Lại khóc ròng vì nạn ‘chặt chém’ giá cả, chỉ vì… ‘tết mà!’

Ba tô bún bị “hét giá” 1.2 triệu đồng. (Hình: báo Dân Trí)

“Tết mà…” Phải. Cũng chính vì Tết mà nhiều người phải khóc ròng hoặc phẫn nộ trước nạn “chặt chém” giá cả, phải sử dụng hàng hóa và dịch vụ với mức giá tăng cao một cách phi lý. Đây là một vấn nạn nhức nhối từ lâu nay ở Việt Nam hễ khi Tết đến xuân về, những dịp lễ, hội…

Mặc dù ba ngày Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 đã kết thúc, nhưng không khí vui chơi những ngày đầu xuân của số đông người dân Việt Nam vẫn còn nhộn nhịp.

Nhiều câu chuyện về Tết được người dân chia sẻ sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. Những câu chuyện mang nội dung vui cười có, buồn bã có hoặc bực bội, phẫn nộ cũng có.

Vào ngày Mồng 2 Tết (nhằm ngày 30 tháng Giêng Dương lịch), mạng xã hội tại Việt Nam chia sẻ tràn ngập câu chuyện ba tô bún riêu có giá 1.2 triệu đồng. Số là tối Mồng 1 Tết, một phụ nữ sinh sống tại Hà Nội cùng với hai người thân trong gia đình vào một quán bún riêu nằm ở phố Bạch Mai (Q. Hai Bà Trưng). Ba người có gọi ba tô bún riêu ra ăn, do sơ suất không hỏi giá cả trước khi ăn, đến lúc gọi tính tiền thì cả ba người đều giật mình khi bị người của quán hét giá 1.2 triệu đồng, tức là mỗi tô bún riêu có giá 400,000 đồng.

Phẫn nộ do bản thân là nạn nhân của vụ “chặt chém” giá cả ngày Tết, nữ khách hàng sau đó chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội để cảnh báo cộng đồng và câu chuyện nhanh chóng trở thành tâm điểm chia sẻ của dư luận.

Rất nhiều ý kiến chia sẻ, bày tỏ đồng tình với tâm trạng phẫn nộ của vị nữ khách hàng. Đồng thời ngay sau đó, một người tự xưng là chủ quán bún riêu có địa chỉ nêu trên đã liên lạc với vị nữ khách hàng để phân trần rằng, ngày Tết quán chỉ tăng giá từ 5,000 đồng cho đến 10,000 đồng/tô bún, giá cao nhất của tô bún đầy đủ cũng chỉ khoảng 60,000 đồng, nếu ăn ba tô mà phải trả 1.2 triệu đồng thì đề nghị khách hàng trình báo công an.

Nữ khách hàng sau đó đưa bằng chứng chuyển khoản QR thành công thì chủ quán mới nhận sai trái, xin lỗi và hỏi thông tin để hoàn tiền lại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng P.Bách Khoa (Q.Hai Bà Trưng) đã vào cuộc làm việc và cho biết hiện tại đã ra quyết định tạm thời đình chỉ quán bún riêu này để xác minh, làm rõ vụ việc.

Cũng tại Hà Nội, một câu chuyện khác trở thành tâm điểm chia sẻ cử dư luận. Vào các ngày cuối Tháng Chạp-Âm lịch vừa qua, mạng xã hội tràn ngập thông tin nải chuối xanh tùy theo số lượng trái được rao bán tại các chợ dân sinh, vỉa hè với giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến 1 triệu đồng.

Theo phong tục truyền thống của người miền Bắc, nải chuối là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả để trưng bày ngày Tết, đặc biệt là nải chuối xanh. Nải chuối càng nhiều quả và có số lẻ, tượng trưng nhiều tài lộc nên càng được giá cao.

Lý giải cho nguyên nhân giá chuối Tết năm nay tăng cao gấp mấy lần so với mọi năm, nhiều tiểu thương có chung câu trả lời do ảnh hưởng của bão Yagi trong năm 2024, số lượng chuối trồng tại các nhà vườn ở miền Bắc bị thiệt hại nặng nề nên thị trường khan hiếm nguồn cung.

Điều đáng nói là, biết chuối bị tiểu thương hét giá cao nhưng do người dân mong muốn một năm mới tốt lành, mọi việc suôn sẻ, hanh thông nên phải bấm bụng mua. Hầu như không có nải chuối quả số lẻ giá dưới 100,000 đồng, ví dụ nải chuối 25 quả vào ngày 23 tháng Chạp có giá từ 500,000 đồng đến 700,000 đồng, nải 29 quả có giá gần một triệu đồng.

Cư dân mạng chua chát chia sẻ, thờ cúng tổ tiên xuất phát từ tâm, lòng thành của mình được rồi chứ tại sao người dân mê tín quá, giá một nải chuối bằng mấy ngày công, lộc vào chưa thấy, đã thấy lộc của mình vào túi tiểu thương.

Còn nhiều câu chuyện tương tự ở các địa phương khác của Việt Nam, trên đây chỉ là hai câu chuyện điển hình xảy ra trong những ngày Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, rất đáng suy ngẫm.

Phải thừa nhận rằng, tình trạng “chặt chém” giá cả, hàng hóa và dịch vụ bị những chủ quán, tiểu thương đẩy giá lên cao một cách vô tội vạ không chỉ mới xảy ra ở Tết năm nay, mà đã có từ nhiều năm trước đây tại Việt Nam. Đến nỗi thành câu nói đầy châm biếm “ở Việt Nam nắng nóng là mùa thiếu điện, còn Tết và lễ, hội là mùa tăng giá.” Anh “chặt chém tôi,” tôi “chặt chém anh,” anh tăng giá được thì tôi cũng tăng giá được, người này làm người kia ăn theo… cứ thế lay lan đến nay trở thành một vấn nạn nhức nhối.

Nhức nhối hơn nữa, đó là số đông người tiêu dùng Việt Nam lại cam chịu nạn “chặt chém” giá cả, cam chịu sử dụng hàng hóa và dịch vụ với mức giá tăng cao mà không tố cáo hay đấu tranh trước hành vi sai trái.

Hậu quả của tâm lý kinh doanh chụp giật, mánh mung, mặc nhiên cho rằng buôn bán thì không thể thật thà, phải cứ “ăn gian, nói dối” hòng thu lợi trước mắt chứ không tính sinh kế lâu dài của những cá nhân, vô tình gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Đặc biệt, những địa phương có thế mạnh du lịch như: Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.Sài Gòn, Kiên Giang… khách du lịch bị “chặt chém” giá cả chắc chắn một lần đến sẽ không không quay lại lần hai, ngành du lịch địa phương sẽ bị thất thu.

Do đó, tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định 87 của Chính phủ Việt Nam có quy định, đối với hành vi “chặt chém” giá cả, bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5 cho đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, những gì diễn ra từ thực tế bên ngoài xã hội Việt Nam cho thấy, sự giám sát, kiểm tra của Cơ quan chức năng tại các địa phương của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.

Cũng công bằng mà nói, vào những dịp Tết và lễ, hội do có nhiều chi phí phát sinh, cùng với nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng mạnh nên giá các mặt hàng và dịch vụ có tăng cao hơn một vài ngàn đồng là chuyện bình thường, đằng này một tô bún riêu thường ngày tại Hà Nội có giá khoảng 40,000 đồng nay bị chủ quán hét lên 400,000 đồng (gấp 10 lần) thì không thể nào chấp nhận được.

Như vị nữ khách hàng trên, còn lưu lại bằng chứng chuyển khoản QR tại quán bún riêu nên cơ quan chức năng có cơ sở vào cuộc giải quyết vụ việc. Đặt trường hợp những nạn nhân khác không có bằng chứng thì sao? Lỡ ăn uống, sử dụng dịch vụ rồi thì đành bấm bụng móc túi tiền ra trả, có chăng tự an ủi bản thân rằng: “Tết mà!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: