Học nhiều quá, từ sáng sớm đến nửa đêm, nhiều học sinh Việt Nam tham gia vào các group “Áp lực học tập”, “Hội anti áp lực học tập từ gia đình”… để tâm sự, chia sẻ về những áp lực mà bản thân đang phải gánh chịu.
Video của Dân Việt ngày 4 Tháng Ba 2023 đã đề cập đến hiện tượng này với lời mở đầu là tiếng than của một học sinh trên group cộng đồng “Áp lực học tập”: “Tôi mệt mỏi quá rồi, tôi chỉ muốn được giải thoát, có cách nào nhẹ nhàng không mọi người ơi?”. Điều đáng lo là không chỉ một em học sinh có câu hỏi đó, có em viết: “Có cách nào mà chết không đau chứ em áp lực lắm rồi ah”; em khác thì “dường như tôi muốn đi với ông bà nội, lúc đó đầu óc tôi sẽ được thoải mái, nhưng tôi lại sợ đau, phải làm sao?”…
Dân Việt cho biết, thành viên của những nhóm trên đều là học sinh, tuổi từ 12 – 17 tuổi, đang gánh chịu nhiều áp lực về học tập và gia đình. Trung bình một ngày mỗi nhóm có vài chục bài viết với rất nhiều bình luận, có bình luận tỏ ra thông cảm vì cùng hoàn cảnh, cũng có bình luận an ủi, động viên, khích lệ, nhưng đáng sợ hơn, có bình luận kiểu thách thức: “Muốn làm gì thì làm ngay đi, lên FB làm gì, phèn!”.
Một nữ sinh trường trung học phổ thông ở Sài Gòn chia sẻ với phóng viên: “Em phải học từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm, đầu đau như búa bổ, tụt huyết áp, khó thở. Thế nhưng bố mẹ cứ so sánh em với bạn em, bảo em sao học mãi không bằng nó. Làm sao để bố mẹ hiểu em không muốn học nữa, em mệt mỏi lắm rồi ạ?”.
Một nam sinh ở Kiên Giang cho biết đang học lớp 7 nhưng chương trình học quá nặng, phải học thêm đủ thứ từ sáng đến tối, em căng thẳng và áp lực với việc học và chỉ mong được giải tỏa tâm trạng, được ba mẹ lắng nghe…
Dân Việt dẫn lời ông Mai Việt Đức – Chuyên viên tâm lý ở Trung tâm Tâm lý 247 (Hà Nội) cho biết trong ba năm trở lại đây tiếp gần 800 học sinh có sức khỏe tâm thần bị sa sút vì áp lực học tập. Các em có chung nỗi lo lắng về tương lai, áp lực về kỳ vọng của gia đình quá lớn, cộng thêm áp lực ganh đua với bạn bè để có thành tích cao hơn, với quan niệm “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”… Chuyên viên này cũng cho rằng tính cách, nhận thức và hành vi của các em cũng góp phần làm sức khỏe tâm thần của các em suy giảm.
Khi bị căng thẳng vì áp lực học tập, học sinh thường tìm đến mạng xã hội để chia sẻ, với mong muốn được động viên, khích lệ, thế nhưng có khi chỉ nhận về những lời chế giễu, thậm chí có video hướng dẫn những hành vi cực đoan, hậu quả là tâm lý các em càng khủng hoảng, suy sụp, từ đó dẫn đến suy nghĩ muốn tìm cách giải thoát. Nhẹ thì các em phá phách cãi lời cha mẹ, nặng hơn thì các em rủ rê nhau sử dụng chất kích thích, nặng hơn nữa sẽ tự làm đau mình, gây tổn hại tới bản thân mà đỉnh điểm là tự sát.
Tạp chí Tâm Lý Học ngày 2 Tháng Hai 2023 cũng đề cập “Thực trạng áp lực học tập hiện nay và những hậu quả khôn lường”, trong đó nêu rõ nguyên nhân: “Với nền giáo dục đặt nặng thành tích và điểm số, không ít học sinh – sinh viên phải đối mặt với áp lực học tập và căng thẳng. Về lâu dài, tình trạng này khiến trẻ mất đi niềm vui, sự hào hứng khi học tập và có nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý, thể chất”.
Cũng tạp chí này cho biết, khoảng hơn 80% học sinh và sinh viên Việt Nam phải đối mặt với áp lực học tập, phổ biến ở học sinh cấp 2, cấp 3 và đại học. Khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, hơn 75% học sinh cấp 3 và sinh viên đại học không ngủ đủ 8 tiếng/ngày vào những đợt thi cuối kỳ, chuyển cấp. Ngoài điểm số, nhiều bậc phụ huynh còn áp đặt con cái phát triển năng khiếu và tham gia các phong trào thi đua, khiến học sinh phải học liên tục, không được ngủ nghỉ đầy đủ.
Dưới bài viết này, nhiều học sinh đã để lại bình luận. Học sinh Mai Linh viết: “8 điểm có phải là điểm kém không mọi người, cố gắng lắm rồi chỉ được từng đó thôi nhưng lúc nào ba mẹ cũng bảo là phải đạt điểm 9, 10, nhìn con người ta mà học”. Học sinh Việt An trả lời:
“Sao giống tôi thế, mệt mỏi thật sự. Nhiều khi ước được như bạn thân của tôi, nhà nghèo nhưng được bố mẹ quan tâm. Còn bố mẹ mình chỉ mua điện thoại, iPad mới nhất cho rồi bảo học giỏi đi cái gì cũng có”.
Beo Map tiếp lời: “Tôi chỉ muốn ở trường thôi, đi học có bạn bè còn vui vẻ, về nhà là hỏi hôm nay được mấy điểm, tao cấm mày bùng học đấy mà nào có bùng học lần nào”. Tuấn Minh buồn bã: “Tôi thi đậu hay đạt được gì thì cũng không được gì ngoài việc bố mẹ bảo phải cố gắng hơn nữa”.
Bạn Anh Tuan đúc kết: “Bây giờ ai cũng cần thành tích, thầy cô muốn đạt được thành tích cũng cần đến thành tích của học sinh, bố mẹ muốn nở mày nở mặt cũng cần thành tích của con… áp lực quá nhiều”.
Vào group “Áp lực học tập” và group “Hội anti áp lực học tập từ gia đình”, đọc vài status của các em học sinh mới thấy quá thương tụi nhỏ. Tâm lý chán chường, muốn giải thoát là có thật ở nhiều học sinh đang phải học “vì mặt mũi của người lớn”: Bố mẹ muốn con học giỏi để có thành tích đem khoe với đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè; thầy cô và nhà trường cũng cần thành tích từ học sinh để không bị tụt điểm thi đua. Một thế hệ học cho ai đó chứ không phải cho mình, thật quá đáng thương.
Và, xin trích một trong những status đáng buồn nhất, từ nick Tứ Ka, admin của một group học sinh, viết ngày 1 Tháng Tư 2022, nhân cái chết (tự tử từ tầng 28 chung cư cao cấp ở Hà Nội) của một nam sinh 16 tuổi trường chuyên: “Một ngày cá tháng tư đen, ảm đạm và đau lòng.
Cá tháng tư là ngày người ta đùa nhau cho vui bằng những tin tức giả. Nhưng năm nay là một tin tức thật, bàng hoàng đến nhói lòng. Ad không đăng lại clip/hình ảnh đau lòng ấy, nó thật sự ám ảnh. Tầng 28 là độ cao hơn 80m chứ ít đâu, còn gì là thân thể.
Áp lực lớn đến cỡ nào, buồn nản đến cỡ nào, bí bách ngột ngạt đến cỡ nào mới khiến một thiếu niên 16 tuổi dám (can đảm) nhảy xuống dưới. Thật sự phải dùng từ can đảm, bởi không dễ như nhảy xuống hồ bơi đâu.
Không phải là xúc động nhất thời sau 1 trận cãi vã, mà chắc chắn là một quá trình dài của áp lực, căng thẳng mệt mỏi thể lý lẫn tinh thần. Cộng với sự cô đơn thì trầm cảm là điều không tránh khỏi. Và khi ấy, những suy nghĩ tiêu cực sẽ tràn tới triền miên…
Cha mẹ luôn yêu thương và quan tâm con mình (chắc chắn rồi, dĩ nhiên cũng có một vài ngoại lệ). Nhưng yêu thương và quan tâm không đúng cách không những không đem lại cuộc sống hạnh phúc đích thực mà có thể mang tới nỗi bất hạnh cho con và có khi cho chính cha mẹ nữa. Cầu mong em an nghỉ !”
Chợt hình dung tâm trạng của bố mẹ nam sinh ấy khi phải đứng ra chôn cất con trai mình, thật rùng mình.