Hậu quả của chính sách “mổ gà lấy trứng” và “đào Nam, đắp Bắc”

“Sức mạnh kinh tế” Việt Nam vẫn lệ thuộc vào công nghiệp gia công cho các tập đoàn nước ngoài (ảnh: TTXVN)
Thời Sự
Thời Sự
Hậu quả của chính sách “mổ gà lấy trứng” và “đào Nam, đắp Bắc”
Loading
/

Trái với những nhận định lạc quan quá mức của giới lãnh đạo Việt Nam, rằng nền kinh tế sẽ bật như lò xo sau đại dịch và GDP 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng 7.5%…

Thế nhưng, hết Quí I-2023, GDP Việt Nam được ghi nhận tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn nhiều: 3.32%. Mức tăng trưởng này thậm chí còn thấp hơn con số 3.82% của Quí I-2020 – năm thực hiện chính sách phong tỏa “ngăn sông, cấm chợ” để truy tìm… virus.

Nếu nhìn kỹ hơn bức tranh kinh tế u ám, có thể thấy Việt Nam đã thực sự trượt dài vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ. Hơn 60,000 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng kinh doanh trong ba tháng đầu năm 2023; hơn 36,000 lao động ở Bình Dương thất nghiệp; tiểu thương chợ An Đông đóng cửa vì giá thuê sạp cao. Trong ba tháng, cả Sài Gòn chỉ bán được 19 căn nhà liền thổ; 54 doanh nghiệp bất động sản hoãn nợ trái phiếu đến hạn… Tại Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn ven biển bỏ hoang, đóng cửa treo biển sang nhượng

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2023 giảm xuống còn 47,7 điểm từ mức 51,2 điểm hồi tháng 2. S&P Global đánh giá, mặc dù các điều kiện kinh doanh suy giảm ít hơn so với khoảng thời gian cuối năm ngoái đầu năm nay, nhưng sự suy giảm này vẫn tương đối mạnh.

….

Trong đó, tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần thứ tư trong vòng 5 tháng trở lại đây. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng ghi nhận giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm. Kết quả, lượng công việc tồn đọng đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2022. (Trích “PMI tháng 3 giảm còn 47,7 điểm”, nguồn: cafef.vn ngày 3 tháng Tư, 2023)

Đồ họa của Tổng cục Thống kê Việt Nam

Khoan nói đến các chỉ số kinh tế vĩ mô, hãy làm một phép cộng đơn giản về số lượng doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường từ 2021 cho tới thời điểm hiện tại. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2021, có khoảng 100,000 doanh nghiệp đóng cửa. Năm 2022, hơn 145,000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Riêng ba tháng đầu năm 2023 là hơn 60,000 doanh nghiệp. Tức chỉ hơn hai năm, số doanh nghiệp đóng cửa tương đương gần phân nửa số doanh nghiệp tư nhân. Tất nhiên, ai đó sẽ nói số doanh nghiệp thành lập mới sẽ bù đắp cho số doanh nghiệp đã “một đi không trở lại”.

Tuy nhiên, không cơ quan thống kê nào cho biết bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp mới thành lập có phát sinh hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất thực sự; và số doanh nghiệp “chết chưa kịp chôn”, lặng lẽ rời thị trường là bao nhiêu. Con số 300,000 doanh nghiệp dừng hoạt động và làm thủ tục phá sản trong hơn hai năm qua là con số tương đối chính xác, phản ánh rõ ràng thực trạng của nền kinh tế và có thể thấy rõ qua bộ mặt tiêu điều của các đô thị lớn phía Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ.

Các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng này. Thiếu nguồn lực dự trữ và thị trường suy sụp trong một thời gian dài cùng các yếu tố bất định về lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao…, khiến phân nửa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phá sản là kết quả tất nhiên.

Đó là một tổn thất to lớn và hậu quả về dân sinh là rất tồi tệ. Mặc dù, chỉ đóng góp khoảng 10% GDP quốc gia, nhưng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nội địa góp phần tạo ra ngót 1/3 lượng công ăn việc làm, chủ yếu trong khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, nó có một vai trò rất lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Khi phân nửa số doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ đóng cửa, có nghĩa hàng triệu lao động thất nghiệp.

Con số hơn bốn triệu người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần trong năm năm qua có lẽ là con số thống kê rõ ràng nhất cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dân sinh mà Việt Nam đối mặt.

“Đào Nam, đắp Bắc”

Năm 2022, giới lãnh đạo Việt Nam ngất ngây với con số tăng trưởng 8.02% và họ tảng lờ đi 145,000 doanh nghiệp phá sản và rời khỏi thị trường trong đó có cả những “đại bàng” đã gục ngã bởi những biến động khốc liệt của thị trường quốc tế. Các chỉ dấu cho một cuộc suy thoái đã trở thành hiện thực khi nhu cầu của những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU giảm mạnh và hàng ngàn doanh nghiệp FDI cắt giảm hàng trăm ngàn lao động ngay trong thời gian cuối năm.

Trong khi đó, các cơ quan thuế Việt Nam đã miệt mài với chính sách “truy cùng, thu tận”.

Ngành thuế báo cáo: Tính tổng quát, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm qua mà Quốc hội giao cho ngành thuế là 1.174.900 tỷ đồng. Kết quả tính đến ngày 31-12-2022, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý đạt 1.515.410 tỷ đồng, đạt 129% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,6% so với cùng kỳ năm 2021” – Báo Pháp Luật ngày 12 Tháng Giêng 2023 trong bài “62/63 tỉnh thành thu ngân sách vượt dự toán” cho biết.

Người nghèo dĩ nhiên luôn là thành phần bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất của các biến động kinh tế (ảnh: Thanh Niên)

Bất chấp việc hàng triệu lao động bị mất việc, thất nghiệp, bộ máy quan liêu của nhà nước Việt Nam không quên thu cả những đồng tiền “hỗ trợ mất việc” mà doanh nghiệp cho người lao động như 6,000 công nhân của Pouchen vừa qua. Thay vì giảm thuế phí cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo chính sách thuận lợi cho các tỉnh thành để phục hồi sức sản xuất, dịch vụ sau hai năm kiệt quệ, nhà nước Việt Nam đã thực hiện một chính sách ngắn hạn hơn rất nhiều: Giết gà lấy trứng!

Những “con gà” đầu tiên bị mổ phanh để lấy trứng trong những năm qua phải kể đến như Sài Gòn, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ba thành phố phía Nam này đóng góp hơn 1/3 thu ngân sách và GDP, chiếm phân nửa lượng kiều hối toàn quốc trong nhiều thập niên. Chỉ riêng Sài Gòn, năm 2022, thu ngân sách đã đạt 471,562 tỷ đồng. Hơn 80% trong số nguồn thu này được nộp về Trung ương. Thành phố chỉ được giữ lại 18% tổng thu thu ngân sách. Nguồn thu này chỉ đủ để chỉ trả vận hành bộ máy hành chính cồng kềnh và nhũng lạm. Trong khi đó, hạ tầng các đô thị phía Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Biên Hòa, mạng lưới giao thông đường bộ kết nối các tỉnh miền Tây vô cùng yếu kém.

Cả miền Nam chỉ có chưa tới 200 km đường cao tốc nếu tính cả tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sắp được thông tuyến tới đây. Chưa kể đến sự quá tải và xuống cấp về hạ tầng y tế, giáo dục của các tỉnh phía Nam. Đó là kết quả của chính sách “đào Nam, đắp Bắc” nhất quán kể từ 1975 cho tới nay của Hà Nội.

Báo cáo kết quả tăng trưởng GRDP của các tỉnh thành mới đây cho biết GRDP (Gross Regional Domestic Product) của Sài Gòn chỉ tăng 0.7%, Bình Dương là 1.2% và Bà Rịa Vũng Tàu “tăng trưởng” âm -4.8%. Cả ba tỉnh thành này đều từng là những cực tăng trưởng của khu vực kinh tế miền Nam. Mức tăng trưởng thấp tới mức ông Bí thư Nguyễn Văn Nên ngỡ ngàng “Không ngờ GRDP tăng thấp như thế!”. Thực ra điều này đã được giới chuyên gia “phản động” cảnh báo từ lâu về cuộc “khủng hoảng kép”. Nếu giới chức chính quyền chịu rời phòng lạnh xuống cơ sở để “vi hành”, chắc sẽ không bị bất ngờ như ông bí thư Nên.

Do kinh tế trong tình trạng tê liệt và suy thoái, tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công trở nên rất thấp. Quý I-2023, Sài Gòn chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công và hầu như tất cả các “giải pháp” đều chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, chính quyền địa phương các nơi lại chỉ xử lý tình thế bằng những “giải pháp” vụn vặt, chẳng hạn phân lô vỉa hè cho thuê ở Hà Nội; Bán vé vào thăm phố cổ ở Hội An; Tăng giá điện để bù đắp cho khoản lỗ hơn $4 tỷ; Tăng giá vé máy bay; Tăng phí trước bạ xe hơi ở Hà Nội, Sài Gòn…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: