Việc làm (có tính hệ thống) này của bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong, bị xem là quá “bất nhân”, và đã bị UBND huyện Đăk Tô thanh tra với một kết luận xấu.
Theo hồ sơ thanh tra của UBND huyện Đăk Tô, trong đợt hỗ trợ giáo viên dịp Tết Quý Mão (Tháng Giêng năm 2023), mỗi giáo viên, nhân viên trường Lê Hồng Phong được nhân 2 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các giáo viên phải nộp lại ngay 1.5 triệu đồng để nhà trường tổ chức tất niên, chi sửa chữa nhỏ, trang trí tết, theo lệnh của bà hiệu trưởng. Tổng số tiền nộp lại là 33 triệu đồng.
Không một ai dám lên tiếng phản đối quyết định này dù họ “đứt ruột” nộp lại tiền tiêu tết “nằm chưa ấm chỗ trong túi”. Theo Ban giám hiệu, việc thu lại tiền đã được tập thể cán bộ, giáo viên thống nhất (!), nhưng việc Ban giám hiệu không lập danh sách thu và không công khai chi tiết các nội dung chi cho thấy có điều mờ ám trong chuyện này.
“Được đằng chân, lân đằng đầu”, đến Tháng Tư, nhà trường cũng chi hỗ trợ lễ 30.4 và 1.5 cho giáo viên, nhân viên với số tiền 1 triệu đồng/người. Sau đó, ban giám hiệu nhà trường lại đề nghị các giáo viên, nhân viên nộp lại 800,000 đồng/người, để làm gì thì những người nộp tiền không rõ. Tổng số tiền Ban giám hiệu thu đợt này là 16.8 triệu đồng.
Ngoài ra, thanh tra còn phát hiện việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của nhà trường chưa công khai minh bạch; thu tiền quỹ lớp của các học sinh trái quy định, thiết lập hồ sơ thu, chi nguồn quỹ hội không đúng tình hình thu, chi thực tế;…
Cụ thể, các phụ huynh cho rằng bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Loan đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp thu tiền quỹ hội phụ huynh học sinh với mức 250,000 đồng/học sinh. Khoản thu này được giải thích dùng để chi cho các hoạt động giáo dục, ngoại khóa, chi mua quà khen thưởng các cuộc thi, quà phát thưởng cuối năm học cho những học sinh đạt thành tích cao…
Tuy nhiên, trên thực tế, khi học sinh tham gia bất kỳ các hoạt động gì cũng phải nộp một khoản tiền cho cô giáo chủ nhiệm.
Ngoài ra, trường này còn bị tố lạm thu các khoản như: Quỹ lớp, quỹ hoạt động khác và thu khoản tiền xây hồ bơi với mức 100,000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, qua xác minh, hồ bơi này do Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng.
Mặc dù đã đóng tiền xây dựng hồ bơi nhưng học sinh lại không được học bơi một lần nào. Do đó, phụ huynh đặt câu hỏi số tiền nhà trường thu để xây dựng hồ bơi đang được sử dụng vào việc gì?
Đặc biệt, trường tiểu học Lê Hồng Phong còn bị tố chi trả thiếu tiền lương cho hai giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh. Đến khi các giáo viên phản ánh, bà Loan mới chỉ đạo hoàn trả hơn 21 triệu đồng cho các cô giáo.
Theo kết luận thanh tra, để xảy ra những sai phạm trên trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường, kế toán và các giáo viên chủ nhiệm. Từ đó, Thanh tra huyện Đăk Tô yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường hoàn trả hơn 166 triệu đồng đã thu sai quy định cho các cá nhân có liên quan.
Giải thích về các nội dung tố cáo trên với phóng viên báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng Loan thừa nhận những tố cáo trên cũng có ý đúng nhưng cũng có ý sai.
Theo bà Loan, tất cả các khoản thu tại trường tiểu học Lê Hồng Phong đều dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh, chứ “không hề bắt buộc”. Trong đó, khoản thu quỹ hội phụ huynh được sử dụng để chi khen thưởng học sinh, tổ chức trung thu và các hoạt động ngoại khóa…
Đối với khoản quỹ lớp, giáo viên chủ nhiệm tự thu và tự tổ chức theo mong muốn, nguyện vọng của phụ huynh nhằm photo đề thi, tổ chức các hoạt động, trang trí lớp học…
Còn về vấn đề thu 100.000 đồng làm hồ bơi, bà Loan cho biết hồ bơi được Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng với kinh phí 87 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm học 2018-2019, khi đưa vào sử dụng, nhiều lá cây bay xuống nước khiến học sinh không thể bơi lội. Do đó, một số phụ huynh ủng hộ 12.2 triệu đồng để làm mái che. Tuy nhiên, khoản thu này không đủ làm nên nhà trường đã chuyển sang làm sân vào nhà để xe và sân văn phòng.
Về khoản tiền chi trả cho giáo viên tiếng Anh, bà Loan giải thích do thiếu giáo viên nên nhà trường hợp đồng hai cô giáo dạy tiếng Anh để dạy cho 224 học sinh. Sau khi kết thúc năm học, qua thống kê, nhà trường nhận thấy các cô chỉ dạy khoảng 8 tháng nên chi trả cho 2 cô giáo với số tiền trên 29 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh nhà trường đã xem xét và chi trả thêm 21 triệu đồng cho hai giáo viên.
“Ban đầu, nhà trường nghĩ giáo viên không dạy nên giữ lại khoản dư để năm học sau sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù không dạy nhưng giáo viên dành thời gian soạn bài nên trường đã trả lại để hợp thức hoá”, bà Loan thừa nhận.
Với cách giải thích của bà Loan, các phụ huynh cho rằng đó chỉ là cách lấp liếm sai phạm. Một số phụ huynh đề nghị Sở GD-ĐT cách chức bà Loan để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục. Có thế, con em họ mới an tâm học tập, và phụ huynh mới mạnh dạn đóng góp cho nhà trường mà không sợ tiền của họ bị sử dụng cho mục đích cá nhân của lãnh đạo nhà trường.