Lâm Đồng: Hài hước chuyện Samten Hills Dalat bị “soi”

Toàn cảnh Samten Hills Dalat trên một vùng đồi ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, xây dựng đồ sộ nguy nga thế này mà tỉnh Lâm Đồng không hay biết, ai tin? – Ảnh trên trang web samtenhills.vn

Bị tố cáo có lẽ vì ai đó “ghen ăn tức ở”, khu du lịch “văn hóa tâm linh” Samten Hills Dalat (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã bị đoàn chính phủ kiểm tra và truyền thông trong nước “soi”.

Từ đầu Tháng Ba đến nay, khu du lịch “văn hóa tâm linh” Samten Hills Dalat mới mở cửa trở thành đề tài bàn tán của người dân, khi nhà đầu tư chạy nhiều bài quảng cáo trên mạng như Vnexpress, VietnamNet, các trang du lịch nội địa, đồng thời thuê người nổi tiếng quảng cáo trên Facebook với ngôn từ đẹp đẽ tự phong như “Thiên đường chữa lành giữa cao nguyên”, “Thiên đường tâm linh nổi tiếng bậc nhất”.

Bên cạnh đó, tuy mới hoạt động, Samten Hills Dalat có một trang mạng riêng được thiết kế chuyên nghiệp với nhiều thông tin và hình ảnh đẹp, trên đó thông tin rõ ràng về mọi dịch vụ nơi này cung cấp, chẳng hạn như gói trải nghiệm “Trọn ngày an yên” có giá vé vào cổng từ 180,000 đồng (trẻ em cao trên 1m-1.4m và người già trên 60 tuổi)  – 250,000 đồng ($7.65 – $10.63), kèm theo một chai nước tinh khiết và một chai nước ép trái cây, trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng – 8 giờ 30 tối.

Điều mới lạ là Samten Hills Dalat tuy là chùa (theo phái Mật tông Kim cương thừa của Tây Tạng) nhưng lại có nhà lều cắm trại ngoài trời và khu nhà nghỉ dưỡng (chưa có giá) với hai cấp khác nhau là “Nhà Tịnh” và “Villa Yên”. Còn hiện nay, chỉ vào tham quan chùa và chạm tay vào “Đại bảo tháp kinh luân” (được phong là lớn nhất thế giới), xoay bánh xe cầu nguyện… thì du khách cũng phải trả phí vào cửa, với giá vé có giá cao nhất trong các khu du lịch gọi là “văn hóa tâm linh” hiện nay như chùa Yên Tử (Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); chùa Thầy, chùa Tây Phương (Hà Nội);  miếu Bà Chúa Xứ (núi Sam, Châu Đốc).

Quảng cáo Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới ở Samten Hills Dalat, khuyến dụ du khách mua vé vào xoay cái này để được phước, một hình thức mê tín dị đoan – Ảnh trên trang web samtenhills.vn

Kỳ lạ hơn là từ cuối Tháng Ba 2023 đến nay, Người Lao Động và Tiền Phong đều đăng loạt bài cho biết Samten Hills Dalat đã xây dựng không phép, có thể bị tỉnh Lâm Đồng thu hồi mục tiêu “nghỉ dưỡng”. Tiền Phong ngày 18 Tháng Tư cho hay: “Mặc dù không được phép sử dụng đất vào mục đích tôn giáo, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh rộng lớn và đang rộng cửa đón khách”, căn cứ vào công văn ngày 16 Tháng Tư của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở) tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty Kim Phát (chủ đầu tư Samten Hills Dalat) sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện đúng chỉ đạo của Ủy ban tỉnh về việc thu hồi mục tiêu “nghỉ dưỡng” tại dự án.

Công văn của sở này phát hành sau khi có cuộc kiểm tra thực địa của Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp cùng nhiều ban/ngành khác trong đó có Cục an ninh nội địa (Bộ Công an), buộc sở này phải rà soát việc giao đất, cho thuê đất tại dự án này.

Theo sở, công ty Kim Phát được Ủy ban tỉnh Lâm Đồng cho thuê hơn 220 ha (494.2 acres) tại thôn Kambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, và cấp phép từ ngày 30 Tháng Sáu 2006 đến thời hạn 2056 (50 năm) với nội dung là “Trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng; trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa; xây dựng nhà máy sản xuất chế biến sữa; kết hợp với tham quan du lịch văn hóa trải nghiệm” chứ không có mục đích tôn giáo.

Trong chuyện này, nếu trách Kim Phát một thì phải trách Sở và Ủy ban tỉnh Lâm Đồng đến mười.

Công ty Kim Phát xây dựng nguyên một quần thể gồm chùa, bảo tháp, kể cả nhà nghỉ… chắc chắn phải kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, cả năm chứ không ít, thế mà Sở và Ủy ban tỉnh Lâm Đồng không hay biết kể cũng lạ? Rồi ngày 7 Tháng Ba 2023 khi công ty này tổ chức lễ khánh thành rầm rộ tại xã Tu Tra, với rất nhiều khách mời từ trung ương đến địa phương, kể cả có sự hiện diện của các nhà sư Tây Tạng, chả lẽ Sở và Ủy ban tỉnh cũng bị…. “che mắt” không thấy hay sao?

Group Đà Lạt Review trên Facebook đã thông tin cảnh tỉnh bạn đọc: “Samten Hills Dalat”: Đây là khu kinh doanh tâm linh, bán vé 250 K chứ không phải chùa. Bạn không nhất thiết đến đây xoay cái gọi là “Đại bảo tháp kinh luân” để lấy phước như lời quảng cáo và khuyến dụ của Tinna Tình”. Nhiều bạn đọc đã để lại bình luận, trong đó có bạn nói đi một lần và không có ý định đến nữa; có bạn nói sẽ không bao giờ đi, vì không có chùa nào thu tiền ác vậy hết. Một bạn kêu gọi: Mọi người nên tỉnh thức, nếu là Phật tử thì hãy tu tâm tạo phước chứ không phải tới Đại bảo tháp kinh luân để lấy phước. Một bạn khác đồng ý đây là khu kinh doanh tâm linh, không có gì gọi là ban phước, còn nội dung nói về Phật giáo trong các clip quảng cáo của Samten Hills Dalat là không đáng tin cậy, có phần mê tín dị đoan.

Khu Villa Yên dành cho du khách muốn nghỉ dưỡng vài ngày hoặc nhiều ngày ở Samten Hills Dalat, có thể sẽ không được mở cửa? – Ảnh trên trang web samtenhills.vn

Trong bài viết “Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh” của tác giả Hùng Võ đăng trên Người Đô Thị ngày 6 Tháng Sáu 2020, tác giả viết: “Mặc dù tình trạng “lấy thánh, thần ra kinh doanh” để trục lợi đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội và cả ở diễn đàn Quốc hội, nhưng thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp vẫn “đổ” hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các dự án du lịch tâm linh khiến hàng trăm hécta đất rừng, lúa bị “xóa sổ”. Dẫn chứng nhiều công trình núp áo du lịch tâm linh từ miền Bắc đến miền Trung để phá hoại tài nguyên quốc gia, tác giả lập luận: “Thực tế cho thấy, trong vòng một thập niên qua, trên cả nước đã xuất hiện hàng trăm khu du lịch tâm linh với diện tích đất khó có thể thống kê đầy đủ. Và, đằng sau những “dự án tâm đức” ấy là hàng nghìn hécta rừng – tài sản của quốc gia bị biến thành “của riêng” với những lâu đài, tòa tháp bê tông cao vút đầy kiêu hãnh như thách thức lòng người và bất chấp các quy định pháp luật về quy hoạch, môi trường…”.

Cuối bài viết, tác giả Hùng Võ kết luận: “….nếu khai thác tài nguyên không gắn liền với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, núp áo phát triển du lịch mà “phá hoại” tài nguyên quốc gia, quan trọng hơn cả, khi đặt lợi ích cá nhân, doanh nghiệp lên trên lợi ích nhà nước thì việc phát triển kinh tế với mũi nhọn du lịch chính là những bước đi thụt lùi!”.

Samten Hills Dalat là một dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh như vậy hình thành ở tỉnh Lâm Đồng.

Suy cho cùng, Samten Hills Dalat – khu du lịch tâm linh đầu tiên ở Tây Nguyên, cũng chỉ ăn theo xu hướng kinh doanh tâm linh đang thịnh hành ở các tỉnh phía Bắc, vào chùa là phải mua vé hoặc phải trả vô số tiền dịch vụ như thuê đò, thuê thuyền, thuê xe điện, vé cáp treo, vé tour…..

Chắc chắn, lấy giấy phép một đàng, xây dựng một nẻo, khu du lịch thập cẩm này đã được các quan lớn bảo kê, nhưng có lẽ quyền lợi của các quan lớn xung đột nên Samten Hills Dalat bị “soi”, muốn êm đẹp để hoạt động tiếp thì công ty Kim Phát phải xì tiền nhiều hơn nữa.

Để xem, Samten Hills Dalat có tồn tại tiếp được hay không.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: