Thay vì giảm số lượng cán bộ, giảm các chức danh để đáp ứng với chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy tổ chức thì cơ quan Chính Phủ CSVN tăng thêm hao phó thủ tướng. Giới quan sát cảnh báo mối nguy hình thành nhóm lợi ích mới, phân chia quyền lực theo phe phái mới ngay tại trụ sở Chính Phủ.
Vào ngày 18 Tháng Hai, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra ở Hà Nội, Quốc Hội CSVN khóa XV thông qua nghị quyết phê chuẩn, bổ nhiệm thêm hai phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021- 2026, là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Mai Văn Chính.
Tính đến hiện tại bộ máy Chính Phủ CSVN nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi tinh gọn còn 14 bộ và ba cơ quan ngang bộ. Chính phủ Phạm Minh Chính hiện có tổng 25 thành viên gồm: thủ tướng, bảy phó thủ tướng, 14 bộ trưởng và ba thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Ông Bùi Thanh Sơn vừa là phó thủ tướng, vừa kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại Giao.
Đảng, nhà nước và Chính Phủ CSVN đang hô hào, ráo riết thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy tổ chức từ Trung Ương xuống tới địa phương, thay vì giảm số lượng cán bộ-công chức, giảm các chức danh, các chức vụ phó hoặc cấp trung gian thì nay lại tăng thêm hai phó thủ tướng vào cơ quan Chính Phủ, mâu thuẫn với chủ trương.
Một vài ý kiến chia sẻ ủng hộ nhà cầm quyền CSVN cho rằng, việc tinh gọn bộ máy là loại bỏ hoặc sáp nhập một số cơ quan, tổ chức lại với nhau, dẫn đến công việc ở một số bộ mới thành lập trong cơ quan Chính Phủ sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn nên rất cần thêm nhân sự điều phối, quản lý và điều hành. Tăng thêm phó thủ tướng là cân nhắc mang tính vĩ mô, đặt yếu tố điều hành và quản lý lên trên yếu tố số lượng.
Phản biện lại chia sẻ này, giới quan sát chính sự nói, đặt trường hợp việc tăng số lượng phó thủ tướng nhưng không đem lại hiệu quả trong các hoạt động của cơ quan Chính Phủ, nhiều người nhưng chất lượng không tinh, không tham mưu được cho thủ tướng những chính sách, chủ trưởng đúng đắn. Hậu quả sẽ là làm mất đi ý nghĩa tinh gọn, làm xấu hình ảnh và gia tăng phức tạp tại cơ quan Chính Phủ, đặc biệt ngay tại đầu não trụ sở Chính phủ.
Giới quan sát tình hình chính sự Việt Nam còn cảnh báo, việc Chính Phủ CSVN có quá nhiều phó thủ tướng sẽ đứng trước nguy cơ tiêu cực nhiều hơn tích cực, đang biểu hiện mối nguy của việc hình thành nhóm lợi ích mới, phân chia quyền lực theo phe phái mới ngay tại trụ sở Chính Phủ. Bằng chứng là Chính Phủ tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc có đến sáu phó thủ tướng đều bị kỷ luật. Sau khi ông Vương Đình Huệ rời Chính Phủ thì ông Lê Minh Khái được bổ sung vào.
Các vụ án lớn bị phanh phui hoặc đưa ra xét xử gần đây ở Việt Nam như vụ án “Kít test COVID-19 Việt Á” hay vụ án “Chuyến bay giải cứu,” nhiều quan chức cấp cao trong nội các Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc như: Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long, và cựu Chủ Tịch Hà Nội ông Chu Ngọc Anh… đã liên hệ, cấu kết với nhau, hình thành phe nhóm lợi ích ngay tại đầu não Chính Phủ CSVN hòng trục lợi, tham nhũng chính sách, tài nguyên và ngân sách Nhà nước gây phẫn nộ dư luận.
Chưa kể với nội các Chính Phủ Phạm Minh Chính hiện tại, trong bảy phó thủ tướng gồm: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Lê Thành Long, Nguyễn Chí Dũng và Mai Văn Chính, có đến ba phó thủ tướng đồng hương Hà Tĩnh là các ông Trần Hồng Hà, Lê Thành Long và Nguyễn Chí Dũng đủ hình thành “phe nhóm lãnh đạo Hà Tĩnh” ngay tại trụ sở Chính Phủ, gây áp lực lên những chính sách, chủ trương, đưa ra từ ông Chính bằng “sức mạnh quá bán phiếu tín nhiệm” hay phiếu biểu quyết, hoặc không biểu quyết.
Cũng cần phải nói thêm, trong quá khứ lúc ông Trần Hồng Hà nắm chức bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường đã có bảng thành tích “đen,” từng bị Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương CSVN nêu vi phạm, khuyết điểm. Trong khi đó, quyền giám sát Chính Phủ, giám sát thủ tướng và các phó thủ tướn, có nhiều cơ quan, trong đó có Quốc Hội, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng.
Nhìn thì khá chặt chẽ, nhưng nhiều cơ quan cùng giám sát, lại phát sinh tình trạng quản lý chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng, “cha chung không ai khóc,” thiếu hiệu qủa, thiếu minh bạch, nhiều lỏng lẻo và bất cập. Minh chứng là nhiều vụ án tham nhũng kinh tế, đất đai tại Việt Nam trước khi bị cơ quan chức năng phanh phui đều được giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhưng rồi “con voi cũng chui lọt lỗ kim.”
Bản thân Quốc Hội CSVN là cơ quan giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Chính Phủ CSVN, giám sát luôn cả thủ tướng, phó thủ tướng và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cũng đang cho thấy nhiều mặt yếu kém, chưa đủ mạnh để đưa ràng buộc và chế tài đối với các thành viên Chính Phủ trong quá trình thực hiện những cam kết khi chất vấn.
Ví dụ dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông ở Hà Nội, trải qua hai đời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính, ba đời bộ trưởng Bộ Giao Thông & Vận Tải, là Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và Nguyễn Văn Thể đã có hàng chục phiên họp giải trình những khuất tất của dự án trước Quốc Hội. Kết quả, dự án vẫn chậm tiến độ đến 10 năm, đội vốn từ hơn 8,770 tỷ đồng lên đến hơn 18 ngàn tỷ đồng, trở thành vết nhơ giữa lòng Hà Nội.
Như vậy, việc nội các Chính Phủ Phạm Minh Chính có đến bảy phó thủ tướng hoặc thời gian tới bổ nhiệm thêm nhiều Phó Thủ Tướng mới nếu đem lại hiệu quả công tác quản lý và điều hành, những người có năng lực đưa bộ máy Chính Phủ hoạt động trơn tru hơn thì không vấn đề gì. Nhưng nghịch cái, từ hiện thực ở Việt Nam với cơ chế độc tài cầm quyền còn thiếu minh bạch, thiếu công bằng và thiếu kiểm soát độc lập đang cho thấy mối nguy luân phiên hình thành phe nhóm lợi ích, phân chia quyền lực là quá lớn, đi ngược với mục tiêu tinh gọn bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế. Viễn cảnh từ Chính Phủ khiến lòng dân thêm lung lay và một xã hội thêm nhiều bất ổn đang quá hiện rõ.