Đó là khẳng định của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Theo Thanh Niên ngày 19 Tháng Hai 2023 hiện có nhiều trang Facebook mạo danh giám mục, linh mục, các dì phước (soeur) bán thuốc chữa bệnh như thuốc trị đau xương khớp, đau dạ dày….
Đó là trang Facebook mang tên “Đức cha Nguyễn Năng” lấy hình ảnh của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn làm ảnh đại diện, kèm thông tin: “Ai cần chữa bệnh lý về dạ dày thì liên hệ cho cha”. Khi nhấn vào phần tin nhắn, người dùng sẽ nhận được dòng phản hồi tự động: “Cha chào con”. Tài khoản mạo danh “Đức cha Nguyễn Năng” này tự giới thiệu đây là trang y tế và sức khỏe.
Một trang Facebook khác tên “Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo”, Giám mục, cựu giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc cũng lấy hình ảnh của Đức cha Đạo làm ảnh đại diện để quảng cáo bán thuốc chữa bệnh. Khi nhắn tin thì lập tức có tin nhắn tự động trả lời.
Còn tài khoản “Linh mục Nguyễn Phát Tài” thì đăng hình ảnh của linh mục, kèm thông tin giới thiệu về xuất thân và nhận có tài chữa bệnh xương khớp: “Tôi là Giuse Nguyễn Phát Tài, xuất thân trong một gia đình lương giáo, tốt nghiệp Đại học Y dược. Cha lựa chọn con đường tu trì và trở thành linh mục… Đa số bệnh nhân của cha đều ổn định được 5 – 10 năm cơn đau chưa hề tái phát. Nay cha viết bài này để chia sẻ cho mọi người, đặc biệt là những người con của Chúa biết đến và tìm được đúng cách điều trị… Ai bị xương khớp để lại số điện thoại cho cha ngay để cha thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển biến nặng”. Ở bên dưới có rất nhiều bình luận, đại ý cảm ơn cha đã chữa lành bệnh. Hầu hết các nick Facebook tương tác dưới bài đăng của trang có tên vị linh mục đều là nick ảo, giả mạo, cả những số điện thoại để lại bên dưới cũng đều không liên lạc được.
Khi phát giác những tài khoản mạo danh Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng liên tục được mở trên Facebook, Văn phòng Tổng giáo phận Sài Gòn đã có thông báo khẳng định Đức Tổng không sở hữu bất cứ tài khoản nào trên mạng xã hội và nhấn mạnh: “Mọi thông tin của Tổng giáo phận và hướng dẫn của Đức Tổng đều được đăng tải trên các kênh truyền thông chính thức của Tổng giáo phận”.
Giáo phận Xuân Lộc cũng lên tiếng tương tự về tài khoản Facebook mang tên “Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo”. Ngay cả Giáo phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Giáo phận Hưng Hóa (Hà Nội) cũng khẳng định trang Facebook lấy tên của vị Giám mục chính tòa Giáo phận để tư vấn bán thuốc trục lợi đều là giả mạo.
Trao đổi với Thanh Niên, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định: “Không bao giờ các vị giám mục, linh mục đi bán thuốc vì đây không phải là chuyên ngành của chúng tôi. Với uy tín và sứ mạng của người chức sắc Công giáo thì không ai làm những việc phản cảm như vậy. Bà con giáo dân cũng như cộng đồng cần lưu ý để tránh những ngộ nhận cũng như hiểu lầm không đáng có”. Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ cũng kêu gọi người dùng mạng xã hội không sử dụng hình ảnh các tu sĩ Công giáo để trục lợi cá nhân.
Không chỉ có các linh mục và Đức cha bị mạo danh, các trang bán thuốc cũng đăng hình ảnh các dì phước với lời tư vấn về thuốc chữa bệnh.
Trên trang web của Giáo phận Vinh (tỉnh Nghệ An) ngày 22 Tháng Hai 2023 có bài của linh mục Anmai cảnh báo các trang web và fanpage giả mạo các tu sĩ Công giáo bán thuốc, trong đó có cả các dì phước. Linh mục Anmai kể thân nhân và giáo dân gặp ông thường hỏi: “Đức cha X có phải đang bán thuốc không cha?”, hoặc “Có phải nữ tu Z bán thuốc không cha?”, hỏi ra thì ai cũng đã mua rồi, bị mất tiền rồi. Ông than: Biết nói gì bây giờ khi người quen cả tin đến như thế!
Ông lý giải theo suy nghĩ bình thường của người tín hữu, cứ hễ tu sĩ phán thì họ tin là thật, nhất là khi họ đang đi tìm thầy thuốc giỏi để chữa bệnh mà thấy các Đức Cha, linh mục và dì phước bán là họ an tâm, mua không hề suy nghĩ. Dựa vào niềm tin ấy mà nhiều người đã bị lừa một cách ngoạn mục, phải trả có khi vài chục triệu đồng tiền thuốc trời ơi đất hỡi. Rồi ông khuyên: “Trước một xã hội ảo và giả nhiều hơn thật nên chăng ta phải hết sức thận trọng. Đừng vội tin cũng như đừng cả tin. Với câu nói “lóng lánh không phải là vàng” thì thật là đúng cho mọi thời đại. Trước những sự giả trá cũng như lừa bịp nhau, chúng ta nên nhắc nhớ nhau để người thân quen của chúng ta hết sức cẩn thận khi mua hàng online. Những nhãn hàng và nhà cung cấp uy tín họ đều nói: “Nhận hàng rồi mới thanh toán” thì ta mới nên mua”.
Cuối cùng, linh mục Anmai khẳng định: “Chuyện mà mọi người cần nhớ là không bao giờ có giám mục, linh mục hay nữ tu nào đi bán thuốc ở trên mạng cả”.