Khi quân đội vào thành phố chống dịch

Đã qua vài ngày kể từ khi người dân Sài Gòn được tin rằng một đạo quân hỗn hợp tiến vào thành phố với lý do giữ trật tự và chu cấp thực phẩm cho người dân. Sự lo lắng, căng thẳng ban đầu cũng giảm bớt khi thấy mọi thứ tạm trôi qua êm ả, và cũng nhẹ nhàng.

Những lời phản đối việc phong tỏa cùng quân đội, cũng như sự xét nét hình ảnh các binh lính cầm AK-47 nghiêm nghị trên đường đã rộ lên lúc đầu. Chắc có lẽ từ góc nhìn khác, điều này không có gì đặc biệt, nhưng là người sống ở Sài Gòn, lắng nghe và ghi chép nhiều thứ mà con người đô thị này đã trải qua, kể với nhau, tôi tin rằng nỗi sợ từ tiềm thức của họ là có thật.

Sự thiếu thốn thực phẩm, cảnh bất lực của y tế, và cả việc không đoán được những gì mà chính quyền TPHCM làm – do lặp đi lặp lại quá nhiều thay đổi trong mệnh lệnh – khiến mọi cư dân có mức sống trung bình đều cảm thấy bất an. Hình ảnh nhiều lần, hàng ngàn người bồng bế nhau, mang theo chút tài sản cỏn con chạy tung tóe ra khỏi thành phố là một trong những chứng minh rất rõ.

Ngay trong tình cảnh đó, khi số người bị xô vào chỗ cách ly, lây nhiễm lẫn nhau ngày càng nhiều cùng với số người chết dẫn đầu cả nước, nhiều người cảm thấy nặng nề khi quân đội rầm rập tiến vào kiểm soát mọi ngõ, tương tự như trong phim ảnh về sự bao vây cần thiết với một đô thị zombie không có thuốc chữa.

Bỏ qua những lời bình phẩm miệt thị nông cạn về tâm lý sợ hãi của người Sài Gòn – vốn là đô thị đã có đủ kinh nghiệm sống động về chuyện can thiệp của chính quyền và súng, sau 1975 – cái đáng nói là bộ máy truyền thông tốn kém và cơ số hùng mạnh của chính quyền đã hoàn toàn thất bại, khi không đem lại được sự yên tâm cho dân chúng. Thay vì trò chuyện đủ và minh bạch với dân chúng, chính quyền đã để mặc cho các lực lượng dư luận viên hay AK-47 tự do nhiếc mắng những người dân đang bất an lo sợ.

Tương tự chuyện các công nhân, sinh viên, người lao động tự do phải rời bỏ Sài Gòn, lực lượng dư luận viên có hẳn bài bản chửi bới rằng những người chạy đi là kẻ không biết dành dụm, chỉ lo ăn chơi mới cạn túi sớm và vô ý thức chạy về quê. Sự bất bình về đời sống hiện tại lại chồng chất thêm sự phẫn nộ, khi phải nghe các giọng điệu vô nhân, từ một lực lượng tuyên truyền được nhà nước nuôi ong tay áo. Nuôi dưỡng những kẻ giòi bọ đó, như bôi tro trát trấu mặt cả chủ nuôi, liệu có ích lợi gì?

Cần phải ghi nhận những điều tích cực từ khi có sự tham gia của quân đội ở Sài Gòn – mà theo giải thích của phía các lãnh đạo là thiếu nhân lực – là thành phố bước vào những ngày có bề mặt yên lặng, không nhiều bất cập như những ngày phía các lực lượng dân phòng, công an… phối hợp chặn giữ.

Những người đối diện với các chốt canh có binh lính cầm AK-47 kiểm soát, kể lại rằng sự tra hỏi của họ cũng chừng mực và hòa nhã. Nhiều người không đủ giấy tờ chứng minh để đi qua các chốt gác, đã được bộ đội yêu cầu quay lại. Từ ngày 23 Tháng Tám đến nay, không nghe nói có vụ biên giấy phạt nào ở các chốt chặn, dù có cả công an địa phương. Điều này khiến người ta tự hỏi, các đợt giãn cách mà lực lượng dân phòng, công an ráo riết chận bắt để phạt người, truy vấn hách dịch và bạo quyền có phải là lý do để cho người dân thành phố bất phục và luôn đem lại sự bất ổn và khinh thị các chốt chặn?

Từ Tháng Bảy 2021, câu chuyện một phường ở Gò Vấp bị lộ văn bản chỉ đạo có tính hệ thống, về việc phải phạt cho đủ số lượng người để tạo ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh của người dân về điều gì đó bất minh của chính quyền. Con số hàng chục tỷ đồng của người dân bị phạt, kèm theo nỗi oan ức, bất bình của dân chúng ắt cũng sẽ kèm theo sự đàm tiếu và coi thường giới nhân viên công lực. Thái độ hạ nhiệt của người dân với lực lượng bộ đội so với những ngày đầu hoang mang, có được gọi là lòng tin tạo được từ sự không nhũng nhiễu và đúng mực của phía quân đội?

Có không ít người, lúc đầu đã không chịu nổi cảnh quân đội kè kè súng và xe chuyên dụng ở Sài Gòn. “Chẳng lẽ khi cần thì họ sẽ bắn người luôn sao?”, một người bạn của tôi nhắn hỏi với sự sợ hãi. Thế nhưng, đến giờ phút này, lính và súng chỉ là một hình ảnh biểu trưng chứ không có gì khác – và cũng có thể đó là cách chọn lựa mang tính phô trương từ một vị lãnh đạo nào đó, mà ở vị trí của người lính, họ chỉ có thể tuân lệnh. Nó khác biệt với các lực lượng ngăn chận giãn cách trước đó: Chuyện xô xát và đánh đập dân chúng diễn ra nhưng ít ai dám tố cáo. Thậm chí cả lực lượng bèo bọt nhất là trật tự, dân phòng, dân quân tự vệ… cũng vay mượn hơi thở của lệnh thủ tướng mà khè khạc vào người dân.

Gần nhất là trong Tháng Tám 2021, nhà báo Mai Quốc Ấn kể trong thư tố cáo của anh, gửi đến một vị tướng, rằng khi đến công an quận 3 làm việc về số hàng bị tạm giữ nhân danh Chỉ thị 16, anh đã vô cớ bị hai công an kẹp giữ, để cho một viên sĩ quan công an đánh vào đầu – sau đó anh phải đi cấp cứu. Mà ngay trong lúc anh đang “làm việc” với công an, lại chứng kiến một shipper vi phạm Chỉ thị 16, cũng bị đưa về phường để “làm việc” như vậy.

Chưa thấy quân đội bắn hay đánh ai. Trên video của dân chúng ghi lại, thấy mấy cậu lính trẻ lúp xúp chạy giao các gói thức ăn cho khu phố nào đó. Dẫu sao, đó là chuyện đáng nhớ và vui trong lòng. Họ đến, cũng có ý nghĩa rất rõ.

Rồi lại bất chợt nhớ ra. Các hội đoàn phụ nam phụ nữ, thành đoàn cộng sản, kể cả mấy anh công an mật vụ thường phục hay canh nhà dân… cả một hệ thống khổng lồ ăn lương và tiền trợ cấp của nhà nước, sao không thấy được báo chí mô tả tổng lực xắn tay áo vào việc nghĩa – chung tay – giữa đại dịch này? Đất nước thiếu nhân lực, đến mức Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn gợi ý rằng các F0 khỏi bệnh hãy tình nguyện giúp chính quyền lúc này. Quân đội bảo vệ biên giới và bảo vệ đất nước cũng được lệnh động viên vào thành thị đó sao?

Sau vài ngày khi quân đội vào thành phố, nhận ra được nhiều điều. Và cũng giúp thấy thêm được nhiều điều.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: