Không thể tiêu hủy 50 tấn vật chứng sản xuất ma túy vì… kẹt tiền

Vật chứng tịch thu được từ vụ án người Trung Quốc sản xuất ma túy ở tỉnh Kon Tum bao gồm hơn 37 tấn hóa chất và chất lỏng – Ảnh: Tiền Phong

Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum đang loay hoay tìm kiếm hơn 500 triệu đồng ($20,795) để tiêu hủy gần 50 tấn vật chứng tịch thu được từ xưởng sản xuất ma túy của người Trung Quốc ở tỉnh này.

Hồi Tháng Chín 2019, Bộ Công an đã cho quân triệt phá xưởng sản xuất ma túy lớn của người Trung Quốc, núp bóng trong nhà xưởng của công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên, thuộc khu làng nghề, tổ dân phố 3B, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum.

Công ty Đồng An Viên bắt đầu hoạt động từ 17 Tháng Bảy 2013, chuyên bán buôn vật liệu và thiết bị khác trong xây dựng, nơi đăng ký quản lý là Chi cục thuế huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Khu nhà xưởng nêu trên do người Việt Nam tại Kon Tum đứng tên, nhưng được một số người Trung Quốc thuê lại để tổ chức sản xuất ma túy.

Đây là vụ án chấn động lúc bấy giờ, vì quy mô của nơi sản xuất chất cấm này. Bộ Công an đã bắt nhóm cầm đầu gồm bảy nghi phạm quốc tịch Trung Quốc, thu giữ cả chục tấn hóa chất để sản xuất chất ma túy tại khu nhà xưởng thuộc công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên.

Sau đó, từ 12-16 Tháng Tư 2022, toà án tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt tử hình hai người,  chung thân một người, còn năm người khác lãnh án từ 34 tháng – 20 năm tù giam về tội “Sản xuất trái phép chất ma tuý”.

Phiên tòa hồi Tháng Tư 2022 đã xử phạt tử hình hai người trong đó có Thái Tự Lực tức Cao Zi Li, người cầm đầu – Ảnh: Tiền Phong

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tối cao, năm 2002, người cầm đầu là Thái Tự Lực (tức Cao Zi Li, SN 1963, người Trung Quốc) từng bị phạt tù chung thân tại Trung Quốc vì buôn bán chất ma túy. Tháng Mười 2017, được hưởng khoan hồng, Thái Tự Lực ra tù đã cùng một số người bạn sang Việt Nam để sản xuất ma túy.

Từ Tháng Ba đến ngày 6 Tháng Tám 2019, các bị can Trung Quốc là Thái Tự Lực, Tống Kiến Hoàng, Trương Cần Thư, Dương Viễn Đức, Lữ Dư Trọng, Hoàng Sơn Nguyên, Thái Tư Viện và Sàn Khuấn Sáng (SN 1976, sắc tộc Hoa, quốc tịch Việt Nam) đã tổ chức sản xuất trái phép chất ma túy, tiền chất ma túy tại hai địa điểm là nhà xưởng thuê của công ty Hoàng Ngân Phát (phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và nhà xưởng thuê của công ty Đồng An Viên (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).

Sáng sớm ngày 6 Tháng Tám 2019, tổ công tác Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp cùng các lực lượng chức năng tại địa phương bắt quả tang bảy nghi phạm có quốc tịch Trung Quốc đang có hành vi sản xuất chất cấm là ma túy tại khu xưởng thuê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Sau đó lực lượng chức năng tiếp tục bắt giam Sàn Khuấn Sáng, do Sáng đã giúp Thái Tự Lực sản xuất chất cấm.

Thái Tự Lực đã thuê lại nhà xưởng của công ty Đồng An Viên ở tỉnh Kon Tum để sản xuất ma túy – Ảnh: Tiền Phong

Xong vụ xử án thì đến lúc cần phải tiêu hủy số vật chứng và tài sản tịch thu được của nhóm sản xuất ma túy, tổng cộng gần 50 tấn, trong đó hóa chất và chất lỏng hơn 37 tấn, gồm 11,580 gram chất ma túy, loại Methamphetamine; 1,054 lít 1 phenyl-2-propanone (P2P – là tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy) cùng rất nhiều chất hóa học là tiền chất ma túy; máy móc, thiết bị và các vật dụng khác dùng cho việc sản xuất cấm, khoảng 10 tấn. Việc này được giao cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum.

Về cách thức tiêu huỷ, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum sẽ ký hợp đồng thuê trọn gói với đơn vị đủ điều kiện tiêu hủy từ thu dọn, vận chuyển và xử lý toàn bộ tài sản, vật chứng cần tiêu hủy.

Theo Tiền Phong ngày 25 Tháng Tám, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum dự báo cần hơn 500 triệu đồng để làm việc này. Số tiền trên được chi tổ chức các cuộc họp (?) và tiêu hủy vật chứng, tài sản của vụ sản xuất chất cấm.

Cục này đã có tờ trình gửi Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh xin hỗ trợ kinh phí phục vụ việc tiêu hủy, tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh Kon Tum trả lời: Cục thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp. Vì vậy, phân cấp quản lý ngân sách, phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự thuộc nhiệm vụ chi do ngân sách Trung ương bảo đảm cho Bộ Tư pháp!

Như vậy, để có nguồn kinh phí tiêu hủy vật chứng của vụ án, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum phải tiếp tục làm tờ trình gửi Tổng Cục thi hành án dân sự, Vụ kế hoạch tài chính – Tổng Cục thi hành án dân sự để xem xét, cấp bổ sung kinh phí.

Và tất nhiên là Cục này phải chờ thôi, có điều không biết chờ đến bao giờ!

Coi bộ tiền ngân sách chi cho vụ này khó có “lại quả” nên Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum cứ việc chờ đấy, để lâu thì “cứt trâu hóa bùn” thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: