Lại chết treo cổ ở đồn công an và công an lại cần “làm rõ”

Người thân của người đàn ông treo cổ chết tập trung tại bệnh viện sau khi người này được đưa vào bệnh viện cấp cứu – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngày 23 Tháng Chín, thượng tá Lê Thanh Phát, trưởng Công an huyện Tiên Phước, cho biết Công an tỉnh Quảng Nam đang “làm rõ” vụ một người đàn ông ở địa phương được xác định là treo cổ chết tại nhà tạm giữ công an huyện này.

Nhiều người theo dõi những tin thuộc loại “chết trong tư thế treo cổ tại đồn công an” thì không ngạc nhiên với từ “làm rõ” của ông thượng tá Phát. Nó có nghĩa là “sẽ không có gì rõ ràng cả”.

Người chết lần này là ông N.M.S. (40 tuổi, trú xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước), một bị can đang được tạm giữ để điều tra về hành vi mua bán ma túy.

Gia đình ông S. cho biết, trước đó, sau khi bị bắt vào trưa ngày 19 Tháng Chín, công an dẫn ông S. về nhà ông ta để khám xét. Sau đó, ông ta bị đưa về đồn công an để thẩm vấn.

Đến chiều ngày 21 Tháng Chín, gia đình ông S. đến nơi tạm giam chờ được gặp người thân thì được công an thông báo ông S. đã treo cổ, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Thượng tá Phát quả quyết rằng bị can S. đã treo cổ tự tử tại nhà tạm giữ công an huyện. Còn chuyện treo bằng dây gì, ai cung cấp dây cho nghi phạm, làm sao treo sợi dây đó lên cao được, tại sao công an không phát hiện kịp thời, v.v… là chuyện “bí mật quốc gia”, ông Phát không thể tiết lộ.

Tuy nhiên, một lãnh đạo (giấu tên) của Công an tỉnh Quảng Nam  nói: “Vụ việc này cũng khá nhạy cảm nên pháp y đã giải phẫu tử thi, mổ hộp sọ ra để kiểm tra xem có ảnh hưởng não không, trước sự chứng kiến của người nhà. Để khách quan, Công an tỉnh Quảng Nam đã đề nghị pháp y của y tế trực tiếp làm chứ không dùng pháp y công an”.

Để xác định trong cơ thể bị can Sự có độc tố hay không, cơ quan pháp y cũng đã gửi mẫu ra Hà Nội kiểm tra, hiện Công an tỉnh và gia đình đang chờ kết quả. Giải thích việc tại sao ông S. tự tử mà 2 bị can khác giam chung phòng lại không hay biết, ông lãnh đạo này nói:

“Việc ông S. tự tử trong buồng tạm giam mà 2 bị can khác lại không biết (ngay từ thời điểm có ý định tự tử) là do vị trí treo cổ nằm ở khu vực ô tắm nắng ở phía trước buồng giam. Trong khi đó, 2 bị can chung buồng lại đang nghỉ trong khu buồng giam nên phát hiện trễ. Việc mới bắt tạm giam đôi khi bị can cũng bị tâm lý, dẫn đến tự tử. Việc treo cổ như thế nào thì phải chờ pháp y kết luận”.

Theo tin từ bệnh viện, lúc ông S. được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tim ông vẫn còn đập, sau đó nhiều giờ thì ông S. mới tử vong. Bệnh viện không cho biết nguyên nhân tử vong là gì.

Công an tỉnh Quảng Nam đã vận động gia đình ông S. đem thi thể về nhà mai táng, nhưng gia đình chưa đồng ý. Họ chờ cơ quan pháp y thông báo kết quả chính thức mới quyết định.

Ngày càng có nhiều người “chết trong tư thế treo cổ tại đồn công an”, và tất cả đều có chung một lời giải thích là do họ “tự tử”. Nếu tìm kiếm cụm từ này trên Google, người ta sẽ tìm thấy hơn 8 triệu kết quả. Một con số khủng khiếp, phần nào nói lên thực trạng “bức tử” của công an đối với các nghi phạm.

Vào Tháng Chín năm ngoái tại huyện Kon Rẫy (Kon Tum), cơ quan chức năng phát hiện người bị tạm giam là anh Rcơm Jack (27 tuổi, trú xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) đã chết trong tư thế treo cổ tại phòng giam. Ngay sau đó, cơ quan công an gọi điện cho gia đình thông báo anh Jack đã chết, bàn giao thi thể về mai táng, đồng thời đưa cho gia đình anh Jack 15 triệu đồng.

Chị Y Hyet (vợ anh Jack) mỏi mòn chờ kết luận nguyên nhân cái chết của chồng chị từ hơn một năm nay – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo chị Y Hyet (vợ anh Jack), chồng chị bị giam chung phòng với một người khác. Tuy nhiên, khi chồng tự tử, người chung phòng không hay biết là rất vô lý. Chị cũng không được tiếp xúc với người này. Do đó, chị Hyet mong cơ quan công an làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng chị.

Hơn một năm trôi qua, cơ quan điều tra tỉnh Kon Tum cho biết, họ vẫn đang “làm rõ” cái chết của anh Jack, khi nào có kết quả, sẽ thông báo với gia đình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: