Hội thánh truyền giáo Phục Hưng bị công an gửi giấy triệu tập lần 4

Bà Võ Xuân Loan (bìa trái), cùng các tín hữu trong một đợt thiện nguyện năm 2020.

Bà Võ Xuân Loan, người đại diện của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng cho biết là bà đã nhận giấy mời triệu tập lần thứ 4 (ngày 8-11-2021) của công an quận Gò Vấp. Theo nội dung ghi, thì để điều tra làm rõ vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, phát hiện ngày 26-5”. Tuy nhiên, bà Võ Xuân Loan đã từ chối tiếp nhận cuộc gặp. Có vẻ như phía công an quận Gò Vấp vẫn ráo riết muốn tìm một hình ảnh nào đó, nhằm giải thích chuyện dịch bệnh đã diễn ra sau đợt nghỉ lễ rầm rộ 30-4 và 1-5-2021. 

Từ Gò Vấp, Sài Gòn, bà Võ Xuân Loan đã dành ít phút để tâm tình về câu chuyện “lây lan” này.

Như đã biết, chúng tôi bị nhiễm Covid vào cuối Tháng Năm, thì vào ngày 29 Tháng Năm đã có lệnh khởi tố được công bố trên tất cả báo chí – nhưng chúng tôi lại không nhận được văn bản nào cho biết rằng Hội thánh chúng tôi bị điều tra ra và khởi tố hình sự. Chuyện này ảnh hưởng đến cả Hội Thánh và cộng đồng Dân Chúa khắp nơi. Có  khoảng 23 người có giấy triệu tập để điều tra, có người bị triệu tập một lần, có người hai lần. Riêng tôi, thì đến nay đã bốn lần.’

Thưa, cô có thể nói qua về nội dung của các cuộc thẩm vấn đó, thực chất họ muốn xác định điều gì??

Phía công an muốn tìm hiểu xem là là ngày 29 Tháng Tư, tôi về từ Hà Nội có nhiễm bệnh chưa. Nhưng điều đáng nói là vào thời gian đó, Hà Nội không có bất kỳ cảnh báo nào về ổ dịch hay phát dịch cả. Qua đến 30 Tháng Tư và 1 Tháng Năm thì cả nước cùng nhau hội hè vui chơi. Công an hỏi tôi là sao về thành phố mà không khai báo y tế, nhưng rõ là chuyện khai báo, tôi đã làm ngoài phi trường như mọi người – cả hai phi trường đi và đến.

Sau đó, họ xoáy vào chuyện tôi có giữ 5K (*) trong sinh hoạt tôn giáo hay không. Họ tới tận nhà tôi để lấy thước đo xem mọi người có đủ khoảng cách hay không. Tôi phát khẩu trang cho mọi tín hữu nhưng không thể kiểm soát hết lúc nào có người bỏ ra hay không. Riêng tôi khi giảng, thì không đeo, do đã giữ khoảng cách.

Phần Hội thánh, thì những gì chính phủ ban hành về số người sinh hoạt tín ngưỡng, chúng tôi tuân thủ. Nhưng khi tôi đang nằm bệnh viện, rất nhiều bài báo lại viết rằng tôi không chịu tuân thủ các nguyên tắc chống dịch. Nhưng họ chưa hề gặp tôi, chưa hề gặp các tín hữu của tôi cũng như chưa từng đến Hội thánh, vậy sao họ có kết luận chắc chắn như vậy? Tôi đọc và vô cùng ngạc nhiên về các mô tả “như thật” của họ. Lúc đó, tôi khao khát được gặp một nhà báo chân chính để được nói, tiếng nói của người trong cuộc.

Có chuyện này, hôm nay tôi mới kể, là lúc tôi đang mong mỏi được gặp một nhà báo nào đó gặp tôi, để nghe tôi kể lại cho đúng chuyện của người trong cuộc, thì có một phóng viên trong nước gọi tôi ngay khi tôi đang ở BV Nhiệt Đới và hỏi lại những điều mà toàn bộ truyền thông nhà nước bên ngoài đang nói về tôi. Tôi rất mừng và kể lại hết mọi thứ. Phóng viên ấy sau khi nghe hết chuyện, nói rằng sẽ viết lại sự thật này và gửi cho tôi xem lại trước khi đăng.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau, người phóng viên ấy đã gọi lại cho tôi với lời xin lỗi, ngại ngùng nói rằng bài viết cải chính ấy không được phép đăng. Tôi cũng buồn nhưng thông cảm, và cũng từ lúc đó, tôi đã hiểu là tôi và Hội thánh đang ở trong tình huống như thế nào ! Tôi thấy mình lạc lõng giữa các lời kết tội, và sự giận dữ đổ lên chúng tôi. Chưa bao giờ tôi mong mỏi về sự công chính trong truyền thông như hiện nay.

Về các trường hợp lây nhiễm được gọi là lừng danh ở Việt Nam trong đại dịch, chẳng hạn như năm 2020, đã có nữ bệnh nhân (thường dân) số 17 lây nhiễm khiến cả Hà Nội phải giãn cách. Rồi bệnh nhân số 21, được biết là ông Nguyễn Quang Thuấn, phó Chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương đã đi khắp nơi, được báo chí xác định là lây nhiễm cho hàng trăm người. Nhưng rõ là họ được xem là bệnh nhân và được tránh né gọi tên, và còn có báo chí viết như tạo thông cảm. Về phần mình, đối chiếu với những điều đó, cô có suy nghĩ gì?

Tôi chỉ nói là cảm thấy buồn. Với tư cách là một người giảng đạo, tôi có thể bước qua những đau thương vì Chúa cũng đã từng bị như vậy. Nhưng là con người thì cũng bàng hoàng khi sau một đêm, chúng tôi thấy mình bị treo lên giữa chợ với những sự tấn công khó hiểu. Tất cả mọi bệnh nhân COVID-19 trước chúng tôi, đều được gọi bằng số, nhưng đến chúng tôi thì được chỉ rõ bằng tên, bằng hình ảnh, địa chỉ nhà, số điện thoại và cuộc đời riêng.

Những ngày trên giường bệnh, tôi nghe nhiều người gọi vào thóa mạ, phỉ báng. Thậm chí đòi giết. Dĩ nhiên, đó là bất công. Những trường hợp mà anh nêu, chúng tôi cũng biết nên càng thấu hiểu sự bất công và hoàn cảnh mà mình “được chọn” cho câu chuyện đại dịch này. Chúng tôi xin sự tha thứ của Chúa cho những ai gây bách hại cho chúng tôi. Những bài học về oan khiên, chúng tôi đã được học từ Chúa. Và chúng tôi chỉ là những con người bình thường không có khả năng kháng cự. Nếu như chúng tôi cũng bị đưa đi, bị phán xử thì noi gương Chúa, chúng tôi sẽ trở nên như “chiên bị đưa đến hàng làm thịt” ( Esai 53:7)

Nhưng về phương diện công dân, sống trong một đất nước có luật pháp, thì điều làm chúng tôi lo lắng rằng chuyện trái ngang như vậy đến với chúng tôi, thì bất kỳ ai trong xã hội cũng đều có thể là nạn nhân cả.

Nhưng có những ý kiến nói rằng có vẻ như thư xin lỗi của cô đưa ra giữa sự kiện ồn ào đó, làm đậm thêm suy nghĩ là cô và các tín hữu đã chịu tội là tác nhân lây nhiễm?

Dạ, với tư cách là một người sống với văn hóa của miền Nam Việt Nam từ lâu đời, tôi muốn nói rõ là lời nói xin lỗi của người miền Nam, mang ý nghĩa bao hàm: Ý thức được về bối cảnh phiền hà và xin lỗi, nhưng cũng mang một ý khác là khi nói vậy, không hẳn người ta có lỗi, chắc chắn anh cũng biết điều này. Xin lỗi là một cách trọng thị với người đối diện, chung quanh về những ồn ào làm xáo động đời sống, mà có tên mình trong đó. Tôi xin lỗi vì những phiền nhiễu đó ảnh hưởng đến rất nhiều người Việt thương yêu của chúng tôi.

Trong các lần thẩm vấn, phía công an đã nói gì về chuyện các ngày lễ 30 Tháng Tư, rồi 1 Tháng Năm đã chen chúc hàng triệu người vui chơi, kế đến là đợt bầu cử 23 Tháng Năm, làm căn cước công dân thâu đêm suốt sáng… mà không có sự giãn cách nào?

(Cười) Anh nghĩ rằng chúng tôi nói được sao? Chồng tôi cũng nói về những điều này nhưng họ chỉ im lặng nghe như cho có. Khi chồng tôi nói xong, họ lập tức quay lại các câu hỏi đặt sẵn của họ để buộc chúng tôi trả lời, mà theo tôi nhận thấy thì mọi thứ chỉ tập trung khép dần chúng tôi về một tội danh.

Về phía bảo vệ lợi ích tối thiểu của mình trước luật pháp, cô và Hội thánh đã chọn được người đại diện pháp lý cho mình chưa?

Chúng tôi không tin nhiều vào kết quả tốt đẹp, đặc biệt khi nhìn lại các tình huống được đẩy lên kỳ lạ như vậy, nhưng luật sư vẫn là người đồng hành cần thiết để nhắc về những yếu tố luật pháp mà chúng tôi không rành rẽ. Hiện nay, chúng tôi đã mời Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Nguyễn Thị Hà Thanh để đại diện cho chúng tôi. Tôi đã sống qua 46 năm với nhiều diễn biến mà báo chí nhà nước đã đưa tin về các vụ án, các phiên tòa… nên lúc này, có thể nói là tôi luôn chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng trước các tình huống xấu nhất.

Điều muốn nói của cô là gì? Lúc này?

Nếu chúng tôi thật sự là người có tội, chúng tôi không ngại nhìn nhận vì đơn giản là chúng tôi sống với đức tin của mình và không thể nói dối. Nhưng nếu chúng tôi không có tội mà vẫn bị áp đặt tội, thì tôi thật sự ái ngại cho rất nhiều Hội Thánh Tư gia giống như chúng tôi, nhỏ hơn hoặc lớn hơn sẽ phải gặp khó khăn trong tương lai!

Riêng chúng tôi sẽ tiếp tục sống với Đức tin chịu khổ giống như Chúa. Chuyện còn lại, xin để cho lịch sử phán xét.

Xin cám ơn cô Võ Xuân Loan.

Chú thích: 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: