chiều 23 Tháng Chín 2023 dẫn nguồn tin bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu Tháng Chín đến nay, bệnh viện tiếp nhận ba trẻ bị ong đốt trong tình trạng nguy kịch, trong đó có bé B.L. không qua khỏi.
ThS.BS Bùi Thị Tho, khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho biết, bé L. được chuyển đến ở giờ thứ 5 sau khi bị đốt trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu tiến triển nhanh chóng.
Bệnh nhi được thở máy, lọc máu liên tục và lọc máu hấp phụ độc chất. Tuy nhiên, tình trạng suy đa tạng tiếp tục diễn biến xấu, suy tuần hoàn nặng hơn, các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ chức năng các cơ quan, nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhi.
Sau hai ngày, bé B.L. tử vong trong bệnh cảnh suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị.
Ngoài ra, có hai trẻ N.T. (12 tuổi) và M.A. (9 tuổi) ở tỉnh Hòa Bình khi đang đi hái ổi cũng bị ong đốt. Trong đó, bé N.T. (12 tuổi) bị đốt khoảng 50 nốt ở vùng đầu mặt cổ. Sau khi bị ong đốt, bé mệt và đau nhiều, được đưa tới cơ sở y tế sơ cứu, rồi chuyển tới bệnh viện tỉnh. Sau một ngày điều trị, bé vẫn sốt cao, khó thở và tiểu sẫm màu nên được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương.
BS Tho nhận định: “Bệnh nhi vào khoa trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng, suy hô hấp do tổn thương phổi nặng, trụy mạch, tổn thương cơ tim, suy gan, suy thận và tiêu cơ vân cấp. Trẻ phải thở máy, chống sốc và chỉ định lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ độc tố, điều trị kháng sinh, giảm đau và hỗ trợ cơ quan tích cực”.
Sau năm ngày điều trị tích cực, N.T. không cần sự hỗ trợ của máy thở cũng như các thuốc trợ tim, vận mạch. Đồng thời, tình trạng tiêu cơ vân và men gan cải thiện rõ, bệnh nhân đã tự tiểu được và được chuyển lên khoa Thận và Lọc máu để tiếp tục điều trị.
Còn bé M.A (9 tuổi) nhập viện với gần 30 nốt đốt, trong đó có 26 nốt trên đầu, một số ở cổ và gáy, cùng với các dấu hiệu mệt mỏi, tiểu sẫm màu. Bệnh nhi được chẩn đoán suy gan, suy thận cấp. Sau nhiều biện pháp điều trị tích cực, trẻ đã tỉnh táo, men gan giảm, chức năng thận cải thiện, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Trước đó, ngày 2 Tháng Chín 2023, có bốn mẹ con cùng bị ong vò vẽ đốt phải nhập viện, trong đó người mẹ bị nặng nhất.
Trao đổi với Pháp Luật hôm 4 Tháng Chín, ông Nguyễn Văn Sự, chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) xác nhận bốn mẹ con bị ong đốt là người địa phương.
Người mẹ là bà H.T.L. (40 tuổi, ngụ xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, Quảng Nam) dẫn theo ba con nhỏ (8 – 5 và 3 tuổi) về nhà mẹ ruột ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh chơi. Khi về đến cổng nhà mẹ ruột, bốn mẹ con bà L. bị đàn ong vò vẽ bay vào đốt. Trong đó, con gái nhỏ nhất (ba tuổi) và con trai giữa (năm tuổi) bị đốt hơn 50 mũi, con gái đầu (tám tuổi) bị đốt 23 mũi.
Các nạn nhân ngay sau đó được người dân đưa đi cấp cứu. Người mẹ bị hôn mê, đang phải lọc máu tại bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, còn ba đứa con của bà được chuyển đến bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng điều trị.
Theo ông Sự, gia cảnh của 4 mẹ con bà L. rất khó khăn, cộng đồng mạng xã hội và nhiều nhà hảo tâm đang quyên góp để hỗ trợ cho gia đình.
Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, bệnh viện Nhi Trung ương, tai nạn do ong đốt thường gặp ở trẻ, đặc biệt là các cháu sinh sống tại các vùng nông thôn, vùng núi.
Tùy theo loài ong mà nọc sẽ độc ít hay nhiều, có loại gần như không độc (ong mật) nhưng cũng có loại gây tử vong chỉ với 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất (ong bắp cày), ong bầu.
Ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, cần xử lý theo các bước sau:
– Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương.
– Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Nếu có thể hãy sát khuẩn bằng dung dịch cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi nước đá khoảng 10 phút.
– Nếu có nhiều vết đốt; bị đốt vào các vùng đầu – mặt – cổ; phù nề lan nhanh hoặc sốt, mệt mỏi, khó thở; nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu; dấu hiệu dị ứng hoặc trước đây từng bị dị ứng với ong đốt, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt… phải đưa ngay đến cơ sở y tế, không nên trì hoãn để thực hiện các bước sơ cứu tại nhà.
PGS Tuấn khuyến cáo, các gia đình không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm để phòng ngừa ong đến làm tổ.
Khi đi vào rừng, vào vườn, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo màu sặc sỡ hoặc thoa các loại sữa dưỡng thể có mùi ngọt, có thể thu hút các loài ong. Nên cho trẻ đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi đi ra vườn hoặc khi ở trong rừng để tránh côn trùng đốt.
Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động.