Khi giới “xã hội vàng” không khác xã hội đen

Hổ sư giao chiến: Thích Trúc Thái Minh (trái) và Thích Nhật Từ

Xã hội vàng làm tay sai cho thế quyền, một khi đại chiến với nhau, để thâu tóm lợi ích cho phe nhóm mình phụng sự, thì chỉ khác giới xã hội đen, về hình thức không xài mã tấu, hay hàng nóng, thế thôi. Nhưng, ở mức độ tàn khốc, thì giới xã hội đen, khi gặp giới xã hội vàng, cũng phải nhận là “thầy”!

Và quả thật là, cho đến lúc này, câu chuyện tanh mùi tiền, đủ khiến Đại đức Thích Trúc Thái Minh và Thượng tọa Thích Nhật Từ, lao vào nhau. Tất nhiên, không thể phủ nhận, cả hai đều trong hình tướng tu sĩ Phật giáo, chứ hoàn toàn họ không phải côn đồ, cho dù là thứ côn đồ có học thức, và trí tuệ. Trùng hợp, càng gần đến ngày Đại hội Phật giáo toàn quốc, để bầu bán chức danh Pháp Chủ, và Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, thì có nhiều biến động.

Trong cuộc chiến Nam-Bắc trong “giới” xã hội vàng, thì cán cân quyền lực nghiêng về bên kia vĩ tuyến 17, trong hơn 40 năm qua, kể từ năm 1981. Vậy còn thực lực giữa Thích Trúc Thái Minh và Thích Nhật Từ thì sao? Nếu chỉ so găng về cách thức làm truyền thông, cả hai quả thật là kỳ phùng địch thủ, trên các nền tảng mạng xã hội, dù cách thức khác nhau. Nếu Nhật Từ có công ty TNHH Đạo Phật Ngày Nay, mà Trần Ngọc Thảo – thế danh của Nhật Từ – làm giám đốc, thì liệu rằng, có hay không có công ty TNHH Ba Vàng, mà giám đốc trên mặt giấy tờ là một người có tên Vũ Minh Đức, trong khi gương mặt quyền lực thật sự cai quản đế chế Ba Vàng là Vũ Minh Hiếu – thế danh của Thích Trúc Thái Minh?

Thích Nhật Từ

Một Ba Vàng hơn ngàn Giác Ngộ

Mặc dầu, Đại đức Thích Trúc Thái Minh sinh năm 1967, lớn hơn Thượng tọa Thích Nhật Từ hai tuổi đời; nhưng Nhật Từ lại có nhiều năm tuổi Hội và tuổi Hạ, hơn xa Thái Minh. Tuy nhiên trong thời đại tu theo “đạo pháp xã hội chủ nghĩa” này, tu lâu năm chưa chắc thành chánh quả. Bởi lẽ yếu tố, “ở trên” sẽ chọn “độ” ai, mới quyết định đến tu lộ có hanh thông, cho ngày mai, ngày sau.

Người ta nói rằng, tài chánh của một chùa Ba Vàng hơn ngàn lần Giác Ngộ tự. Ấy là có thể thiên hạ nói quá rồi, chứ thật ra, thiên hạ cũng có cái lý của thiên hạ chăng? Vì đi tu chỉ có vài năm, với hai bàn tay trắng, mà có được cơ ngơi như sư Minh, thì có lẽ, nhà nhà người người tự dưng cũng muốn đi tu, quyết một phen “khổ hạnh” với đời.

Ông Vũ Minh Hiếu (Thích Trúc Thái Minh) là người con thứ năm trong một gia đình đình có bảy người con, ở làng Sen, Bắc Ninh. Ông Hiếu là người học giỏi, nên sau khi tốt nghiệp, được trường Đại học Kinh tế Quốc dân giữ lại trường làm giảng viên năm năm, rồi về Bộ Công nghiệp làm việc. Tận mãi khi 31 tuổi, vào năm 1998, chùa Quán Sứ thôi thúc ông Hiếu lên đường đi làm thầy tu.

Phải có số tu, mới được “lò tu” Quán Sứ, chọn mặt hóa sư, và thường thì, không quá 10 năm, có thể áo gấm võng lọng về làng. Trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm, Thích Thanh Phong quyền lực đương nhiệm là ví dụ. Nhưng làm nên kỳ tích đi tu như ông Hiếu thì chưa có người thứ hai, dù ông đến chùa Quán Sứ, nhưng phát tâm bồ đề tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, vào ngày 1 Tháng Tám 1998, cùng với năm người bạn của ông, dưới sự chứng minh của Viện chủ là Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Có tích mới dịch ra tuồng. Sau một năm tập sự ở chùa Phúc Đức (Hà Tây cũ), ông Hiếu trở lại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Vào ngày 25 Tháng Tám 1999, Hòa thượng Thanh Từ cạo đầu ông Hiếu, sa-di Thích Trúc Thái Minh ra đời từ đó. Định mệnh thay, Hòa thượng Thanh Từ được ca tụng là người chấn hưng hệ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thực hư thế nào không rõ, chỉ biết là Hòa thượng Thanh Từ không thể trụ lại ở Yên Tử, có lẽ vì ông vốn là người miền Nam; trong khi Thái Minh lộn ngược về Yên Tử, góp sức xây dựng Thiền viện Trúc Lâm nơi này. Đó chính là cái thiền viện mà mới đây, lão Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương lạy Phật.

Lúc lộn về Yên Tử, vào năm 2002, sa-di Thái Minh còn chưa được thọ Tỳ Kheo (phải ít nhất bốn năm, sau khi thọ Sa-di), nhưng cái số tu của ông Hiếu là có thật, nên được giao làm Trưởng Ban Tri Khách. Trở về Yên Tử là bước ngoặt, là tiền đề cho sa-di Thái Minh, không lâu sau, trở thành vị vua không ngai, ở chốn nơi có tên gọi Ba Vàng (Yên Tử).

Chùa Ba Vàng

Bảo Quang Tự là tên gọi ngôi chùa nhỏ, do Thiền sư Tuệ Bích Phổ Giác xây dựng năm 1706, dưới thời vua Lê Dụ Tông. Chùa tọa lạc khiêm tốn, lưng chừng núi Thành Đẳng, phía Tây TP. Uông Bí (Quảng Ninh). Chùa hướng ra Bạch Đằng Giang, bao bọc giữa dãy núi rừng Thanh Long – Bạch Hổ. Trải qua hơn 300 trăm nhưng chùa chưa tổn hại đến ngọn cỏ của núi rừng.

Đến năm thứ 301, sư Thái Minh xuất hiện, sau vài năm sư “du tu” bên xứ Tàu trở về. Bảo Quang Tự biến mất, hàng chục hecta rừng biến mất. Chùa Ba Vàng, một bản sao từ Trung Quốc, sừng sững mọc lên. Quả thật kỳ tích, khi sư Minh, lúc mới có 7 năm tuổi Hội, mà có thể huy động đến nửa ngàn tỷ đồng, là tiền công đức, đặng phá rừng, và xóa sổ Bảo Quang Tự, vào năm 2010. Trong nửa ngàn tỷ đồng ấy, tốn đến 17 tỷ chỉ để làm cái cổng Ba Vàng.

Sư Minh sinh ra Ba Vàng, chỉ hai năm sau khi khánh thành, Ba Vàng lại đẻ ra thứ “oan gia trái chủ”, tức vào năm 2015. Tuy nhiên, vụ việc phải tận bốn năm sau mới chính thức tràn ngập mặt báo chí nhà nước. Lúc bấy giờ, người ta mới hú hồn, chúc phúc cho 200 hecta rừng quốc gia ở Quảng Nam không bị công ty TNHH Ba Vàng xóa sổ, dù sư Minh đã đến động thổ khởi công Ba Vàng 2.

Thích Trúc Thái Minh

Công ty Ba Vàng thành lập năm 2016, trước vài tháng khởi công dự án Ba Vàng 2. Ngày động thổ, hàng tỷ tiền công đức đổ về, sư Minh nhận, nhưng tiền vào tay thầy đã lâu mà chùa chẳng thấy đâu. Năm 2018, công ty này tuyên bố dừng xây chùa vì không có 1,000 tỷ đồng, và phá sản. Công ty Ba Vàng biến mất cùng vị giám đốc Vũ Minh Đức, quê làng Sen, Bắc Ninh. Thú vị thay, ông Vũ Minh Hiếu (Thích Trúc Thái Minh) cũng ở làng Sen, Bắc Ninh và cũng có người anh ruột trùng tên Vũ Minh Đức.

Sự trùng hợp này đúng là kỳ dị tích. Kỳ tích hơn, trùng hợp trong trùng hợp, phải đợi đến hạ tuần tháng Ba, năm 2019, mới bị lộ trùng hợp. Lộ ngay thời điểm vụ bê bối “oan gia trái chủ” xảy ra ở chùa Ba Vàng. Lộ thêm chuyện rằng vị sư duy nhất đã công khai dồn ép Đại đức Thích Trúc Thái Minh vào “tử lộ” lại hóa ra là kẻ thù truyền kiếp… Thích Nhật Từ. Lúc bấy giờ, dù không gọi đích danh Thái Minh, nhưng Nhật Từ cáo buộc cô Yến Ba Vàng là “lừa đảo có tổ chức”, và cáo buộc sư Minh phải chịu trách nhiệm cao nhất cho câu chuyện “oan gia” này.

Ai đứng sau ai?

Nghĩa là, không phải đến hôm nay, vì chuyện cúng dường mà sư Từ mới công khai thách thức số tu của sư Minh. Ân oán giang hồ xã hội vàng đã gieo từ “muôn kiếp trước”. Cách đây vài ngày, mọi chỉ số cho thấy dường như Thái Minh quá cao, nên Nhật Từ chỉ biết ngước nhìn. Thái Minh có số ngồi chiếu trên – Nhật Từ lại đắng cay phận mâm dưới. Tuy nhiên, sau khi có vụ đụng độ giữa hai đại sư, mọi chuyện bây giờ đang bị phanh phui thêm rằng chùa Ba Vàng không thuộc GH Phật giáo Việt Nam mà chỉ là một nơi tu tập theo Phật giáo và du lịch tín ngưỡng kết hợp, do địa phương quản lý. Tưởng rằng Nhật Từ đang ở chiếu dưới nhưng hóa ra Thái Minh lại đang ở thế phận mỏng cánh chuồn…

Nhưng mà Thái Minh, thân phận không thuộc Giáo hội nhà nước, làm thế nào có thể hô phong hoán vũ và danh trấn giang hồ với đế chế Ba Vàng? Ai chống lưng cho Thái Minh? Còn Nhật Từ – sư này hẳn nhiên không phải tay vừa. Thế lực nào đằng sau Nhật Từ? Quan trọng hơn, đằng sau màn hổ sư ác chiến này là gì, có phải chỉ thuần túy là màn “tranh thực” hay còn lý do nào khác?

__________

Thời suy tàn khốc liệt của Phật giáo Việt Nam

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: