Ngày 10 tháng Hai năm 2025, mạng xã hội tại Việt Nam chia sẻ tràn ngập những video, clip ghi lại hình ảnh một nhóm người khóc gào, tỏ rất đau xót tại một đơn vị thuộc QĐND Việt Nam.
Tác giả của những video, clip này đã chia sẻ cho dư luận được biết vụ việc, họ là thân nhân của một quân nhân mới nhập ngũ tên Nguyễn Văn Nghiệp, đơn vị đóng tại địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Anh Nguyễn Văn Nghiệp, 25 tuổi, cư trú tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Vào ngày 9 Tháng Hai, thân nhân của anh Nghiệp nhận được thông tin anh bị đồng đội đánh chết. Sang ngày hôm nay, đơn vị quân đội nơi anh Nghiệp nhập ngũ đưa thi thể anh về Bệnh viện quân đội 108 (TP.Hà Nội) và gọi điện thoại thông báo cho gia đình rằng, anh Nghiệp chết do dịch bệnh, gọi gia đình đến nhận xác anh về làm tang lễ.
Thân nhân của anh Nghiệp cho biết thêm, trước đó gia đình liên tục nhận được điện thoại của anh gọi về nói, bản thân nhiều lần bị cán bộ và tiểu đội trưởng trong đơn vị đánh đập và hành hạ.
Anh Nghiệp nhập ngũ khi đang là sinh viên của một trường đại học. Đau xót và phẫn nộ, thân nhân của anh Nghiệp mong cộng đồng mạng xã hội chia sẻ thông tin, giúp gia đình đòi công lý công bằng cho cái chết của anh.
Được biết, hiện tại an ninh mạng của nhà cầm quyền CSVN đã ra tay ngăn chặn người dân chia sẻ thông tin, hạ những video, clip mà thân nhân của anh Nghiệp đã đăng lên mạng xã hội.
Thời gia gần đây, tại một số doanh trại QĐND Việt Nam đã xảy ra không ít trường hợp quân nhân nhập ngũ tử vong, cáo buộc bị đồng đội đánh đập và hành hạ gây phẫn nộ dư luận.
-Quân nhân Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 2004, quê quán xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội, nhập ngũ tại Tiểu đoàn 97, Binh chủng Pháo binh tạixã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội. Anh Hoà chết vào ngày 5 Tháng Bảy năm 2023, trên người có nhiều vết bầm tím, gãy hai xương sườn bên trái… dấu hiệu trước khi chết đã bị đánh đập.
-Vào năm 2022, một bộ đội khoẻ mạnh đột ngột qua đời trong doanh trại quân đội. Gia đình nạn nhân cho biết là vào chiều ngày 12 Tháng Tám năm 2022, anh vừa gọi điện thoại nói chuyện với mẹ, nhưng một ngày sau, đơn vị gọi cho gia đình, nói là anh đã chết không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên trên thân thể thì có nhiều dấu vết tác động ngoại lực.
Quân nhân này là Ninh Văn Tuân ở Phong Châu, Phú Thọ đóng tại đơn vị Sư đoàn 316, thuộc Quân khu 2. Bạn cùng đơn vị giấu tên, nhắn cho gia đình, tiết lộ là Ninh văn Tuân bị đánh đến chết, trước thời gian được xuất ngũ không lâu.
Khi gia đình đến nhận xác tại đơn vị, đã quay lại video và đăng lên mạng, kêu gọi công bằng điều tra về cái chết của anh Ninh Văn Tuân. Thế nhưng ngay sau đó, đại tá Lê Văn Khoản người đứng đầu Sư đoàn 316, gọi điện đe dọa và buộc bà Lê Tâm, mẹ của anh Ninh Văn Tuân phải gỡ bỏ video xuống và không được đưa tin tức gì, nếu muốn quân đội điều tra.
Những người quen biết với bà Tâm nói rằng đại tá Khoản đã yêu cầu bà gỡ bỏ video, cho lính của mình gửi báo cáo đến Facebook, nói bài đăng của bà Tâm là vi phạm quy định cộng đồng, ngoài ra còn có nhiều lời lẽ đe dọa tới mẹ của nạn nhân.
-Quân nhân Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1998, cư trú tại xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, nhập ngũ tại Tiểu đoàn Bộ binh 50, Trung đoàn 991, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Anh Thiên tử vong vào ngày 29 Tháng Giêng năm 2021. Phía đơn vị quân đội nói do đột quỵ. Tuy nhiên, quá trình khám nghiệm tử thi và điều tra của cơ quan chức năng đã kết luận anh Thiên bị 5 đồng đội Trần Văn Mạo, Nguyễn Đình Tâm, Trần Đức Lợi, Rmah Tùy và Ksor Đim đánh đập dẫn đến tử vong. Vào năm 2022, Tòa án Quân Khu V tuyên bản án 41 năm tù giam dành cho 5 bị cáo đã gây ra cái chết của anh Thiên với cáo buộc tội “Cố ý gây thương tích.”
Cũng trong năm 2021, ngoài trường hợp tử vong của quân nhân Nguyễn Văn Thiên thì còn có thêm hai quân nhân Trần Đức Đô và quân nhân Lý Văn Phương. Thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là trường hợp tử vong của quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2000, cư trú tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhập ngũ tại Đại đội 14, Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu I.
Anh Đô tử vong vào ngày 28 Tháng Sáu, 2021. Phía đơn vị quân đội nói do anh treo cổ trên cây tự tử. Phía gia đình bày tỏ phẫn nộ, cho rằng bị đồng đội đánh đập dẫn đến tử vong.
Tình trạng bạo lực giữa các quân nhân, lính cũ đánh đập và hành hạ lính mới gọi chung là “ma cũ ăn hiếp ma mới,” áp lực tâm lý, thiếu giám sát và buông lỏng quản lý của cấp chỉ huy… dẫn đến tình trạng môi trường QĐND Việt Nam vốn dĩ có kỷ luật nghiêm ngặt lại xuất hiện nhiều hình ảnh bạo lực dẫn đến chết người.
Báo động nhất là những màn lính cũ hành hạ, đánh đập lính mới, bày ra nhiều hình phạt để ép lính mới phải phục tùng một cách tuyệt đối… được gọi với cái tên mĩ miều “chào đón tân binh,” vấn đề này đã tồn tại từ lâu trong môi trường QĐND Việt Nam.
Nhiều người bạn của tôi, có thời gian nhập ngũ chia sẻ, hành vi “ma cũ ăn hiếp ma mới” không thuộc điều lệnh hay quy định pháp luật nào cả, nhưng vẫn được thực thi mặc nhiên và lại ảnh hưởng rất lớn trong thời gian quân ngũ nên được gọi là “luật ngầm.”
“Luật ngầm” càng nguy hiểm và đáng sợ hơn khi hành vi bạo hành quân nhân bị phát giác, lãnh đạo đơn vị vì muốn tránh ảnh hưởng đến thành tích đơn vị nên thường bắt các quân nhân “im lặng” hoặc đe dọa trừng phạt nếu tiết lộ thông tin. Ví dụ như trường hợp của quân nhân Nguyễn Văn Nghiệp và Trần Đức Đô, trước khi chết cả hai thường hay báo tin về cho gia đình biết rằng, bản thân bị đồng đội đánh đập, hành hung.
Ngoài “luật ngầm,” trong môi trường quân đội Việt Nam cũng nặng nề vấn nạn “con ông cháu cha,” gây nhiều hậu quả nghiêm trọng không kém.
Hành vi bạo lực quân nhân, làm nhục quân nhân đều bị xử lý theo luật quân đội, nhưng không phải vụ án hay vụ việc nào cũng được phanh phui, bị đưa ra xét xử.