Khi chiếc vé có mùi… lươn lẹo

Hội An. Hình minh họa: hoi-an-photographer-unsplash

Hình như Việt Nam lâu lâu không làm chuyện tào lao thì sợ bị người ta quên, mới đây Hội An lại làm cộng đồng mạng mỏi… tay vì một quyết định hết sức phản… di sản: Thu phí vào phố cổ.

Thông tin từ báo chí cho biết từ 15 Tháng Năm, TP Hội An sẽ thu 80,000-120,000 đồng/vé. Từ trước đến nay, du khách khi tham quan các địa điểm di tích trong khu phố cổ Hội An mới phải mua vé.

Theo quy định mới, từ ngày 15 Tháng Năm, tất cả du khách đặt chân đến phố cổ, không vào các di tích nằm trong danh sách tham quan, cũng bắt buộc mua vé. Thông tin này ngay lập tức làm dậy sóng không những cho người dân bình thường mỗi khi ghé thăm phố cổ mà còn khiến nhiều hãng lữ hành bối rối vì kể từ nay khách của họ sẽ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao Hội An lại thu phí hai lần?

Bởi khi bước chân vào đây mục đích của người du lịch là được thăm những nơi có dấu vết lịch sử cũng như những thắng cảnh mà địa phương này có. Mỗi lần ghé vào một điểm tham quan như nhà cổ hay những khu bảo tàng thì du khách phải mua vé từng nơi, mua nơi nào vào nơi ấy không ngoại lệ. Việc bắt buộc du khách hay người dân bên ngoài địa phương mua vé vào một khu dân cư là không phù hợp, việc làm này sẽ khiến cho Hội An trở thành khu phố duy nhất trên thế giới bán vé vào cửa chỉ để uống một ly café hay ăn một tô mì Quảng.

Giải thích việc làm này, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng việc thu phí tham quan đã được phố cổ Hội An làm từ lâu và qua nhiều lần điều chỉnh. Ông xác định rằng xu thế áp dụng thu phí, “lấy di tích nuôi lại di tích” là việc cần làm để giữ Hội An tốt hơn.

Câu phát biểu của ông Lanh cho thấy sự qua mặt người dân khá thô thiển và đầy dối trá, bởi di tích tại Hội An ngay từ những năm đầu tiên mở cửa đã chưa bao giờ cho vào xem mà không bán vé. Lúc cao lúc thấp nhưng nhiều căn nhà, công trình hay ngay cả một điểm biểu diễn văn hóa chưa bao giờ là vào cửa tự do cả.

Theo trang du lịch Sơn Trà thì Hội An hiện có 1360 di tích, bao gồm 1068 nhà cổ, 38 nhà thờ tộc, 11 giếng cổ, 23 đình, 43 miếu thờ thần và 44 mộ cổ và một cây cầu.

Trong số các di tích thuộc di sản văn hóa của phố cổ, có một số điểm mà muốn vào tham quan, bắt buộc du khách phải mua vé tại các quầy vé, cụ thể như Nhà cổ Phùng Hưng, Nhà cổ Đức An, Nhà cổ Quân Thắng. Các Hội Quán như Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Triệu và Hải Nam. Bảo Tàng thì có Gốm sứ Mậu Dịch, Văn Hóa Dân Gian, Văn hóa Sa Huỳnh, Hội An…

Những Công trình văn hóa như: Chùa Cầu, Đình Cẩm Phô, Miếu Quan Công, Tụy Tiên Đường Minh Hương. Nhà Thờ: Nhà thờ Tộc Trần, Nhà thờ Tộc Nguyễn. Lăng mộ thương nhân Nhật Bản: Gu Sokukun, Tani Yajirobei, Banjiro. Rồi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm, chợ đêm… tất cả đều bán vé vào cửa. 

Hội An. Hình minh họa: tam-nguyen-unsplash

Những chiếc vé loại này không ai thắc mắc cả vì nó chính là nguồn thu dành riêng cho việc bảo quản, phát triển cho từng công trình một, đây mới là “lấy di tích nuôi lại di tích” như ông Lanh nói, còn việc phải mua chiếc vé từ 80 ngàn hay 120 ngàn chỉ để bước chân vào “lãnh địa” Hội An thì mục đich khác hẳn, nó chỉ tạo sự phản cảm cho người đến Hội An cho dù chính quyền địa phương nơi đây đang kiếm cách bỏ vào túi mình thêm khoảng thu nhập rất lớn từ chiêu bài “lấy di tích nuôi lại di tích”.

Từ sai lầm đầu tiên cho tới cung cách “theo dõi” rất “cộng sản” đã phủ lên câu chuyện này một câu hỏi rất đời thường: Động cơ gì khiến chính quyền Hội An triệt để phải thực hiện cho bằng được việc làm khuất tất này?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An – cho biết:

Vé vào cửa sẽ được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh sự gian lận từ của những người không phải là dân Hội An bằng cách sẽ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát với đa phần là người ở Hội An nên bà con sẽ có cách nhận diện nhau. Trong tương lai, Hội An sẽ áp dụng công nghệ để nhận diện du khách, kiểm soát người ra vào bằng phương pháp tối ưu hơn. Ngoài ra hiện nay Hội An cũng đã trang bị camera phủ kín phố cổ, việc gian lận sẽ bị xử lý. Trong phố cổ sẽ có lực lượng đi kiểm tra thường xuyên, người không mua vé sẽ được mời ra ngoài.

Cách làm mà bà Cẩm phát biểu khiến người dân Việt Nam bàng hoàng, hình ảnh của những “cán bộ cải cách” trong cải cách ruộng đất sống lại một cách sinh động, camera khắp nơi nhằm kiểm soát người dân khiến chúng ta rùng mình và việc dùng công nghệ nhận diện du khách có phải là cách tốt nhất đuổi cổ họ ra khỏi vùng cấm của lãnh thổ Hội An?

Cứ tin rằng chính quyền trung ương không tán thành chủ trương này nhưng khi Hội An áp dụng cách làm này thì ai là người trách nhiệm? Loạn sứ quân nếu có cũng từ những chính sách bất cần dư luận này khiến cho người dân có cảm tưởng chính quyền địa phương mới là quan trọng đúng theo câu “lệnh vua thua lệ làng”.

Tiếc một điều Hội An không phải là cái làng mà nó là bộ mặt quốc gia. Người dân ở đây khi biết nó được nhìn nhận là di sản thế giới niềm vui của họ là khuôn mặt chứ không phải những đồng tiền lấp lánh từ những chiếc vé cỏn con như cách nghĩ của chính quyền địa phương.

Ly café Hội An sẽ đắng hơn, tô mì Quảng hay Cao Lầu sẽ mặn hơn bởi cả thế giới đang nhìn vào và tiếc rẻ cái thuần hậu chất phát của người Hội An chứ không phải vì vài đồng bạc phải bỏ ra mua vé để bước vào quan sát nơi sinh sống của họ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: