Trụ sở UBND xã Tiên Tiến (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) mới xây dựng xong hồi năm 2018, đến Tháng Ba 2020 bị bỏ hoang, sau khi Hải Phòng sáp nhập đơn vị hành chính xã Tiên Tiến và Quyết Tiến làm một.
Trụ sở mới của hai xã nhập một dời về trụ sở cũ của xã Quyết Tiến. Thế nên, dù mới sử dụng chưa đến hai năm, trụ sở UBND xã Tiên Tiến nằm trên mảnh đất khoảng 4,000m2 cửa đóng, then cài, không được sử dụng. Đáng nói, dãy nhà hai tầng ở trụ sở này vẫn còn mới mẻ, chỉ mới được sử dụng từ năm 2018 nhưng đã bị bỏ hoang.
Sau gần ba năm bị bỏ hoang, cổng trụ sở khoá trái, chỉ có số điện thoại người trông coi để người dân liên hệ khi cần. Trong khi đó, trụ sở UBND xã Quyết Tiến rộng hơn nhưng có phần cũ kỹ hơn, lại phải xây thêm một dãy nhà ba tầng phía sau nhà văn hóa.
Lao Động ngày 9 Tháng Mười 2023 dẫn thông tin từ UBND xã Quyết Tiến cho biết hồi Tháng Hai 2020, TP.Hải Phòng sáp nhập 12 xã, phường tại bốn quận huyện, trong đó có xã Tiên Tiến và Quyết Tiến ở huyện Tiên Lãng sáp nhập thành xã Quyết Tiến. Từ Tháng Ba 2020 đến nay, đơn vị thực hiện sáp nhập, di chuyển người và thiết bị về trụ sở UBND xã Quyết Tiến để làm việc.
Trước khi sáp nhập, chính quyền đã lấy ý kiến người dân về việc lựa chọn trụ sở và đa số chọn trụ sở xã Quyết Tiến vì khu vực này đông dân hơn, thuận tiện hơn. Mặt khác trụ sở xã Tiên Tiến nhỏ hơn, công trình nhà văn hóa bên đó cũng sẽ phải xây lại vì đã cũ (?)
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Quyết Tiến, việc sáp nhập khiến trụ sở xã Quyết Tiến cũng không đủ chỗ ngồi nên phải xây thêm dãy nhà ba tầng từ năm 2021 và sắp đưa vào sử dụng (!)
Trước tình trạng trụ sở phía xã Tiên Tiến (cũ) bỏ không nhiều năm gây lãng phí, UBND xã Quyết Tiến đã có đề xuất sử dụng nơi này làm trụ sở Công an xã, tuy nhiên như vậy lại làm cho trụ sở UBND xã và trụ sở Công an cách xa nhau, không thuận tiện cho người dân (?)
Tóm lại, mỗi khi sáp nhập các đơn vị hành chính thì Việt Nam sẽ bỏ hoang một nơi, vừa lãng phí vừa tốn thêm tiền thuê người trông coi, dọn dẹp vệ sinh chỗ cũ (nếu không thì thành nơi trồng rau, nuôi gà), chả riêng gì Hải Phòng!
Mà tình trạng “khắc nhập, khắc xuất” các xã/phường/quận/huyện/tỉnh/thành của Việt Nam thì liên miên, kéo dài từ thời bao cấp đến thời mở cửa, tóm lại cứ rảnh là bày ra chuyện để làm!
Ngày 29 Tháng Tám 2023, ông Phạm Minh Chính thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam đã yêu cầu sớm khắc phục tình trạng bỏ không, một cơ quan 2-3 trụ sở làm việc sau sáp nhập huyện xã. VnExpress dẫn công điện của ông thủ tướng cho biết sau khi sáp nhập huyện xã giai đoạn 2019-2021, vẫn còn vướng mắc trong xử lý tài sản, trụ sở làm việc.
Để khắc phục, ông Chính yêu cầu các tỉnh thành rà soát, đánh giá hiện trạng trụ sở công chưa sử dụng hiệu quả để có phương án sắp xếp và báo cáo trước ngày 30 Tháng Chín 2023.
Đồng thời yêu cầu các bộ phối hợp với địa phương lập phương án sắp xếp trụ sở tại những nơi dự kiến sáp nhập giai đoạn 2023-2030!
Đấy, chưa giải quyết xong mớ tồn trụ sở của giai đoạn 2019-2021 thì tiếp tục sáp nhập giai đoạn 2023-2030!
Giai đoạn 2019-2021, Việt Nam đã sắp xếp 21 đơn vị cấp huyện và 1,056 đơn vị cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố. Qua đó, Việt Nam đã giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã. Việc sắp xếp giúp giảm 3,437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, giảm chi ngân sách nhà nước 2,000 tỷ đồng!
Thế có bao nhiêu trụ sở bỏ hoang sau khi giảm 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị cấp xã, gây lãng phí ngân sách bao nhiêu tiền (nhất là khi vừa xây xong, mới sử dụng thì bị bỏ hoang như trụ sở UBND xã Tiên Tiến ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng)?
Công điện của ông thủ tướng không đề cập và VnExpress cũng không có thông tin!
Chưa giải quyết xong mớ tồn trụ sở cũ, giai đoạn 2023-2025, Việt Nam buộc 33 đơn vị cấp huyện và 1,327 đơn vị cấp xã phải sáp nhập!
Chắc chắn số tồn mớ trụ sở cũ sẽ tăng lên, trong khi nhiều người nghèo không có nổi nhà để ở.
Báo Giao Thông ngày 5 Tháng Chín 2023 đã “soi” hàng loạt trụ sở cơ quan bị bỏ hoang do dư thừa sau sáp nhập, gây lãng phí lớn.
Chỉ kể một ví dụ trong hàng loạt ví dụ mà Báo Giao Thông điểm danh. Đó là trụ sở UBND quận 9 (cũ), mặt tiền đường song hành xa lộ Hà Nội, thuộc phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức, Sài Gòn.
Trụ sở này được đầu tư xây mới gần 200 tỷ đồng ($8,196,000), mới sử dụng giữa năm 2019, đến Tháng Giêng 2021 thì bị bỏ hoang vì quận 9 bị sáp nhập với quận 2 và quận Thủ Đức thành TP.Thủ Đức.
Hiện cánh cổng bên ngoài đã rỉ sét, bên trong tòa nhà sáu tầng đồ sộ (search Google không tìm thấy hình ảnh của trụ sở này vì không báo nào dám chụp, ngay cả Báo Giao Thông) im lìm, đóng cửa, như nhà hoang.
Cách trụ sở đồ sộ này không xa, trụ sở Ban Dân vận, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quận Thủ Đức trước đây cũng bị bỏ hoang, chưa được sử dụng vào mục đích khác.
Tòa nhà này được xây dựng với quy mô một trệt một lầu nằm trên tuyến đường Đoàn Kết. Do không sử dụng đúng chức năng và bảo trì, trụ sở này nhìn bên ngoài còn hoang tàn hơn trụ sở UBND quận 9.
Tương tự, Kho bạc Nhà nước quận 9 cũ nằm trên mặt tiền đường Lò Lu, phường Phú Hữu, được xây dựng trên khu đất cả ngàn mét vuông, quy mô một trệt ba lầu hiện cũng đang để trống.
Sau khi sáp nhập quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức thành TP.Thủ Đức thì trụ sở của quận 9 và quận Thủ Đức trở thành hoang phế như vậy đó!
Dân chưa thấy lợi ích của sự sáp nhập ba quận thành một TP.Thủ Đức là gì, thì đã thấy sự lãng phí ngân sách – tiền thuế của dân – một cách khủng khiếp.